27/06/2022 07:29
Giá năng lượng tiếp tục 'chiếm sóng' tại Hội nghị thượng đỉnh G7
Giá năng lượng tăng cao, nguồn cung đang thiếu do các lệnh cấm vận Nga tiếp tục là chủ đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Đức.
Các nhà lãnh đạo của Nhóm Bảy quốc gia phát triển hay còn gọi là G7 đã thảo luận về kế hoạch xây dựng giới hạn cho giá dầu của Nga, điều mà theo các chuyên gia, nhằm gây sức ép đối với Moscow, vốn đang hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao.
Hoa Kỳ đã đề xuất mức trần giá do các nước tiêu thụ quyết định, một đề xuất đã được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận vào Chủ nhật (26/6) tại hội nghị thượng đỉnh ở Bavaria (Đức).
Các nước phương Tây tập hợp xung quanh Kyiv khi Nga xâm lược Ukraina vào tháng Hai. Tuy nhiên, hơn 4 tháng sau cuộc chiến, sự thống nhất đó đang được thử thách khi lạm phát tăng vọt và tình trạng thiếu năng lượng bùng phát trở.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin chính phủ Đức cho biết, Ukraina đã chỉ trích G7 vì nhóm này không gây đủ sức ép lên Nga.
"Chúng tôi (G7) đang trên một con đường tốt để đạt được một thỏa thuận", quan chức tham gia cuộc họp nói.
Trong khi đó, một quan chức Pháp thì cho biết, Paris sẽ thúc đẩy giới hạn giá dầu và khí đốt cũng như sẵn sàng thảo luận về các đề xuất của Mỹ.
Tuy nhiên, vị quan chức giấu tên này cho biết thêm rằng, G7 cần nỗ lực hướng tới mức giá dầu tối đa và điều này cần sự hỗ trợ của các nhà sản xuất dầu trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh trong nhóm OPEC +, bao gồm cả Nga.
Quan chức này cho biết: "Chúng tôi cần thảo luận với OPEC + và các nước sản xuất để đạt được điều này".
Liên minh châu Âu, có kế hoạch cấm nhập khẩu hầu hết dầu của Nga từ cuối năm nay, đã bảo lưu về việc Mỹ thúc đẩy giới hạn giá dầu rộng lớn hơn hoặc "ngoại lệ giá" để hạn chế doanh thu từ năng lượng của Moscow.
"Một ngoại lệ" về giá có thể hoạt động thông qua cơ chế hạn chế: hoặc tạm thời cho phép bảo hiểm hoặc tài trợ cho các chuyến hàng dầu của Nga trên một mức nhất định.
Điều này có thể ngăn chặn tác động có thể ảnh hưởng các quốc gia có thu nhập thấp đang phải vật lộn với chi phí lương thực và năng lượng cao.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng cho biết, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về một cơ chế kỹ thuật có tác động đến giới hạn giá dầu thông qua các dịch vụ liên quan đến dầu mỏ và bảo hiểm xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Michel cho biết vấn đề sẽ cần được xử lý cẩn thận nếu không sẽ có nguy cơ phản tác dụng.
"Chúng tôi đã sẵn sàng đưa ra quyết định cùng với các đối tác của mình, nhưng chúng tôi muốn đảm bảo rằng những gì chúng tôi quyết định sẽ có tác động tiêu cực [đối với Nga] chứ không phải ảnh hưởng tiêu cực đến chính chúng tôi", ông nói thêm.
Khi bắt đầu cuộc gặp song phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảm ơn Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thể hiện vai trò lãnh đạo đối trong các vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ cho Ukraina và cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không thể phá vỡ sự đoàn kết đó.
Thủ tướng Scholz đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trong và ngoài nước vì cách xử lý của ông đối với cuộc tấn công Ukraina của Nga.
"Chúng tôi có thể vượt qua tất cả những điều này và trở nên mạnh mẽ hơn", TT Biden nói.
"Bởi vì ngay từ đầu, ông Putin đã tin tưởng rằng bằng cách nào đó NATO và G7 sẽ tách rời nhau. Nhưng chúng tôi đã không và chúng tôi sẽ không làm như vậy", người đứng đầu nước Mỹ nói thêm.
Khi bắt đầu cuộc họp, 4 thành viên G7 đã công bố kế hoạch cấm nhập khẩu vàng của Nga như một phần trong nỗ lực thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga. Pháp cũng ủng hộ động thái này.
Vương quốc Anh cho biết lệnh cấm này nhằm vào những người Nga giàu có đang mua vàng thỏi để trú ẩn an toàn nhằm giảm tác động tài chính do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Xuất khẩu vàng của Nga trị giá 15,45 tỷ USD trong năm ngoái.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong một tuyên bố: "Các biện pháp mà chúng tôi đã công bố ngày hôm nay sẽ trực tiếp tấn công các đầu sỏ chính trị của Nga và tấn công vào trung tâm bộ máy chiến tranh của Putin".
"Chúng ta cần phải 'bỏ đói' chế độ của ông Putin bằng cách cắt nguồn tài chính của họ. Vương quốc Anh và các đồng minh của chúng tôi đang làm điều đó ", ông nói.
Tin liên quan
Advertisement