08/01/2023 08:59
Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng euro giảm tháng thứ hai liên tiếp
Cơ quan thống kê của EU vừa công bố số liệu lạm phát khu vực đồng euro cho tháng 12 và nó cho thấy tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm nhẹ trong tháng thứ hai liên tiếp.
Lạm phát của 19 quốc gia sử dụng đồng euro ở mức 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 12 năm 2022, một phần không nhỏ là do giá năng lượng giảm so với mức đỉnh vào mùa Hè và mùa Thu.
Hiện có 20 quốc gia sử dụng đồng euro nhưng do Croatia chỉ mới tham gia khối tiền tệ vào ngày 1 tháng 1 nên dữ liệu không được xem xét.
Lạm phát của khu vực đồng euro đạt đỉnh vào tháng 10 năm 2022 ở mức 10,6%, giảm xuống 10,1% vào tháng 11 và hiện là 9,2% - mức thấp nhất kể từ tháng 8.
Tuy nhiên, nó vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina vào tháng 2 năm ngoái đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát đã có từ trước, một phần do đại dịch COVID gây ra.
Đặc biệt, giá năng lượng đã tăng cao hơn nhiều bởi sự không chắc chắn khi châu Âu, một khách hàng mua dầu và khí đốt khổng lồ của Nga, áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow và bắt đầu tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế.
Vào tháng 12, giá năng lượng ở khu vực đồng euro cao hơn 25,7% so với cùng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên nó vẫn thấp hơn tháng 11 (34,9%) và tháng 10 (41,5%).
Giá khí đốt tự nhiên đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại vào cuối mùa Hè vì nhiều lý do. Nguyên nhân là do các nước châu Âu, bao gồm cả Đức, tranh nhau lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt cho mùa Đông. Hầu hết các cơ sở lưu trữ ở châu Âu hiện đã đầy, trong khi mùa Đông tương đối ấm áp và người tiêu dùng đã giảm nhu cầu.
Giá lương thực tăng, yếu tố chính khác thúc đẩy lạm phát, vẫn ổn định hơn, ở mức cao hơn một chút so với lạm phát chung. Vào tháng 12 năm 2022, tổng giá lương thực ở khu vực đồng euro cao hơn 13,8% so với cùng tháng năm 2021.
Giống như hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới, ECB đã tăng lãi suất trong nỗ lực chống lạm phát, mặc dù nó bắt đầu quá trình này muộn hơn và từ mức cơ sở thấp hơn so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Tốc độ lạm phát chậm lại cũng là một xu hướng có thể quan sát được ở những nơi khác. Ví dụ, ở Mỹ, mức tăng giá tiêu dùng đã đạt đỉnh trước đó, vào tháng 6 năm ngoái, ở mức 9,1% và đến tháng 11, mức tăng này đã giảm xuống còn 7,1%.
Lạm phát của Đức giảm xuống dưới 9% trong tháng 12 theo cơ quan thống kê Destatis.
Fed, ECB và các ngân hàng trung ương khác cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện các bước để cố gắng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% hàng năm - mặc dù họ cũng đã bắt đầu gợi ý rằng họ có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất trong ngắn hạn hoặc trung hạn nếu tỷ lệ lạm phát tiếp tục giảm.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement