26/02/2021 06:52
Cuộc chạy đua ‘sống còn’ giữa vaccine COVID-19 và các biến chủng virus mới
Việc tiêm phòng COVID-19 diện rộng đã bắt đầu ở hàng chục quốc gia - điều thần kỳ về y học chỉ sau một năm đại dịch. Nhưng chặng đường tiếp theo còn khó khăn hơn.
Ngoài những tranh cãi không tránh khỏi như ai sẽ được tiêm vaccine, và tiêm ở đâu, còn vấn đề lớn hơn: Nếu virus tiếp tục lây lan càng lâu, càng có khả năng sinh ra các biến chủng có thể kháng vaccine.
Chưa kể, việc các nước giàu mua nhiều vaccine có thể khiến các cộng đồng yếu thế ở các nước nghèo hơn gặp nguy cơ, và đại dịch sẽ kéo dài hơn cho toàn thế giới, theo những phân tích mới đây trên Nikkei Asia.
Sau các nỗ lực phi thường của thế giới - thử nghiệm vaccine một cách “thần tốc” và xin cơ quan quản lý các nước chấp thuận - việc triển khai vaccine giờ đây không còn chỉ là vấn đề khoa học, mà trở thành bài toán về hậu cần, truyền thông, chính trị và cả địa chính trị.
Việc nghiên cứu, thử nghiệm thành công các loại vaccine phòng Covid-19 trong khoảng một năm là một sự thần kỳ về y học. Ảnh: Getty Images. |
Tiêm phòng càng chậm, càng nhiều biến chủng
“Càng nhiều người nhiễm virus và càng nhiều người lây lan virus, nguy cơ có các biến chủng mới kháng vaccine càng lớn”, Bettie Steinberg, nhà virus học tại Bệnh viện Northwell Health ở vùng Long Island, ngoại ô New York, nói với Nikkei Asia.
Các nhà virus học đang lo ngại về sự xuất hiện của biến chủng mới. Chẳng hạn, Nam Phi đang cho rằng vaccine của công ty AstraZeneca kém hiệu quả hơn hẳn đối với biến chủng B.1.351 xuất hiện đầu tiên ở nước này.
Trong khi đó, vẫn còn dấu hỏi chưa được giải đáp về tác dụng của vaccine trong việc kiểm soát lây nhiễm. Một số nhà khoa học lo ngại rằng vaccine có thể làm tăng số người nhiễm virus không có triệu chứng. Dù vaccine của Oxford-AstraZeneca có thể giảm lây lan Covid-19, các chuyên gia cho rằng sẽ mất nhiều tháng mới biết tác động thực sự của vaccine đến tỷ lệ lây nhiễm.
John Wherry, giám đốc một học viện chuyên về miễn dịch tại Đại học Pennsylvania, nói: “Đơn giản là các vaccine không hoàn hảo... Điều đó có nghĩa chúng ta không thể để quá lâu”.
Các chuyên gia cảnh báo rằng dù có vaccine, mọi người phải tiếp tục đeo khẩu trang và tuân theo các hướng dẫn giãn cách xã hội, để ngăn virus xuất hiện biến chủng mới “cứng đầu” hơn. Giới khoa học lo ngại vaccine sẽ khiến công chúng chủ quan.
“Chúng ta thực sự cần duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang... phải nhắc lại rằng chúng ta không chỉ gây nguy cơ cho chúng ta, mà còn cho những người xung quanh”.
Một nguy cơ khác là các liều vaccine sẽ tập trung ở một số nước giàu, trong khi nhiều người dân ở các nước nghèo sẽ được tiêm vaccine muộn.
Càng nhiều người nhiễm virus, nguy cơ có các biến chủng mới kháng vaccine càng lớn. Ảnh: Công ty Pfizer. |
Khoảng 19 triệu người đã được tiêm đủ liều vaccine ở vài nước giàu, theo dữ liệu của Đại học Oxford. Israel dẫn đầu, với 28% dân số được tiêm tính đến ngày 13/2. Đứng thứ hai là Mỹ, với tỷ lệ 4% (11% số người Mỹ đã được tiêm ít nhất một lần).
Anh đứng kế tiếp với tỷ lệ 0,8% (22% số người Anh đã được tiêm ít nhất một lần).
Tỷ lệ được tiêm phòng đủ liều trên toàn thế giới mới chỉ là 0,2%, chưa tính nhiều nước không có dữ liệu.
Từ nay đến cuối năm, số liều vaccine được tiêm có thể trị giá lên tới 10 tỷ USD, dựa vào dự báo của công ty tư vấn Airfinity. Nhưng CEO của Airfinity, Rasmus Bech Hansen, cảnh báo rằng mục tiêu này khó đạt được, vì các nhà sản xuất đang thua xa so với chỉ tiêu.
Phải đến khi 70-80% nhân loại được tiêm phòng thì cuộc sống bình thường mới trở lại, theo các nhà khoa học. Nhưng một rào cản là việc các nước giàu “gom” vaccine. Các chuyên gia cho rằng “chủ nghĩa dân tộc trong vaccine” sẽ khiến đại dịch kéo dài, nhất là so với một chiến lược khác là ưu tiên tiêm phòng cho các cộng đồng yếu thế ở mọi quốc gia.
COVAX - mạng lưới hỗ trợ thúc đẩy phân phối vaccine công bằng hơn cho các nước nghèo - đang thiếu vốn và đứng trước nguy cơ không thực hiện được sứ mệnh của mình, theo Mandeep Dhaliwal, giám đốc nhóm phụ trách sức khỏe, phát triển và HIV của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
“92 nước nghèo được nhận phần lớn vaccine do COVAX phân phối sẽ chỉ nhận đủ vaccine cho 3% dân số trong nửa đầu năm 2021”, bà Dhaliwal nói với Nikkei Asia.
“Các nước giàu nhất, chiếm 14% dân số toàn cầu, đã mua hơn một nửa số liều các loại vaccine triển vọng”, bà nói thêm.
Bà cho biết một cơ chế hỗ trợ các nước chống dịch COVID-19, mà trong đó bao gồm COVAX, đang bị thiếu khoảng 27 tỷ USD ngân sách dành cho xét nghiệm, thuốc chữa và vaccine. Các dự báo cho thấy phải mất nhiều năm để toàn bộ dân số thế giới được tiêm phòng đầy đủ.
“Cần một nỗ lực lớn hơn nhiều. Chỉ tiêm phòng cho dân số ở các nước giàu sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine”, bà nói. “Nếu chúng ta có thể tiêm phòng diện rộng cùng lúc trên khắp thế giới, chúng ta có thể giảm tỷ lệ tử vong... đó là vì sao một cách tiếp cận đa phương là cần thiết, và cần được tài trợ vốn một cách hợp lý”.
Các chuyên gia nói vẫn cần duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ngay cả khi đã có vaccine. Ảnh: AFP. |
Philippines: “Thu thiệt vì không phải nước giàu”
Các nước không tiếp cận được vaccine đang đối mặt với tương lai bất trắc, chưa biết khi nào sẽ mua đủ số liều cần thiết.
Một đất nước như vậy là Philippines, vốn đã ghi nhận 549.000 ca nhiễm, cao thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia. Kinh tế nước này giảm 9,5% trong năm 2020.
Tổng thống Rodrigo Duterte từng phát biểu trên truyền hình: “Vấn đề COVID không đơn giản. Điều thiệt nhất của chúng ta là không phải nước giàu... đây là cuộc cạnh tranh của nước trả giá cao nhất”.
“Chúng ta không có quan hệ, chúng ta không có tiền”, tổng thống Philippines nói.
Tuy vậy, ông Duterte không hoàn toàn “bất lực”. Ông vẫn cố gắng dùng vị thế địa chính trị để thương lượng mua vaccine, đe dọa hủy bỏ một hiệp định an ninh với Mỹ nếu Mỹ không dành thêm vaccine cho Philippines.
“Nếu họ không dành tối thiểu 20 triệu liều vaccine, họ nên rời khỏi đây - không vaccine, không cho đóng ở đây”, ông Duterte nói về sự hiện diện của lính Mỹ ở Philippines.
Nếu việc triển khai vaccine chỉ tập trung ở các nước giàu, đại dịch cũng như việc phải giãn cách sẽ kéo dài hơn đối với toàn bộ thế giới, theo chuyên gia. Ảnh: Reuters. |
Dù các địa phương và doanh nghiệp ở Philippines muốn lựa chọn vaccine của AstraZeneca hơn, Tổng thống Duterte đã “quăng lưới” rộng.
Từ tháng 7/2020, ông Duterte đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ưu tiên Philippines khi chọn nước xuất khẩu vaccine. Ông Duterte còn tình nguyện thử nghiệm vaccine Sputnik V của Nga.
Công ty Sinovac của Trung Quốc sẽ dành 25 triệu liều vaccine CoronaVac của công ty này cho Philippines, ngoài 600.000 liều miễn phí mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết trong một chuyến công du Philippines gần đây.
Lô vaccine CoronaVac mà Trung Quốc quyên góp cho Philippines được chuyển tới ngày 23/2. Nhưng Sinovac chưa xin được chấp thuận khẩn cấp từ cơ quan quản lý của Philippines.
Dù ông Duterte công khai khen ngợi các vaccine từ Trung Quốc và Nga, tổ công tác chống dịch và các nhà ngoại giao dưới quyền ông lại ưu tiên các loại vaccine của Pfizer và Moderna (Mỹ). Cho đến nay, chỉ vaccine của Pfizer và AstraZeneca là đã được chấp thuận khẩn cấp ở Philippines.
“Ông Duterte thường hy vọng mời gọi các nước lớn đang cạnh tranh lẫn nhau”, Peter Mumford, nhà phân tích về Đông Nam Á tại công ty tư vấn Eurasia Group, nói với Nikkei Asia.
“Nhưng trong tình huống này, tôi không nghĩ rằng sẽ có tác dụng, vì Mỹ, châu Âu và Anh không chỉ đạo được các công ty dược tư nhân phải dành vaccine cho nước nào. Điều đó chỉ do chính các tập đoàn quyết định. Nhưng điều mà Manila đã làm là đa dạng hóa nguồn cung, và là chiến lược hợp lý trong tình cảnh này”.
Mỹ, châu Âu và Anh không chỉ đạo được các công ty dược tư nhân phải dành vaccine cho nước nào. Ảnh: AFP. |
Ấn Độ: Lợi thế ngành dược quốc nội
Không phải nước đang phát triển nào cũng đang gặp khó khăn về vaccine. Trên thực tế, Ấn Độ đang có lợi thế nhờ ngành công nghiệp dược quốc nội lớn, có giá thành thấp, được chính phủ ưu đãi từ lâu. Nước này đã triển khai chương trình tiêm phòng lớn nhất cho tới nay, tại 10.000 địa điểm, và nửa triệu người được tiêm mỗi ngày.
Ấn Độ còn có đủ liều để xuất khẩu. Vaccine sản xuất tại Ấn Độ được cung cấp cho nhiều nước, bao gồm Bangladesh, Myanmar, Mauritius, Brazil và Morocco, vào thời điểm mà Trung Quốc, quốc gia cạnh tranh trong khu vực, cũng đang theo đuổi “ngoại giao vaccine”.
Trong tháng này, Ấn Độ chấp thuận việc dành cho Campuchia 100.000 liều, sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen đưa ra đề nghị với Thủ tướng Narendra Modi.
Nhưng mục tiêu tiêm phòng 300 triệu dân trong các tháng tới vẫn sẽ gặp thách thức lớn, theo Nikkei Asia.
Một thách thức đến từ chính những tiến triển trong chống dịch của Ấn Độ. Đất nước 1,3 tỷ dân này đang ghi nhận số ca nhiễm giảm đều kể từ giữa tháng 9/2020. Đà giảm này có thể là do sự lây nhiễm virus âm thầm trước đó, giờ đây khiến nhiều người Ấn Độ có kháng thể.
Nhưng sự tự tin đó lại khiến nỗ lực thuyết phục người Ấn Độ tiêm phòng trở nên khó hơn. Nhiều người đặt câu hỏi có cần thiết phải tiêm hay không, nhất là khi vaccine Covaxin của Ấn Độ vốn chưa được thử nghiệm, trong bối cảnh chính phủ đang tuyên bố chiến thắng đại dịch.
“Chúng ta cần phải hình thành miễn dịch bầy đàn không phải qua việc bị nhiễm, mà thông qua tiêm phòng”, V. K. Paul, cố vấn y tế cao cấp của nước này, nói với Nikkei Asia. Ông kêu gọi tiếp tục cẩn trọng về virus. Một nghiên cứu y tế gần đây cho thấy hơn 70% dân số Ấn Độ vẫn có nguy cơ mắc COVID-19.
Cơ quan quản lý của Ấn Độ vào tháng trước đã chấp thuận khẩn cấp vaccine Covaxin (do một công ty nội sản xuất). Nhưng vaccine này chưa được công chúng chấp nhận. “Mọi người vẫn do dự về Covaxin, vì dữ liệu về tính hiệu quả chưa được công bố”, giáo sư Rajinder K. Dhamija của Đại học Y Lady Hardinge nói với Nikkei Asia.
Nhưng giới chức đang hy vọng số người được tiêm phòng sẽ tăng mạnh trong các tuần tới, khi ít nhất 6 loại vaccine khác sẽ được triển khai, bao gồm Sputnik V của Nga và một vaccine khác của công ty nội địa Zydus Cadila.
Xét nghiệm COVID-19 ở thành phố Jammu, Ấn Độ vào tháng 12/2020. Ảnh: AP. |
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp bất lợi
Nguồn cung vaccine lẽ ra không nên là một vấn đề với Mỹ. Nước này chiếm 4,25% dân số thế giới, và đang chiếm 6,6% nguồn cung vaccine tính theo các hợp đồng đã có.
Nhưng sự lúng túng, không có kế hoạch của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến Tổng thống Joe Biden gặp bất lợi trong công tác tiêm phòng.
Việc tiêm phòng trở nên khó khăn vì không có hệ thống theo dõi đồng nhất, sự yếu kém trong phối hợp giữa các cơ quan và vì các trở ngại trong vận chuyển, theo Nikkei Asia.
Robert Handfield, giáo sư về quản trị chuỗi cung ứng tại Đại học Bang North Carolina, chỉ trích việc Mỹ không có hệ thống phân phối vaccine toàn quốc.
“Thiếu sự đồng nhất trong việc phân phối các liều vaccine, việc lên lịch cho các bệnh nhân và các địa điểm”, ông Handfield nói với Nikkei Asia. “Một mớ hỗn loạn”.
Giáo sư Handfield chỉ ra rằng một số bang được chính quyền liên bang thông báo rằng phải dùng hết các liều vaccine thì mới được nhận thêm. Vì vậy, một số bang dùng hết và không dự trữ đủ để tiêm liều thứ hai cho người dân.
Vận chuyển vaccine cũng đòi hỏi dây chuyền bảo quản lạnh (cold chain), và đây cũng là một trở ngại. Vaccine của Pfizer đòi hỏi phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp.
“Chắc chắn đang thiếu hụt tủ đông lạnh vào thời điểm này”, ông Handfield nói. “Việc phân phối tới các vùng nông thôn và vùng nhiệt đới sẽ khó khăn hơn”.
Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia ở New York, nói ưu tiên cao nhất là phát triển một hệ thống có thể theo dõi chính xác mỗi liều nằm ở đâu, sẽ tới đâu, nguồn gốc từ đâu.
“Tôi nghĩ chúng ta không muốn rơi vào tình cảnh một nơi cung nhiều hơn cầu, còn nơi khác cầu nhiều hơn cung. Chúng ta cần phải linh hoạt”, ông nói với Nikkei Asia. “Để nhanh chóng thay đổi, chúng ta cần có dữ liệu, và đây là điều có thể làm được”.
Cựu phó tổng thống Mike Pence được tiêm vaccine hồi tháng 12/2020, nhằm tạo thêm lòng tin cho công chúng. Ảnh: New York Times. |
Một vấn đề khác là quan niệm do dự của một số người. Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố một báo cáo hồi tháng 12/2020 cho thấy 29% người Mỹ chắc chắn sẽ đi tiêm, 31% có thể đi tiêm, 21% có thể không tiêm và 18% chắc chắn không tiêm.
Stacy Wood, giáo sư marketing tại Đại học Bang North Carolina, tỏ ra lo ngại khi thấy nhiều người trả lời “có thể đi tiêm”, vì việc đi tiêm khá mất công, đòi hỏi phải đặt được lịch hẹn, rồi đến tiêm hai lần.
“Nếu chúng ta muốn 80% dân số được tiêm phòng, có nghĩa chúng ta phải có được sự hưởng ứng của 100% những người nói ‘chắc chắn tiêm’, ‘có thể tiêm’ và ‘có thể không tiêm’”, bà Wood nói với Nikkei Asia.
“Bạn có thể thấy việc thuyết phục là một thách thức thực sự”, bà nói, và cho rằng chính phủ liên bang cần đầu tư nhiều vào chiến dịch truyền thông nhằm thuyết phục đủ số người đi tiêm.
Ông Wherry, từ Đại học Pennsylvania, cũng có cùng lo ngại, và nói vấn đề này đã tồn tại từ lâu.
“Tôi nghĩ vấn đề này cho thấy thách thức trong xã hội chúng ta, trong việc tin tưởng sự thật, tin tưởng khoa học, và phải truyền thông cách thức vận hành của khoa học một cách hiệu quả”, ông nói với Nikkei Asia. “Và chúng ta cần làm tốt hơn”.
Người dân bang California xếp hàng để được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày đầu tiên mở địa điểm tiêm phòng tại công viên giải trí Disneyland hồi tháng 1/2021. Ảnh: AFP. |
Nhật Bản “hờ hững” việc phát triển vaccine
Ở một số nước, bao gồm nhiều nước châu Á mà ban đầu đã kiểm soát được dịch Covid-19, các nỗ lực triển khai vaccine bắt đầu khá muộn. Ở các nước này, chính sách kiểm soát dịch hiệu quả giúp kinh tế có thể mở lại sau các lệnh phong tỏa. Nhưng thành công bước đầu đã khiến một số nước không quá gấp rút trong việc triển khai vaccine, theo Nikkei Asia.
Nhật Bản là một ví dụ. Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại nước này đạt đỉnh điểm là 700 ca hồi đầu năm 2020, rồi giảm dần vào mùa hè, có thời điểm chỉ 21 ca trên cả nước.
Nhưng tính đến ngày 15/2, Nhật Bản là nước G7 duy nhất vẫn chưa có liều vaccine nào được tiêm cho người dân, trở thành một bê bối chính trị đối với Thủ tướng Yoshihide Suga. Nếu nỗ lực triển khai vaccine không kịp thời bao phủ được phần lớn dân số, Thế vận hội Olympic vốn đã bị hoãn sang năm nay có thể phải hủy.
Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp dược cử người đàm phán ra nước ngoài tìm mua vaccine từ tháng 6/2020. Nhưng trở ngại ở Nhật Bản là tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dược phẩm - một di sản của những vụ bê bối vaccine trong ba thập niên gần đây. Nhật Bản không có cơ chế nào tương tự Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), vốn đẩy nhanh quá trình chấp thuận vaccine Pfizer xuống còn chỉ một tháng.
Thay đổi luật về dược phẩm ở Nhật Bản năm 2014 tạo ra cơ chế chấp thuận dược phẩm nhanh hơn, giảm thời gian xuống còn 9-12 tháng. Đến khi Pfizer xin chấp thuận khẩn cấp, thời gian chấp thuận là khoảng hai tháng. Mũi vaccine Pfizer đầu tiên được tiêm vào ngày 17/2.
Nước láng giềng Hàn Quốc, cũng bắt đầu tiêm phòng trong tháng 2, giảm quá trình chấp thuận vaccine COVID-19 từ 180 ngày xuống 40 ngày.
Dù là nước giàu có và có các đại học nghiên cứu hàng đầu, Nhật Bản không hào hứng với việc phát triển các loại vaccine nội địa, mà thay vào đó dựa vào hầu bao dồi dào để mua vaccine của Mỹ.
Takakazu Yamagishi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nanzan, nói vaccine Covid-19 nội địa “có thể có tác dụng phụ, và người dân sẽ đổ lỗi cho các quan chức và chính trị gia. Cách dễ nhất là nhập khẩu vaccine từ nước ngoài”.
“Nhật Bản có nguồn lực tài chính và kỹ thuật để phát triển vaccine, nhưng không có quyết tâm chính trị”, ông nói với Nikkei Asia.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement