Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Sức ép tăng lãi suất

Ngân hàng

24/12/2024 08:24

Mặt bằng lãi suất huy động đi lên dự báo sẽ thẩm thấu vào lãi suất cho vay trong năm 2025, nhất là trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.

“Nhiều sức ép tăng” 

Sau khi về mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ, mặt bằng lãi suất tiền gửi bắt đầu nhích lên từ tháng 4/2024, do dòng tiền nhàn rỗi của người dân có xu hướng rút dần ra khỏi hệ thống ngân hàng để tìm kiếm cơ hội đầu tư - kinh doanh có khả năng sinh lời tốt hơn.

Xu hướng tăng lãi suất huy động trở nên rõ rệt hơn từ tháng 6/2024, khi tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 3,4% vào cuối tháng 5 (so với cuối năm 2023) lên 6,1% vào cuối tháng 6.

Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng lượng vốn huy động từ khách hàng của toàn ngành ngân hàng tăng 4,79% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng 8,53%. Tín dụng tăng tốc vào các tháng cuối năm, áp lực tỷ giá gia tăng khiến Ngân hàng Nhà nước điều tiết cung tiền thận trọng hơn, cũng như nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước hạn chế, tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống. 

Trong khi đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng ở nhóm ngân hàng nhỏ khi nhóm này gia tăng sử dụng vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) tăng ở hầu hết các ngân hàng, do tối ưu hóa việc sử dụng vốn để cải thiện biên lãi ròng (NIM). 

Tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt xa so với tốc độ tăng trưởng huy động đã thúc đẩy các ngân hàng nâng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi từ doanh nghiệp và dân cư để cân bằng thanh khoản.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng đã vượt mức 6%/năm. Cho đến cuối tháng 11, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại ở mức 5%/năm, tăng 0,14%/năm so với đầu năm. 

Trong khi đó, lãi suất tại các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối vẫn ở mức 4,7%/năm, thấp hơn 0,26%/năm so với đầu năm. Hiện mặt bằng lãi suất huy động niêm yết đã tăng 0,5%/năm từ đáy và vẫn ở mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh.

Sức ép tăng lãi suất- Ảnh 1.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn trong xu hướng tăng, gia tăng áp lực lên lãi suất cho vay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng lượng tiền gửi toàn hệ thống tính đến ngày 7/12/2024 đạt khoảng 14.800.000 tỷ đồng, tăng 7,36% so với đầu năm, chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng là 12,5%. 

Các chuyên gia phân tích ước tính, lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm 0,2%/năm vào cuối năm, dao động trong khoảng 5,1 - 5,2%/năm do tăng trưởng tín dụng đang cao hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Mặc dù lãi suất huy động trong xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay ở trạng thái ngược lại. Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và nhu cầu tín dụng bán lẻ yếu trong 6 tháng đầu năm 2024 đã khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong quý III/2024.

Hơn nữa, Thông tư 06/2023/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công bố lãi suất cho vay mới. Chính sách này đã thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, góp phần làm giảm đáng kể lãi suất cho vay vào quý III/2024. 

Ngoài ra, cơn bão Yagi (đổ bộ đầu tháng 9) đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, thúc đẩy các ngân hàng liên tục hạ lãi suất và tung ra các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân trong quý III/2024.

Cuối tháng 9/2024, lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết giảm khoảng 2,7%/năm từ mức đỉnh quý I/2023 và giảm 1,9%/năm so với cuối quý IV/2023. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua.

Nhóm ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận mức lãi suất cho vay trên báo cáo tài chính giảm mạnh hơn nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối, giảm khoảng 2,4%/năm so với cuối năm 2023. 

Đặc biệt, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ do áp lực hạ lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng, cùng với việc các khoản thoái lãi có xu hướng gia tăng nên dự kiến lãi suất cho vay giảm chậm lại trong quý IV/2024 và có sự cải thiện từ năm 2025 khi khách hàng quay lại trả nợ. Trong khi nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối và nhóm ngân hàng tư nhân lớn có thể cải thiện sớm hơn nhờ chất lượng tài sản tốt.

Các chuyên gia phân tích dự báo, việc lãi suất huy động tăng trở lại từ quý II/2024 có độ trễ 3 - 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường kỳ vọng sẽ đi ngang trong quý IV/2024 và tăng thêm 0,5 - 0,7%/năm trong năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.

Thách thức này cũng được Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025: “Mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới”.

E ngại từ gãy xu hướng tín dụng cá nhân

Thực tế cho thấy, dù lãi suất cho vay giảm trong thời gian qua nhưng tín dụng bán lẻ rất chậm. Trong khi đó, doanh nghiệp lại nhạy cảm với sự thay đổi lãi suất, khiến tín dụng doanh nghiệp trở thành kênh hấp thụ chính cho các ngân hàng. 

Tình trạng này khiến các ngân hàng buộc phải thay đổi chiến lược, tăng tỷ trọng cho vay doanh nghiệp và giảm dần tín dụng bán lẻ. Câu chuyện gãy xu hướng tín dụng cá nhân không chỉ diễn ra vào năm 2023, mà còn tiếp tục kéo dài sang năm 2024.

Tín dụng bán lẻ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, chỉ khi tín dụng bán lẻ phục hồi mới là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều tăng tỷ trọng cho vay doanh nghiệp. Đây là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, nhưng để kinh tế thực sự phục hồi, tín dụng bán lẻ phải quay trở lại đúng vị thế trong hệ thống ngân hàng.

Trong diễn biến có liên quan, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện đang ngày càng tăng cao. Về lý thuyết, tỷ lệ này phản ánh sự cân bằng giữa tăng trưởng GDP danh nghĩa và tăng trưởng cung tiền. 

Ví dụ, nếu tăng trưởng GDP công bố là 7%, cộng thêm lạm phát khoảng 3 - 4%, GDP danh nghĩa sẽ là 10 - 11%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng lên tới 14 - 15%, điều này có nghĩa là tốc độ tăng tín dụng nhanh hơn tốc độ tăng GDP, dẫn đến tỷ lệ tín dụng trên GDP tăng dần qua các năm.

“Hiện nay, tỷ lệ tín dụng trên GDP đã gần chạm mốc 130%. Đây là một vấn đề đáng lo ngại, bởi kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào tín dụng để tăng trưởng. Điều này giống như một “cơn nghiện nợ” - nền kinh tế cần phải có tín dụng mới duy trì được đà tăng trưởng”, ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp chia sẻ góc nhìn.

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng nhận định, bài toán tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 không quá khó, có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% vào những tháng cuối năm, như cách đã làm được trong các năm trước. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tỷ lệ tín dụng trên GDP sẽ tiếp tục tăng thêm 4% nữa, gây áp lực lớn hơn trong dài hạn. 

Thử hình dung, một gia đình vay nợ nhiều để chi tiêu, áp lực trả nợ sẽ làm giảm khả năng tiêu dùng trong tương lai. Tương tự, khi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nợ, tăng trưởng hiện tại sẽ tạo ra gánh nặng cho các năm sau, bởi một phần lớn thu nhập sẽ phải dành để trả lãi vay.

“Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng, mà còn làm suy yếu đà tăng trưởng dài hạn. Cần có những biện pháp điều tiết để giữ cho hệ thống ngân hàng ổn định, bởi hệ thống này vẫn là trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.

HỒNG DUNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement