Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Châu Âu có thể sống sót khi không có khí đốt của Nga?

Phân tích

22/07/2022 12:28

Châu Âu đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng ngay cả trước khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí đốt từ Nga đến Đức dừng hoạt động để bảo trì định kỳ.
news

Nga đã cắt giảm dòng khí đốt tự nhiên vận chuyển đến châu Âu, được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho nhà dân vào mùa Đông, và Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng dòng khí đốt này có thể tiếp tục sẽ bị cắt giảm. 

Việc cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Nord Stream 1 đã bị cắt giảm 60% từ trước khi đường ống bắt đầu được sửa chữa. Ngay cả khi đường ống này được khởi động lại ở mức công suất đã bị cắt giảm, châu Âu sẽ phải vật lộn để có đủ lượng khí đốt trong mùa Đông này. Dưới đây là những điều quan trọng cần biết về cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay:

Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu?

Nước này đã giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ngay cả trước khi xâm lược Ukraina, Nga đã không bán khí đốt trên thị trường giao ngay. Sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt quyết liệt đối với các ngân hàng và công ty của Nga và bắt đầu gửi vũ khí cho Ukraina, Nga đã cắt khí đốt đối với 6 nước thành viên EU và giảm nguồn cung đối với 6 nước thành viên khác.

Lượng khí đốt vận chuyển đến Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, thông qua hệ thống Nord Stream 1 đã bị giảm xuống còn 2/3 so với trước đó. Nga lấy lý do một phần khí đốt được chuyển sang Canada để bảo trì đường ống và không thể chuyển lại do tác động của các lệnh trừng phạt. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bác bỏ tuyên bố này và cho biết đây là một trò chơi chính trị để trả đũa các lệnh trừng phạt.

Châu Âu có thể sống sót khi không có khí đốt của Nga? - Ảnh 1.

Một trạm nén ở Mallnow, Đức.

Việc này đã khiến 27 thành viên EU phải tranh giành để lấp đầy các kho trữ khí đốt trước mùa Đông, khi nhu cầu tăng cao và các công ty cung cấp dịch vụ công cộng sử dụng kho dự trữ của họ để sưởi ấm nhà ở và giúp các nhà máy điện duy trì hoạt động.

Mục tiêu của EU là sử dụng ít khí đốt hơn bây giờ để dự trữ cho mùa Đông. Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện tại chỉ ở mức 65%, trong khi mục tiêu đặt ra là lấp đầy 80% kho dự trữ trước ngày 1/11.

Tầm quan trọng của khí đốt Nga

Trước chiến tranh Ukraina, Nga đã cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu. Con số đó đã giảm xuống còn khoảng 15%, khiến giá bị đẩy lên cao và gây căng thẳng cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Khí đốt được sử dụng trong một loạt các quy trình mà hầu hết mọi người không biết đến - rèn thép để làm ô tô, làm chai lọ thủy tinh, tiệt trùng sữa và phomai.

Các công ty cảnh báo rằng họ không thể chuyển sang các nguồn năng lượng khác như nhiên liệu đốt lò (Fuel oil - FO) hoặc điện để tạo ra nhiệt chỉ trong 1 đêm. Trong một số trường hợp, các thiết bị dùng để chứa kim loại hay thủy tinh nấu chảy sẽ bị hỏng nếu không có nhiệt.

Giá năng lượng cao đang đe dọa gây ra suy thoái ở châu Âu do mức lạm phát cao kỷ lục, khiến túi tiền của người tiêu dùng ít đi trong khi chi phí thực phẩm, nhiên liệu và điện nước tăng lên. Việc cắt giảm hoàn toàn khí đốt có thể giáng 1 đòn nặng nề hơn vào nền kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn.

Đường ống Nord Stream 1

Đường ống Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn của châu Âu chạy dưới Biển Baltic từ Nga sang Đức và là nguồn cung cấp chính khí đốt của Nga cho Đức.

Người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức Klaus Mueller đã viết trên Twitter rằng Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã thông báo kế hoạch cung cấp lượng khí đốt với công suất khoảng 530 GWh thông qua Nord Stream 1 vào ngày 21/7 - khoảng 30% công suất của đường ống và giảm từ mức khoảng 800 GWh mà họ đã thông báo vài giờ trước đó. Ông lưu ý rằng "có thể sẽ có những thay đổi lớn hơn nữa". Trong những ngày trước khi đường ống dừng hoạt động để bảo trì, nguồn cung cấp khí đốt đạt công suất khoảng 700 GWh mỗi ngày.

Châu Âu có thể sống sót khi không có khí đốt của Nga? - Ảnh 3.

Đường ống Nord Stream 1 đã hoạt động dưới công suất kể từ khi Nga bắt đầu cắt giảm nguồn cung vào tháng 6.

Các nhà phân tích tại Rystad Energy cho rằng nếu Nord Stream 1 không hoạt động, châu Âu sẽ chỉ đạt khoảng 65% công suất dự trữ, tạo ra nguy cơ khí đốt sẽ thực sự bị cạn kiệt vào mùa Đông.

Có 3 đường ống khác vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu, nhưng 1 đường ống đi qua Ba Lan và Belarus đã bị ngừng hoạt động. 1 đường ống khác đi qua Ukraina và Slovakia vẫn đưa lượng khí đốt bị đã bị cắt giảm vào châu Âu cho dù chiến sự vẫn đang xảy ra, và đường ống còn lại đi qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgaria.

Ý đồ của Putin là gì?

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mặc dù các nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga đang bán ít năng lượng hơn, nhưng với giá bán bị đẩy lên cao, điều này có nghĩa là thu nhập của Putin đã được tăng lên. IEA cho biết, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, doanh thu của Nga từ việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang châu Âu đã tăng gấp đôi so với mức trung bình của những năm gần đây, lên 95 tỷ USD.

Mức tăng doanh thu từ việc bán năng lượng của Nga trong 5 tháng qua cao gấp 3 lần so với mức mà họ thường kiếm được khi xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trong suốt một mùa Đông. Do đó, Putin có tiền trong tay và có thể tính toán rằng các hóa đơn điện nước gây buồn phiền và suy thoái năng lượng có thể làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng châu Âu đối với Ukraina và gia tăng tâm lý mong muốn có một thỏa thuận được thương lượng cho dù theo hướng có lợi cho Moskva. 

Giám đốc điều hành của IEA Fatih Birol cho biết: "Dựa trên những gì chúng ta đã thấy trong năm qua, sẽ thật ngu ngốc nếu loại bỏ khả năng Nga có thể quyết định từ bỏ doanh thu mà họ đã kiếm được từ việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu để đạt được đòn bẩy chính trị".

Putin cho biết lượng khí đốt được vận chuyển qua Dòng cháy phương Bắc 1 sẽ bị giảm bớt từ 60 triệu m3 xuống 30 triệu m3/ngày, tức khoảng 1/5 công suất của đường ống, nếu tuabin được gửi sang Canada để sửa không được thay thế nhanh chóng. Canada cho biết họ đã gửi lại bộ phận này, tuy nhiên Đức đã từ chối cho biết hiện nó đang ở đâu.

Trao đổi với các phóng viên Nga trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/7, Tổng thống Putin nói: "Các đối tác của chúng tôi đang cố gắng đẩy trách nhiệm cho Nga và Gazprom vì những sai lầm mà chính họ đã gây ra, nhưng điều này hoàn toàn không có cơ sở".

Bên cạnh đó, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu trước đài truyền hình Nga hôm 20/7 rằng Nga sẽ không xuất khẩu dầu ra thị trường thế giới nếu giá bị giới hạn ở mức thấp hơn chi phí sản xuất. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang thúc đẩy việc đặt ra một mức giá trần nhằm khiến Moskva khó có thể duy trì nguồn tài chính tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraina. Các quan chức cho biết mục tiêu là đặt giá ở mức có thể bù đắp được chi phí sản xuất biên để Moskva được khuyến khích tiếp tục xuất khẩu dầu. Trước đó, Tổng thống Putin đã nói với các phóng viên rằng giá dầu sẽ tăng vọt nếu giá trần được áp dụng.

Châu Âu có thể sống sót khi không có khí đốt của Nga? - Ảnh 5.

Hiện Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tắt vòi.

Châu Âu có thể làm gì?

EU đã chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn được vận chuyển bằng tàu từ những nơi như Mỹ và Qatar. Đức đang đẩy nhanh quá trình xây dựng các trạm đầu mối nhập khẩu LNG trên bờ Biển Bắc của mình, nhưng điều này sẽ mất nhiều năm. Trạm đầu mối nhập khẩu LNG đầu tiên trong số 4 trạm dự kiến được xây dựng sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm nay

Tuy nhiên, chỉ riêng LNG không thể lấp đầy khoảng trống. Các cơ sở xuất khẩu LNG của thế giới đang hoạt động hết công suất trong bối cảnh thị trường năng lượng bị thắt chặt và không còn khí đốt. Một vụ nổ tại một nhà ga của Mỹ ở Freeport, Texas, được sử dụng để chuyển phần lớn lượng khí đốt của nước này sang châu Âu, đã lấy đi 2,5% nguồn cung của châu Âu chỉ sau một đêm.

Dự trữ và các nguồn năng lượng khác là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, Đức đang kéo dài thời gian vận hành các nhà máy nhiệt điện than, tạo ra một hệ thống đấu giá khí đốt nhằm khuyến khích dự trữ và điều chỉnh lại các bộ điều chỉnh nhiệt tại các tòa nhà công cộng.

Ngày 20/7, EU đã đề xuất các quốc gia thành viên tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong những tháng tới. Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đang tìm kiếm quyền hạn để áp đặt mức cắt giảm bắt buộc trong toàn khối nếu xảy ra nguy cơ thiếu khí đốt trầm trọng hoặc nhu cầu tăng đặc biệt cao. Các nước thành viên EU sẽ thảo luận về các biện pháp này tại cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng năng lượng vào ngày 26/7.

Các quốc gia đang tranh giành nhau để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thay thế, trong đó các nhà lãnh đạo của Italy, Pháp và EU đã ký các thỏa thuận với các đối tác của họ ở Algeria, Azerbaijan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong tuần này.

"Nga đang tống tiền chúng tôi. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. Châu Âu phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen

Mùa Đông lạnh giá sắp đến

Ít khả năng nhà dân, trường học và bệnh viện sẽ mất đi nguồn năng lượng để sưởi ấm vì các chính phủ buộc phải áp đặt hạn chế đối với các doanh nghiệp trước. Chính phủ Đức cũng có thể cho phép các nhà cung cấp khí đốt ngay lập tức chuyển phần khí đốt được tăng thêm cho khách hàng. Các lựa chọn có thể bao gồm làm tê liệt ngành công nghiệp hoặc khiến người tiêu dùng bị sốc vì những hóa đơn đắt đỏ hơn.

Nếu Nord Stream 1 hoạt động trở lại ở mức thấp, châu Âu sẽ cần tiết kiệm 12 tỷ m3 khí đốt, tương đương với 120 tàu chở LNG, để lấp đầy lượng dự trữ trước mùa Đông. IEA khuyến nghị các nước châu Âu tăng cường vận động người dân sử dụng tiết kiệm và có kế hoạch chia sẻ khí đốt trong trường hợp khẩn cấp. Khả năng có thể bị cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt có nghĩa là cần phải dự trữ nhiều hơn nữa. Và thời gian ngày càng ngắn.

Birol, Giám đốc điều hành của IEA, cho biết: "Các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải chuẩn bị cho khả năng này ngay từ bây giờ để tránh những thiệt hại có thể xảy ra do phản ứng rời rạc và mất ổn định. Mùa Đông năm nay có thể trở thành một bài kiểm tra lịch sử về sự đoàn kết của châu Âu - một thử thách mà họ không được phép thất bại - với những tác động không chỉ dừng lại ở lĩnh vực năng lượng".

(Nguồn: AP/Reuters)

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ