20/08/2022 00:26
Gazprom thông báo tạm ngừng vận hành Nord Stream 1
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 19/8 thông báo sẽ ngừng vận hành hoàn toàn hệ thống đường ống Nord Stream 1 trong 3 ngày cuối tháng 8 này để phục vụ công tác bảo trì.
Gazprom cho biết từ ngày 31/8-2/9, thiết bị nén khí còn vận hành duy nhất của hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ được tiến hành bảo trì định kỳ cùng hãng Siemens và trong thời gian này sẽ không có khí đốt vận chuyện từ Nga tới châu Âu.
Trong trường hợp không bị lỗi kỹ thuật, hệ thống sẽ vận hành trở lại sau thời gian bảo trì, đảm bảo việc vận chuyển với công suất 33 triệu m3 khí/ngày, tương đương 20% công suất thực tế của đường ống.
Gazprom đã giảm lượng khí đốt cung cấp qua Nord Stream 1 kể từ tháng 6, với lý do bị thiếu một tuabin nén khí bảo trì ở Canada chưa được chuyển lại. Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây cho biết thiết bị hiện đã được chuyển về Đức này sẵn sàng được đưa tới Nga vào bất cứ thời điểm nào.
Sau khi công suất được giảm xuống 67 triệu m3/ngày (tương ứng 40% công suất), tới giữa tháng 7, Gazprom thông báo ngừng vận hành đường ống 10 ngày để bảo trì định kỳ. Sau đó tới cuối tháng 7, Gazprom tiếp tục giảm công suất xuống còn 20%.
Đức sẽ phải vật lộn để có đủ khí đốt vượt qua mùa đông tới, ngay cả khi lượng dự trữ khí đốt bổ sung đạt được đúng mục tiêu của chính phủ, Bloomberg nhận định.
Việc nạp đầy dự trữ khí đốt ở mức 95% vào tháng 11 sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 2 tháng rưỡi nhu cầu sưởi ấm, công nghiệp và điện nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, ông Klaus Mueller, chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cơ quan quản lý năng lượng của nước này, nhận định.
Kho dự trữ khí đốt của Đức hiện đang ở mức dự trữ 77% công suất, hoàn thành trước thời hạn tới 2 tuần.
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, đang chạy đua để đổ đầy kho dự trữ cho mùa đông sau khi Nga giảm mạnh dòng khí trên đường ống dẫn khí Nord Stream, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất của châu Âu trong nhiều thập kỷ và có khả năng sẽ kéo dài tới năm sau.
Chính phủ Đức hối thúc tiết kiệm năng lượng đồng thời cảnh báo về việc phân phối khí đốt. Trong tuần này, Đức cũng đã đánh thuế đặc biệt với sử dụng khí đốt.
"Chúng tôi đã nhanh hơn một chút ở việc bổ sung cho kho dự trữ nhưng đó không phải dấu hiệu cho thấy chúng tôi có thể thư giãn. Thay vào đó, kết quả đó nên được xem như một cú hích để tiếp tục", ông Mueller nói hôm 16.8.
Với nguy cơ mùa thu lạnh hơn bình thường và khả năng nguồn cung khí đốt tiếp tục gián đoạn, mục tiêu bắt buộc của chính phủ Đức là các cơ sở lưu trữ khí đốt phải đầy ở mức 85% vào tháng 10 có thể là một thách thức, ông Mueller nói.
Việc đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt ở mức 95% trong tháng 11 dường như "khó đạt được", chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức nhận định. Lý do ông đưa ra là một số cơ sở lưu trữ khí đốt cần nhiều thời gian hơn để bổ sung lượng dự trữ.
"Tôi không thể cam kết rằng tất cả các cơ sở lưu trữ ở Đức sẽ đầy 95% vào tháng 11, ngay cả trong điều kiện cung và cầu tốt. Kịch bản tốt nhất là 3/4 cơ sở lưu trữ đạt được mục tiêu", ông nói.
Dòng khí đốt của Nga qua Nord Stream 1 hiện chỉ đạt khoảng 20% công suất, khiến chính phủ Đức nhiều lần cảnh báo nguồn cung cấp khí đốt có thể bị cắt hoàn toàn bất cứ lúc nào khi Mátxcơva đáp trả các lệnh trừng phạt liên quan tới xung đột Ukraina.
Đức đang triển khai các động thái để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung, bao gồm một thỏa thuận được ký kết trong tuần này để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thông qua 2 trạm mới.
Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu cũng đang xem xét ý tưởng duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân. Động thái này có thể giảm 3% lượng sử dụng khí đốt trong năm 2023, theo BloombergNEF.
Cơ quan quản lý của Đức cũng đang nghiên cứu cách thức ưu tiên nguồn cung cho một số ngành công nghiệp thiết yếu với nền kinh tế. Một nền tảng kỹ thuật số đảm nhận hỗ trợ việc đưa ra đề xuất cho các kịch bản khác nhau dự kiến sẵn sàng vào tháng 10.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp của Đức không nên trông đợi cơ quan quản lý thiết lập một trật tự cố định trong đó chắc chắn công ty nào sẽ ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng.
"Chúng tôi vẫn chưa biết cuộc khủng hoảng sẽ diễn tiến như thế nào. Chúng tôi không thể chắc chắn rằng một số người tiêu dùng có thể bị cắt giảm trước những người khác. Chúng tôi đang minh bạch, nhưng tôi biết đó không phải là tin tức thỏa lòng", ông Mueller nói.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement