17/06/2023 01:55
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản không theo kịp thực trạng già hóa dân số
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất.
Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia này phải thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế cũng như phúc lợi cho người già.
Những hệ lụy của già hóa dân số
Dân số già đã làm nền kinh tế Nhật Bản đối mặt với cuộc khủng hoảng năng suất. Sự lão hóa nhanh chóng của dân số, trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ dân nhập cư thấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia khi ngân sách thu vào không đủ đáp ứng cho những chương trình phúc lợi và thiếu hụt ngân sách, khiến nền kinh tế đi xuống, lao dốc nhanh hơn.
Năng suất lao động tổng thể của Nhật Bản hiện đang tụt hậu khá xa so với hầu hết các quốc gia phát triển. Theo Trung tâm năng suất Nhật Bản, quốc gia này xếp thứ 27 trong số 38 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế vào năm 2021 về năng suất mỗi giờ, mức thấp nhất của Nhật Bản kể từ khi chuỗi dữ liệu bắt đầu vào năm 1970.
Để đồng thời đảm bảo chính sách an sinh xã hội và khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong bối cảnh dân số giảm, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho những người cao tuổi có nguyện vọng. Theo Luật ổn định việc làm cho người cao tuổi sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4/2021, các doanh nghiệp có nghĩa vụ hỗ trợ việc làm cho người lao động đến năm 70 tuổi.
Người già Nhật Bản đang làm việc vì họ muốn và họ phải làm để đảm bảo tài chính. Trong số 19 triệu người Nhật từ 60 đến 70 tuổi thì có 11,5 triệu người đang làm việc. Theo ước tính của chính phủ Nhật, một công dân trung bình sẽ cần tiết kiệm 20 triệu yên (143.000 USD) để có thể đủ sống cho 30 năm sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, tính đến năm 2022, gần 21% hộ gia đình có trụ cột gia đình trên 60 tuổi không có tiền tiết kiệm.
Các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản đang tập trung khuyến khích đổi mới trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
"Thập kỷ sức khỏe vàng" hiện nay đối với người Nhật từ 65 đến 75 tuổi là một thành tựu to lớn, nhưng nó sẽ nhanh chóng bị xói mòn nếu không có sự hỗ trợ sáng tạo và đổi mới trong chăm sóc sức khỏe.
Sự cứng nhắc của hệ thống y tế đã làm hạn chế việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc tối thiểu cũng như các phương pháp điều trị tiên tiến. Thời gian nằm viện của một bệnh nhân Nhật Bản thường gấp ba lần so với người Mỹ hay các nước Châu Âu.
Nhìn chung, Nhật Bản chi quá ít cho đổi mới y tế. Một nghiên cứu do Hiệp hội các trường cao đẳng y tế Nhật Bản công bố vào tháng 4 cho thấy 30% bác sĩ bệnh viện đại học được khảo sát có nguy cơ tử vong do làm việc quá nhiều.
Không có gì ngạc nhiên khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản chủ yếu dựa vào sự đổi mới bắt nguồn từ và được tài trợ bởi các quốc gia khác. Người cao tuổi không được tiếp cận với các công nghệ y tế đột phá, điều này đồng nghĩa với việc các loại thuốc điều trị mới nhất trên toàn cầu không dành cho bệnh nhân Nhật Bản.
Tổng chi tiêu cho y tế của Nhật Bản đạt 10,74% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2019, tương đương 4.360 USD trên đầu người. Đến năm 2025, Nhật Bản sẽ thiếu hụt 320.000 nhân viên chăm sóc điều dưỡng và đến năm 2040, thiếu hụt khoảng 1 triệu nhân viên y tế và phúc lợi.
Cần hướng tới sự chăm sóc toàn diện hơn cho người cao tuổi
Hiện tại, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống mang tên "chăm sóc cộng đồng toàn diện", đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025.
Đây là hệ thống hỗ trợ chăm sóc cuộc sống của người cao tuổi tại chính địa phương nơi họ đang sống. Điều này giúp đưa ra những tiêu chí phục vụ phù hợp đối với người cao tuổi ở những khu vực khác nhau trên lãnh thổ Nhật Bản. Việc thiết lập lại sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các bác sĩ và y tá ở tuyến đầu với căn bệnh azheimer thế kỷ.
Theo số liệu của chính phủ, 15% người Nhật từ 65 tuổi trở lên mắc chứng suy giảm trí nhớ khi về già. Trong hai năm nữa, cứ năm người thì có một người được dự báo sẽ mắc bệnh này. Việc thiếu các cơ sở chăm sóc dài hạn và lao động đã khiến các cơ sở y tế phải chịu gánh nặng quá lớn trong cuộc chiến này.
Hiện Nhật Bản có 10.600 cơ sở phúc lợi chăm sóc dài hạn. Dựa trên sức chứa trung bình là 87 giường, tương đương với 922.200 chỗ dành cho 20 triệu người Nhật trên 75 tuổi.
Nếu một nửa số công dân đó cần được chăm sóc dài hạn, Nhật Bản sẽ có ít hơn 1/10 công suất cần thiết. Hiện tại, nhu cầu đang tăng lên, với hơn 45% người cao tuổi ở Tokyo cần được chăm sóc như vậy vào năm 2025 so với năm 2015.
Nhật Bản cần một thỏa thuận mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe y tế. Vẫn chưa quá muộn để mở rộng đầu tư vào các bệnh viện, bác sĩ và y tá, bao gồm trả lương cao hơn và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết bị theo chuẩn quốc tế.
Nhật Bản chắc chắn có thể đủ khả năng thay đổi tư duy đối với các công trình công cộng của con người nhằm thúc đẩy năng suất, tạo việc làm và hồi sinh các thị trấn già cỗi của nước này.
(Nguồn: Nikkei Asia)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp