Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Châu Âu trước nguy cơ chiến tranh với Nga

Phân tích

20/05/2024 00:01

Làn gió chiến tranh lại một lần nữa lướt qua châu Âu. Nỗi sợ hãi không còn chỉ là về cuộc xung đột ở Ukraina, vì chính phủ các nước châu Âu và cơ quan an ninh của họ đang dự đoán điều tồi tệ hơn nhiều: Một cuộc đối đầu quân sự lớn hơn với Nga vào thời điểm nào đó cuối thập kỷ này.
news

Linh cảm xấu càng tăng bởi nhận thức rằng đối đầu là điều rất có thể xảy ra và các nước châu Âu sẽ đấu tranh để tự vệ. Cảnh báo đến từ nhiều thủ đô khác nhau. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo: "Tương lai châu Âu đang bị đe dọa". Gần đây, ông thậm chí còn đề cập đến khả năng phá vỡ điều cấm kỵ nếu triển khai quân đội châu Âu đến Ukraina, nơi lực lượng này có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến trực tiếp với Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: "Nga không chỉ đe dọa suông. Chúng ta có thể phải đối mặt với những mối nguy hiểm rất lớn cuối thập kỷ này". Đầu năm 2024, Bộ trưởng Phòng vệ dân sự Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin cho biết: "Chiến tranh có thể xảy ra ở Thụy Điển". Tướng Micael Byden, Tư lệnh quân sự tối cao của nước này, cho biết thêm: "Người dân Thụy Điển nên chuẩn bị tinh thần cho khả năng này".

Tướng Patrick Sanders, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, gần đây còn đi xa hơn khi so sánh tình hình an ninh hiện tại với tình hình tháng 7/1914 trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. 

Ông nói: "Những người tiền nhiệm của chúng ta đã không nhận thức được tác động của cái gọi là 'Cuộc khủng hoảng tháng 7/1914' và đã rơi vào cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất. Giờ chúng ta không thể phạm sai lầm tương tự". 

Người đứng đầu quân đội Anh lập luận rằng nước ông phải thành lập lại "quân đội nhân dân" như là cách duy nhất để đánh bại cuộc tấn công dữ dội đã được dự đoán trước của Nga.

Châu Âu trước nguy cơ chiến tranh với Nga- Ảnh 1.

Đối đầu quân sự giữa Nga và châu Âu có thể lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraina.

Ngân sách quốc phòng đang tăng lên trên khắp lục địa. Ở Ba Lan, chi tiêu quốc phòng tăng gần gấp đôi lên gần 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vài năm qua. Chủ đề thảo luận nóng nhất ở Liên minh châu Âu (EU) là tài trợ cho việc khôi phục cơ sở công nghiệp quốc phòng của lục địa này.

Quân đội châu Âu cũng đang trong quá trình cải tổ. Gần đây, kế hoạch mà Chính phủ Đức bí mật xây dựng để chuẩn bị cho tình huống Nga tấn công NATO đã bị rò rỉ. Theo kế hoạch này, Bộ Quốc phòng Đức đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra ở châu Âu trong vài năm tới.

Trong khi đó, ở một doanh trại quân đội khổng lồ thuộc miền Đông nước Pháp với diện tích lớn hơn thành phố Paris, quân đội Pháp và các đồng minh khác một lần nữa đang tập luyện cho một cuộc chiến tranh toàn diện trên lục địa.

Thoạt nhìn, người ta có cảm giác dường như mối lo ngại về một cuộc chiến tranh giữa châu Âu với Nga đang bị phóng đại. Sức mạnh kinh tế tổng hợp của châu Âu lớn hơn sức mạnh kinh tế của Nga khoảng 20 lần, và người Nga khó có thể thu hẹp khoảng cách này trong nhiều thập kỷ tới. 

Nga có thể sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, châu Âu có tới 2 cường quốc hạt nhân là Pháp và Anh, và lục địa này có liên minh chính thức với siêu cường duy nhất trên thế giới là Mỹ. Nếu quân đội Nga đã phải chật vật tìm cách đánh bại Ukraina, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, trong 2 năm qua, thì liệu họ có cơ hội áp đảo sức mạnh tổng hợp của NATO hay không?

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lập luận mang tính trấn an nói trên, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở châu Âu vẫn rất lớn. Khi cuộc chiến ở Ukraina vẫn tiếp diễn, việc đưa ra bất kỳ dự đoán nào về kết quả là hành động hấp tấp. 

Tuy nhiên, điều khá rõ ràng là mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng có thể không đạt được mục tiêu chính đặt ra lúc đầu là chiếm toàn bộ Ukraina, nhưng có lẽ ông sẽ không phải đối mặt với thất bại hoàn toàn; chiến tranh có thể sẽ dừng lại với việc Nga kiểm soát được thêm nhiều vùng lãnh thổ ngoài những khu vực nước này đã chiếm đóng khi Putin đưa quân vào Ukraina hồi tháng 2/2022.

Một kết quả không chắc chắn như vậy dẫn đến 2 kết luận khác. Cả Ukraina và Nga đều không có hứng thú hay động cơ để ký một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, vì vậy châu Âu phải chịu đựng nhiều năm – nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ – những cuộc xung đột liên miên giữa Nga và Ukraina, ngay tại trung tâm lục địa này.

Châu Âu trước nguy cơ chiến tranh với Nga- Ảnh 2.

Nga và Ukraina vẫn đang ăn miếng trả miếng và tranh giành từng tấc đất.

Hơn nữa, cuộc chiến Ukraina cũng bác bỏ một giả định cơ bản đã củng cố hầu hết các chiến lược quân sự của châu Âu trong 3 thập kỷ qua. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đầu những năm 1990, hầu hết các nước châu Âu đều nhanh chóng giảm biên chế trong quân đội với giả định rằng mục tiêu tương lai của họ là tham gia các hoạt động "viễn chinh" ngắn bên ngoài lục địa.

Tuy nhiên, giờ đây, người châu Âu phải đối mặt với một cuộc chiến tranh kết hợp nhiều lực lượng theo lối cổ điển ở Ukraina – cuộc chiến dự kiến tích hợp một lượng lớn bộ binh, xe tăng, công binh và pháo binh với các công nghệ mới như thiết bị bay không người lái và chiến tranh điện tử, xử lý khối lượng thông tin khổng lồ và mang lại sức mạnh sát thương tối đa trên chiến trường.

Cuộc chiến ở Ukraina đang rơi vào tình trạng tiêu hao vì cả Nga và Ukraina đều không thể kết hợp xe tăng, pháo binh và bộ binh. Đó là lý do giải thích vì sao các cuộc tấn công liên tục vào Ukraina chỉ giúp Nga giành được ít lãnh thổ, cũng là lý do giải thích vì sao các cuộc phản công của Ukraina không thể xuyên thủng phòng tuyến dài 1.000 km của Nga.

Các cơ quan tình báo phương Tây phần lớn đều nhận định rằng sẽ mất nhiều năm để khắc phục những thiếu hụt nghiêm trọng mà quân đội Nga đang phải chịu đựng, trong khi giả định hiện tại là từ 3-5 năm. Tuy nhiên, giới gián điệp châu Âu cũng cho rằng Nga có khả năng khắc phục những thiếu hụt đó và quyết tâm làm điều đó. 

Nga hiện chi khoảng 7% GDP cho quốc phòng, và nền kinh tế nước này đang trong tình trạng chiến tranh. Xét tới nguồn tài nguyên và tiềm năng to lớn, cũng như lịch sử lâu dài ưu tiên chi tiêu quân sự hơn lợi ích dân sự, hầu như không ai nghi ngờ rằng cuối thập kỷ này, lực lượng vũ trang Nga sẽ đặt ra một thách thức mới ghê gớm.

Khôi phục phạm vi ảnh hưởng của Nga

Nhìn từ phía Moskva, cũng không ai nghi ngờ quan điểm rằng việc khuất phục Ukraina chỉ là một phần trong chương trình nghị sự rộng lớn hơn nhằm tái lập phạm vi ảnh hưởng của Nga ở châu Âu.

Ngay trước cuộc tấn công tổng lực của Nga vào Ukraina hồi tháng 2/2022, Mỹ đã có động thái phản ánh nỗ lực cuối cùng để tránh đổ máu là yêu cầu Putin viết ra toàn bộ yêu sách và tham vọng của mình. 

Họ nhận lại một bản dự thảo hiệp ước của Nga, trong đó Putin yêu cầu NATO rút toàn bộ lực lượng khỏi Trung Âu, phó mặc tất cả những nước Đông và Trung Âu từng nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô cho Nga và giải giáp châu Âu, khiến Nga trở thành cường quốc đáng gờm duy nhất trên lục địa. 

Nói tóm lại, Nga muốn đưa thế giới trở lại tình trạng khi Liên Xô còn là một siêu cường ngang hàng với Mỹ.

Giấc mơ trở về quá khứ này được thể hiện rõ trong cuộc phỏng vấn gần đây dài 2 tiếng đồng hồ trên truyền hình mà Putin dành cho Tucker Carlson, nhà tuyên truyền cực hữu của Mỹ. Putin đã dành hơn một nửa thời lượng cuộc phỏng vấn để đưa ra những lý lẽ lịch sử có từ thế kỷ 12 nhằm chứng tỏ rằng cả Ukraina và nước láng giềng Ba Lan đều không phải là quốc gia "thực sự" và phần lớn Trung Âu vốn là sân chơi của Nga.

Châu Âu trước nguy cơ chiến tranh với Nga- Ảnh 3.

Ông Putin vừa tái đắc cử Tổng thống Nga và vẫn kiên quyết giành thắng lợi trong cuộc chiến với Ukraina.

Đối với hầu hết những người bên ngoài nước Nga, ý tưởng rằng một nhà lãnh đạo bị ám ảnh bởi việc "sửa chữa" những "sai lầm" lịch sử, cho dù một số sai lầm xảy ra từ nhiều thế kỷ trước, có vẻ kỳ quái. Tuy nhiên, đối với Tổng thống Nga 71 tuổi, mục tiêu này là một tín điều và sẽ đạt được trước khi ông rời nhiệm sở.

Tổng thống Putin có một người bạn thân cũng quyết tâm sửa chữa những sai lầm lịch sử của đất nước mình: Đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc có thể không trở thành một liên minh quân sự, nhưng đó là mối liên kết chiến lược bền chặt mà châu Âu sợ rằng có thể gây bất lợi cho họ.

Nếu Donald Trump – ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa cho chức tổng thống Mỹ và là người nổi tiếng với những mối nghi ngờ về liên minh của Mỹ ở châu Âu – không giành lại được quyền làm chủ Nhà Trắng và nếu quan hệ quân sự giữa châu Âu và Mỹ vẫn thân thiết, thì không khó để hình dung một kịch bản tương lai mà trong đó Nga có động thái quân sự ở châu Âu khi Trung Quốc có động thái quân sự ở Đài Loan. Liệu Mỹ có thể giải quyết được 2 cuộc khủng hoảng lớn như vậy cho dù họ muốn hay không?

Mục tiêu khả thi

Điều mà châu Âu lo sợ không phải là một cuộc xâm lược tổng thể của Nga mà là một cuộc xâm lược biên giới các quốc gia Baltic dễ bị tổn thương ở Bắc Âu hay cách tiếp cận các nước Nam Âu dễ bị tổn thương không kém như Moldova hay Romania. 

Mục tiêu trước mắt là phá vỡ sự thống nhất về mục đích của châu Âu bằng cách thách thức châu Âu tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực hoặc chấp nhận thay đổi biên giới theo kiểu đang được áp đặt đối với Ukraina. Mục tiêu dài hạn là hủy hoại uy tín của NATO và tách châu Âu khỏi Mỹ, nhằm phá bỏ các thỏa thuận an ninh hiện tại của phương Tây.

Cách duy nhất có thể giúp châu Âu giải quyết mối nguy hiểm này là tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ bị ngó lơ, chi phí trang bị cho châu Âu đã lên tới con số rất lớn. Để đáp ứng các kế hoạch quốc phòng hiện tại, châu Âu sẽ phải tăng khoảng 50% ngân sách quốc phòng.

Và nếu có mua số lượng lớn xe tăng và pháo mới, thì lục địa này vẫn thiếu nhân lực vì đã bãi bỏ chế độ tòng quân và không thể thu hút đủ số lượng tình nguyện viên. Tuy nhiên, nhân lực có thể là yếu tố then chốt. Tướng Sanders gần đây đã nói: "Quân đội chính quy gây chiến, nhưng dân quân mới là lực lượng giành chiến thắng".

Châu Âu trước nguy cơ chiến tranh với Nga- Ảnh 4.

Mối quan hệ Nga - Trung ngày càng khăng khít, khiến châu Âu thêm bất an.

Các ngành công nghiệp châu Âu có thể sản xuất đủ vũ khí. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chính trị đối với sản xuất lại gây cản trở. Đầu tiên là xu hướng chính phủ bảo vệ ngành công nghiệp quốc phòng. Sau đó là sự thiếu kết nối giữa tham vọng và thực tế.

Cách đây không lâu, EU đã công bố một báo cáo chính sách mới với những lập luận ủng hộ nỗ lực công nghiệp quốc phòng trong toàn liên minh. Khoản trợ cấp bằng tiền mặt mà khối này đề xuất cho mục đích này là rất nhỏ: chỉ 1,5 tỷ euro. 

Báo cáo chính sách cho biết EU có thể vay thêm 100 tỷ euro để tài trợ cho hoạt động sản xuất quốc phòng mặc dù Đức chắc chắn sẽ từ chối khoản vay đó. Mặc dù dự báo Ukraina sẽ hợp tác sản xuất vũ khí châu Âu, nhưng báo cáo chính sách công nghiệp EU lại không nói gì về Anh, quê hương của một trong những nền công nghiệp quốc phòng nổi bật nhất châu Âu. Việc ghi điểm chính trị một cách thiển cận, ngây ngô dường như vẫn lấn át nhu cầu cấp bách về quân sự.

Lời nhắc nhở từ Chiến tranh thế giới thứ hai

Ngay cả khi châu Âu tăng cường lực lượng vũ trang, người ta vẫn nghi ngờ khả năng của lục địa này trong việc ngăn chặn Nga khi không có vũ khí hạt nhân. Về lý thuyết, Anh và Pháp có thể cung cấp cho châu Âu chiếc ô hạt nhân. 

Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng hạt nhân của Anh và Pháp rất nhỏ, và cả London và Paris đều không vội vàng thừa nhận rằng họ có thể tham gia một cuộc đối đầu hạt nhân với Nga để bảo vệ từng tấc đất châu Âu.

Kết thúc hội nghị các nhà lãnh đạo châu Âu mới được tổ chức tại Paris để thảo luận về những thách thức an ninh của lục địa này, Tổng thống Macron tuyên bố: "Chúng tôi quyết tâm làm mọi việc cần thiết". Tuy nhiên, tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều chỉ ra rằng đại đa số công chúng châu Âu vẫn không tin rằng mối nguy hiểm đang rình rập, giống như việc các thế hệ trước từng từ chối tin vào tính tất yếu của chiến tranh vào những năm 1930 để rồi phải đối mặt với thảm họa lớn nhất thế giới.

(Nguồn: TTXVN/The Straits Times)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement