18/03/2024 08:31
Châu Âu chưa rộng cửa cho máy bay 'Made in China'
Trung Quốc đang đẩy nhanh các động thái pháp lý nhằm giúp máy bay họ tự phát triển được phương Tây cấp phép. Tuy nhiên, giới chức châu Âu cho biết cần thêm thời gian để đánh giá máy bay C919, điều này kéo tụt kỳ vọng của Trung Quốc về việc nhanh chóng chiếm thị trường.
Chiếc C919 thân hẹp của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) được phát triển để cạnh tranh với Airbus và Boeing. Máy bay này đã đi vào hoạt động tại Trung Quốc tháng 5/2023, sau khi được cấp phép trong nước năm 2022.
Luc Tytgat - quyền Giám đốc Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA), cho biết Comac từng đề xuất châu Âu cấp phép năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch đã làm gián đoạn quá trình này. Tháng 11/2023, Trung Quốc tái khởi động việc này. Họ muốn được cấp phép muộn nhất là năm 2026.
"Sự thật là tôi cũng không biết khi nào chúng tôi có thể cấp phép vì máy bay này quá mới", Tygat chia sẻ. Ông giải thích thêm rằng kể từ năm 2019, Trung Quốc vẫn tiếp tục cải tiến C919 khiến EASA phải tìm hiểu lại các thay đổi.
Bình luận này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Comac mang máy bay đến trình diễn tại Triển lãm Hàng không Singapore. Họ quảng bá máy bay này là lựa chọn thay thế khi Airbus đang ngập trong đơn hàng, còn Boeing quay cuồng với các sự cố về an toàn của dòng 737 Max của mình.
Để nhận được các đơn hàng quốc tế lớn, Comac cần nhận được sự chấp thuận rộng rãi của giới chức quốc tế, như Mỹ và châu Âu. Nếu không được phê duyệt, máy bay C919 sẽ không thể hoạt động tại đây.
"Với chúng tôi, việc kết nối lại và làm quen lại với phiên bản mới của máy bay này sẽ mất khá nhiều thời gian", Tytgat giải thích. Bình luận này ám chỉ EASA chỉ mới đang ở giai đoạn "làm quen về mặt kỹ thuật". Đây là giai đoạn đầu của quá trình phê duyệt có thể kéo dài 5 năm hoặc lâu hơn.
Nhận xét của Tytgat cho thấy EASA đang ở giai đoạn "làm quen với kỹ thuật", giai đoạn mà các chuyên gia cho rằng đây là phần đầu tiên của quy trình chứng nhận có thể kéo dài từ 5 năm trở lên.
Các cơ quan quản lý phương Tây đã thắt chặt việc chứng nhận máy bay kể từ khi các vụ tai nạn chết người của Boeing 737 MAX xảy ra vào năm 2018 và 2019, làm lộ ra những sai sót trong thiết kế và giám sát. Tuy nhiên, việc giám sát dự kiến sẽ đặc biệt gay gắt đối với chiếc máy bay phản lực đầu tiên của một nhà sản xuất mới.
Hãng hàng không giá rẻ Ailen Ryanair trước đây đã nói rằng họ sẽ xem xét máy bay phản lực Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có hãng hàng không châu Âu nào ép EASA đẩy nhanh công việc chứng nhận để có thể đặt hàng, Tytgat cho biết.
Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) hồi tháng 1/2024 cho biết có kế hoạch tăng quảng bá C919 năm nay. Mục tiêu của họ năm nay là thúc đẩy châu Âu cấp phép cho máy bay này. Sau triển lãm Hàng không Singapore, Comac đã đưa C919 đến nhiều nước châu Á, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia để gặp các hãng bay và quan chức chính phủ.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement