21/12/2018 13:54
Fed tăng lãi suất, áp lực lên tỷ giá năm 2019 sẽ ra sao?
Trong năm 2018, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của Fed. Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2018. Với bối cảnh Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, tỷ giá năm 2019 sẽ ra sao?
Theo “Báo cáo cập nhật về lãi suất của Fed”, chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng việc giữ cho VND không bị mất giá quá mạnh trong thời gian qua được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng. Điều này tạo sự khan hiếm VND, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ.
Fed nâng lãi suất, áp lực lên tỷ giá năm 2019 sẽ ra sao? (Ảnh: Internet) |
Dự báo năm 2019, mặc dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất nhưng về cơ bản, tần suất tăng sẽ ít dần. Trên cơ sở đó, chuyên gia BVSC cho rằng áp lực đối với VND trong năm 2019 sẽ không nhiều như năm 2018.
Tuy vậy, sự thận trọng là cần thiết nên NHNN nhiều khả năng vẫn sẽ điều hành thanh khoản theo hướng chặt chẽ, khó có khả năng tiền VND được đẩy ra thị trường quá nhiều như nửa đầu năm 2018.
Ở một diễn biến khác, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mặt bằng khá cao. NHNN vẫn đang hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua hoạt động bơm vốn qua kênh OMO và tín phiếu.
Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực ASEAN chưa phải nâng lãi suất điều hành kể từ đầu năm 2018 (Nguồn: BVSC) |
Chuyên gia phân tích BVSC dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt dần sau thời điểm tết Dương Lịch, thời hạn các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về mức 40%. Thậm chí, lãi suất sẽ có xu hướng giảm sau thời điểm Tết Âm lịch khi nguồn tiền dư thừa quay trở lại các ngân hàng.
“Chúng tôi không thấy quá nhiều rủi ro đối với lãi suất trong năm sau, nhất là trong bối cảnh lạm phát có xu hướng hạ nhiệt và sẽ không tăng quá cao trong năm 2019” - Báo cáo của BVSC nhận định và cho biết dự báo chỉ số lạm phát (CPI) năm 2019 (theo YoY) ở mức quanh 3,5% - tương đương năm 2018.
Fed tăng lãi suất để tránh “hạ cánh cứng” cho nền kinh tế Mỹ?
Báo cáo của BVSC cũng cho hay, lý do Fed vẫn quyết định tăng lãi suất trong tháng 12 và dự kiến sẽ còn tăng khoảng 2 lần nữa trong năm 2019 và 1 lần nữa trong năm 2020 chủ yếu xuất phát từ thực trạng của kinh tế Mỹ. Hiện nay, Fed đang đánh giá tăng trưởng của Mỹ hiện là mạnh mẽ (“strong”).
Trước cuộc họp, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đà lao dốc của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ thời gian gần đây và lạm phát lõi của Mỹ đang cho xu hướng giảm, ở mức dưới mục tiêu 2% có thể là lý do khiến Fed xem xét chưa tăng lãi suất trong tháng 12. Căn cứ trên thực tế, quan sát của BVSC kể từ năm 1980 cho thấy, Fed hiếm khi tăng lãi suất trong những giai đoạn TTCK Mỹ giảm điểm mạnh.
Tuy nhiên, bằng quyết định tăng lãi suất đêm qua, Fed cho thấy cơ quan này hiện vẫn chú trọng mục tiêu hạ nhiệt dần nền kinh tế, đưa tăng trưởng của Mỹ về mức tiềm năng và tránh một cú “hạ cánh cứng”.
Mặc dù Fed đã đưa ra lộ trình tăng lãi suất trong thời gian tới nhưng chuyên gia BVSC cho rằng các bước đi tiếp theo của Fed sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế hàng tháng, hàng quý của Mỹ (data dependent) chứ không nhất thiết phải “cứng nhắc” đi theo lộ trình đã vạch sẵn.
Trên cơ sở đó, nếu dự báo của BVSC về khả năng kinh tế Mỹ sẽ bước vào pha suy giảm chậm nhất trong nửa đầu năm 2020 là đúng, thì đỉnh lãi suất của Fed có thể sẽ rơi vào cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Sau đó, Fed có thể sẽ xem xét cắt giảm lãi suất trở lại trong nửa cuối năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế. Thực chất, việc Fed liên tiếp tăng lãi suất cũng chính là tạo không gian chính sách (policy space) khi kinh tế Mỹ rơi vào pha suy giảm.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement