05/12/2022 13:44
Kinh tế Mỹ suy thoái sâu sẽ nhấn chìm kinh tế toàn cầu
Gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã ngầm ám chỉ thể chế này sẽ giảm biên độ tăng lãi suất trong tháng 12. Sau khi thông tin được công bố, chứng khoán Mỹ đã tăng vọt trong khi chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) lấy lại mốc 15.000 điểm.
Tuy nhiên, không thể đánh giá thấp thực tế là kinh tế Mỹ đang dần rơi vào suy thoái sâu. Nếu thật sự xảy ra, điều này có thể sẽ "đánh chìm" kinh tế thế giới trong năm 2023.
Lãi suất tăng mạnh và lạm phát cao sẽ tiếp tục đè năng lên hoạt động kinh tế của Mỹ. Khả năng tỷ lệ lạm phát của nước này giảm từ mức 8% hiện tại xuống mục tiêu chính sách 2% vào trước tháng 7/2023 là không cao.
Hơn nữa trước khi lãi suất cơ bản liên bang chưa chạm mức giới hạn 7%, tốc độ tăng lãi suất của Fed dự kiến sẽ không ngừng lại, rất khó sớm chuyển sang chu kỳ hạ lãi suất như kỳ vọng của thị trường.
Fed đang theo dõi sát thị trường lao động. Mặc dù thị trường được mô tả là tương đối lạc quan với những "khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân lao động được cải thiện đáng kể" vào đầu quý 3 năm nay, nhưng tình hình cung cầu của thị trường lao động trong quý 4 vẫn rất căng thẳng và đầy tính không xác định. Nhiều chuyên gia vẫn có quan điểm không chắc chắn, thậm chí bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ.
Năm nay, Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất vượt kỳ vọng của thị trường. Tính đến tháng 11, thể chế này đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75%. Dự kiến trong tháng 12 Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5% và theo kỳ vọng của thị trường hiện tại, trong nửa đầu năm 2023, lãi suất sẽ tăng thêm ít nhất hai lần, mỗi lần 50 điểm cơ bản. Khi đó, lãi suất liên bang tối thiểu sẽ đạt mức 5,25%.
Do lãi suất liên bang vẫn chưa đạt đến mức giới hạn trên 7% nên tiến trình tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc. Hơn nữa, các các nhân tố như trợ cấp ngân sách và chi tiêu quốc phòng quá mức… đã khiến nhu cầu của thị trường chuyển từ tăng sang giảm.
Số liệu cho thấy, doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 10 (sau điều chỉnh) đã tăng 1,27% so với tháng trước đó. Từ sự phục hồi nhẹ của nhu cầu có thể thấy rằng mức lãi suất 3,75% hiện nay vẫn chưa đẩy kinh tế Mỹ vào trạng thái "suy thoái hoàn toàn" và Fed vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng lãi suất.
Tuy nhiên, cùng với lãi suất cơ bản liên tục được điều chỉnh tăng trong năm nay, các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của khu vực kinh tế, bao gồm tiêu dùng tư nhân và đầu tư tư nhân, đều thể hiện rõ xu hướng giảm.
Lãi suất các khoản vay thế chấp 30 năm đã tăng mạnh lên 7% trong tháng 10; doanh số bán nhà 10 tháng của năm giảm 1/3; tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cá nhân giảm từ 13,48% trong tháng 2/2022 xuống còn 8,24% trong tháng 9/2022.
Tiết kiệm là một nguồn tiêu dùng khác, kể từ nửa cuối năm, tiết kiệm quốc dân Mỹ đã không thể hỗ trợ tiêu dùng. Trước khi lạm phát tăng cao, tổng tiết kiệm cá nhân của Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng âm từ tháng 4/2021, hiện nay tỷ lệ tiết kiệm quốc dân đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2009, hình thành xu thế suy giảm tỷ lệ chi tiêu tiêu dùng thực tế của cá nhân. Do hiệu quả tăng mạnh lãi suất của Fed có độ trễ cao, dự kiến tiêu dùng sẽ giảm mạnh từ quý II năm tới.
Bên cạnh đó, thu nhập quyết định tiêu dùng, tỷ lệ tăng tiền lương của Mỹ giảm do Fed liên tục tăng lãi suất. Nếu việc Fed tăng lãi suất giúp lạm phát giảm xuống mức ôn hòa, thì tỷ lệ tăng lương của Mỹ sẽ giảm 2,5%, khiến tỷ lệ tiêu dùng giảm mạnh, đẩy nhanh quá trình suy thoái sâu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một khi kinh tế Mỹ xuất hiện suy thoái sâu, Fed sẽ phải nhanh chóng chuyển sang chu kỳ hạ lãi suất. Tuy nhiên, thời điểm đó có thể là tháng 5/2023, thậm chí là sau tháng 9/2023.
Kể từ tháng 3/2022, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ bắt đầu suy yếu, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giảm mạnh xuống còn 14,26% trong tháng 9 (so với mức 27,49% hồi tháng 3) và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023, có thể rơi xuống mức 10%.
Do vấn đề giá cả, năng lực tiêu dùng quốc dân bị kiềm chế, nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng sẽ xuất hiện trạng thái suy giảm đồng bộ. Năm 2023, nhập khẩu của Mỹ có thể xuất hiện cục diện thu hẹp kép cả về số lượng lẫn giá trị.
Xét từ góc độ nhập khẩu, tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của Mỹ khó tiếp tục duy trì ở mức cao do sức ép suy giảm của kinh tế toàn cầu. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống mức 2%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 7 năm nay.
Các nhân tố như lạm phát mang tính toàn cầu, chuỗi cung ứng gián đoạn, môi trường tài chính thắt chặt, xuất nhập khẩu của Mỹ thu hẹp, dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, hiệu ứng xung đột Nga-Ukraine… đều tác động nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế toàn cầu.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp