Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đập thủy điện Kakhovka ở Ukraina đóng vai trò quan trọng ra sao?

Quân sự

07/06/2023 11:12

Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga ngày 6/6 đưa tin, đập lớn Nova Kakhovka ở khu vực Kherson do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraina đã bị vỡ vào tối 5/6 (giờ địa phương) và các khu vực lân cận đang bị ngập lụt nghiêm trọng
news

Quân đội Ukraina cáo buộc Nga phá hủy đập thủy điện Nova Kakhovka bằng thuốc nổ tại khu vực do Nga kiểm soát ở Kherson. Tình báo quân sự Ukraina tuyên bố các lực lượng Nga đã cho nổ tung con đập Nova Kakhovka trong "cơn hoảng loạn". 

Trong khi đó, Trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, nói rằng việc phá đập sẽ "tạo trở ngại" cho cuộc phản công của Ukraina. Ông này nhận định, điều này cho thấy "Kremlin không tư duy ở cấp chiến lược mà chỉ dừng lại ở lợi ích tình thế ngắn hạn".

Trong khi đó, ông Vladimir Leontyev, Thị trưởng thành phố Novaya Kakhovka, xác nhận với RIA Novosti rằng một phần đập "đã bị phá hủy do một cuộc tấn công". Thị trưởng do Nga bổ nhiệm này cho biết phần trên của con đập đã bị phá hủy do pháo kích từ phía Ukraina và việc phá hủy con đập là "hành động khủng bố nghiêm trọng".

Vai trò của đập Nova Kakhovka

Đập Nova Kakhovka, nằm trong khu vực Kherson hiện do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine. Đập Nova Kakhovka cao 30 mét và dài 3,2 km được xây dựng vào năm 1956 trên sông Dnipro, chứa lượng nước tương đương với lượng nước ở Hồ Great Salt ở bang Utah của Mỹ.

Đập thủy điện Kakhovka ở Ukraina đóng vai trò quan trọng ra sao? - Ảnh 1.

Quang cảnh cho thấy đập Nova Kakhovka đã bị vỡ trong cuộc xung đột Nga-Ukraina, ở Vùng Kherson, Ukraina do Nga kiểm soát, ngày 6/6/2023. Ảnh: Reuters

Đập Nova Kakhovka là nguồn cung cấp nước cho bán đảo Crimea vốn bị Nga sáp nhập vào năm 2014 và cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine (tháng 2/2022), đập Nova Kakhovka đã được coi là mục tiêu tiềm năng, vì cả tầm quan trọng chiến lược của nó cũng như thiệt hại nếu nó bị phá hủy. 

Vào tháng 10/2022, khi Ukraina đang trong quá trình giành lại phần lớn Kherson bị phía Nga kiểm soát, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy kêu gọi phương Tây cảnh báo Nga không được cho nổ đập. 

Đập thủy điện Kakhovka ở Ukraina đóng vai trò quan trọng ra sao? - Ảnh 2.

Mái của một ngôi nhà được nhìn thấy trên sông Dnipro bị ngập lụt sau khi đập Nova Kakhovka bị vỡ, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraina, ở Kherson, Ukraina ngày 6/6/2023. Ảnh: Reuters

Ông cảnh báo đập sẽ làm ngập lụt một khu vực rộng lớn ở miền nam Ukraina. Ông Zelenskiy cho biết "việc phá hủy con đập đồng nghĩa với một thảm họa quy mô lớn" và so sánh hành động đó với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đập Nova Kakhovka đã bị hư hại trong cuộc xung đột kéo dài 15 tháng qua giữa Nga và Ukraina. Nga cáo buộc Ukraina nã pháo vào con đập trong chiến dịch tái chiếm Kherson.

Công ty Ukrhydroenergo của Ukraina, đơn vị chịu trách nhiệm vận hành đập Kakhovka và nhà máy thủy điện cùng tên, ngày 6/6 xác nhận cả đập và nhà máy thủy điện "đã bị phá hủy hoàn toàn do vụ nổ phòng máy từ bên trong". Đập Nova Kakhovka là nguồn cung cấp nước cho bán đảo Crimea và cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Renat Karchaa, cố vấn Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosenergoatom, trước đó cảnh báo nếu đập Nova Kakhovka bị vỡ, các đường dây điện cấp cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền Nam Ukraina sẽ bị ngập. Kịch bản này sẽ "dẫn đến vấn đề cho nhà máy và gây nguy cơ mất an toàn hạt nhân". 

Hơn 600 ngôi nhà thuộc 3 khu dân cư ở bên bờ sông Dnieper gần đập thủy điện Nova Kakhovka đã bị ngập, trong khi đất nông nghiệp dọc sông Dnieper đã bị cuốn trôi sau vụ vỡ đập ngày 6/6. Ảnh: AP

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thông báo các chuyên gia của họ đang "theo dõi chặt chẽ tình hình" sau vụ đập Kakhovka bị vỡ. Trong khi đó, cơ quan hạt nhân Ukraine nói rằng việc phá hủy đập có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà máy hạt nhân, nhưng tình hình đang được kiểm soát.

Thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal cảnh báo việc đập Nova Kakhovka bị phá hủy "có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường" cho khu vực phía nam. Đập Kakhovka bị vỡ có thể tạo ra "bức tường nước" khổng lồ, khiến các khu dân cư về phía tỉnh Kherson, miền Nam Ukraina bị ngập lụt. 

Đập Kakhovka bị vỡ cũng sẽ phá hủy hệ thống kênh tưới tiêu cho phần lớn miền Nam Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea. "Việc đập Kakhovka bị phá hủy là thảm họa nhân tạo lớn nhất trên thế giới trong những thập niên gần đây, hủy hoại môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người trong những năm tới", Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraina, tuyên bố trên Telegram.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Đập thủy điện Kakhovka ở Ukraina đóng vai trò quan trọng ra sao? - Ảnh 3.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. Ảnh: AP

Tổng thống Vladimir Zelensky cho biết Ukraina có kế hoạch kiện Nga lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở Hague (Hà Lan) về sự cố tại nhà máy thủy điện Kakhovka.

"Chúng tôi sẽ yêu cầu Tòa Hình sự Quốc tế vào cuộc", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói, cho biết công tố viên Ukraine tiếp cận công tố viên tại Tòa Hình sự quốc tế "để đưa công lý quốc tế vào cuộc điều tra về việc phá hủy con đập".

Tổng thống Volodymyr Zelensky mô tả vụ vỡ đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraina hôm 6/6 là "quả bom huỷ hoại môi trường", nhấn mạnh chỉ có giải phóng Ukraina mới có thể đảm bảo chống lại các hành động "khủng bố" mới.

"Việc phá hủy có chủ ý các cấu trúc của nhà máy thủy điện là quả bom hủy diệt hàng loạt đối với môi trường", ông Zelensky nói, cho biết việc phá hủy con đập sẽ "không ngăn được Ukraine và người dân". "Chúng tôi vẫn sẽ giải phóng tất cả đất đai của chúng tôi", ông nói.

"Chỉ có việc giải phóng hoàn toàn đất Ukraine mới đảm bảo sẽ không còn các cuộc tấn công khủng bố như vậy", ông Zelensky cho biết thêm.

Đập thủy điện Kakhovka ở Ukraina đóng vai trò quan trọng ra sao? - Ảnh 4.

Hàng nghìn người dân vùng chiến sự bị ảnh hưởng bởi vụ việc. Ảnh: Reuters

Sau khi đập bị vỡ, Tổng thống Zelensky ra lệnh sơ tán khẩn cấp tại 80 khu định cư có nguy cơ ngập lụt ở vùng Kherson. Ông Zelensky cũng yêu cầu Bộ Nội vụ kết hợp với các cơ quan liên quan để giúp đỡ người dân ở bờ sông Dnipro di tản tới nơi an toàn.

Đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnipro, thuộc khu vực Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson, bị phá hủy một phần ngày 6/6, khiến dòng nước ồ ạt trút xuống hạ lưu. Ukraina cáo buộc Nga cho nổ đập Kakhovka, trong khi điện Kremlin cho rằng chính Ukraine đã phá hoại con đập này.

Tác động đến người dân ra sao?

Với mực nước dâng cao hơn, nhiều nghìn người có khả năng bị ảnh hưởng. Các cuộc sơ tán dân thường bắt đầu ở cả hai bên chiến tuyến.

Maxar cho biết các hình ảnh vệ tinh có diện tích hơn 2.500 km2 giữa Nova Kakhovka và Vịnh Dniprovska phía tây nam thành phố Kherson trên Biển Đen cho thấy nhiều thị trấn và làng mạc bị ngập lụt.

Các quan chức Ukraina ước tính khoảng 42.000 người có nguy cơ bị lũ lụt, dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm vào hôm nay (7/6), bao gồm khoảng 25.000 người ở các khu vực do Nga kiểm soát. Khoảng 80 cộng đồng đã bị đe dọa bởi lũ lụt.

Dòng nước lũ tràn qua đập thủy điện Nova Kakhovka trên sông Dnipro ngăn cách các lực lượng Nga và Ukraine ở miền nam Ukraina hôm 6/6 đã làm ngập một vùng chiến sự, buộc nhiều người dân phải chạy trốn trước nguy cơ lũ lụt tăng cao. Ảnh: AP

Việc phá hủy con đập có nguy cơ làm giảm mực nước của Kênh đào Bắc Crimean thời Liên Xô, nơi có truyền thống cung cấp cho Crimea 85% nhu cầu nước.

Hầu hết lượng nước đó được sử dụng cho nông nghiệp, một số cho các ngành công nghiệp của bán đảo Biển Đen và khoảng 1/5 cho nước uống và các nhu cầu công cộng khác.

Có ảnh hưởng đến nhà máy hạt nhân?

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, lớn nhất châu Âu, lấy nước làm mát từ hồ chứa. Nó nằm ở phía nam, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

"Đánh giá hiện tại của chúng tôi là không có rủi ro tức thời nào đối với sự an toàn của nhà máy", Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi cho biết.

Ông cho biết điều cần thiết là một hồ làm mát phải được giữ nguyên vẹn vì nó cung cấp đủ nước để làm mát các lò phản ứng đã ngừng hoạt động.

"Không cần phải làm gì để có khả năng làm suy yếu tính toàn vẹn của nó", ông Grossi nói.

LHQ cảnh báo thảm họa

Hãng Reuters dẫn lời Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho hay tổ chức này không có bất kỳ thông tin độc lập nào về vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka ở miền Nam Ukraina, song mô tả đây là "một hậu quả tàn khốc khác" của cuộc xung đột Ukraina.

Đập thủy điện Kakhovka ở Ukraina đóng vai trò quan trọng ra sao? - Ảnh 5.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: Reuters

Ông Guterres nhấn mạnh đây là một "thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn". Ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa, nguồn cung cấp nước sạch và mất an toàn. Hàng ngàn người khác có nguy cơ bị ảnh hưởng. Hiện LHQ đang phối hợp với Chính phủ Ukraina để gửi hỗ trợ nước uống và dụng cụ lọc nước.

Tổng thư ký LHQ cũng tuyên bố: "Phải dừng ngay các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Chúng ta phải hành động để đảm bảo trách nhiệm giải trình và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế".

Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp để thảo luận về vụ tấn công đập thủy điện nói trên theo yêu cầu của cả Nga và Ukrains. 

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết "khả năng có nhiều người chết" sau vụ vỡ đập thủy điện lớn ở Ukraina, song vẫn chưa có bằng chứng cụ thể để kết luận ai đứng sau hành động này.

Hiện Washington vẫn đang nghiên cứu vụ việc và tiến hành trao đổi với Kiev trước khi xác định thủ phạm. Phía Ukraina cáo buộc Nga cho nổ con đập, trong khi Moscow cho rằng Kiev tiến hành pháo kích là một trong các nguyên nhân gây vỡ đập.

(Nguồn: TASS/Reuters)

NGỌC CHÂU
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ