01/07/2022 08:36
Cách sử dụng thực phẩm 'vô tội vạ' của con người đang hủy hoại Trái đất?
Mua măng Tây, lê Argentina, việt quất Peru và hạnh nhân California vào mùa Đông - đây chỉ là một vài trong số hàng nghìn sản phẩm nghịch mùa mà người tiêu dùng có thể mua bất cứ khi nào khi vào siêu thị.
Đó cũng là điều mà người tiêu dùng cách đây một thế kỷ, có thể không bao giờ tưởng tượng được, nhưng giờ thì chúng ta đã quen với sự lựa chọn này.
Janet Chrzan, một nhà nhân chủng học dinh dưỡng từ Đại học Pennsylvania cho biết: "Hãy bước vào Carrefour Marche ở Pháp hoặc Wal Mart ở Hoa Kỳ để xem những gì mà chúng ta đang được cung cấp".
Toàn bộ hệ thống siêu thị của Đức có hơn 10.000 sản phẩm. Tại Hoa Kỳ, mức trung bình là hơn 30.000, theo Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Hoa Kỳ. Người tiêu dùng đưa ra quyết định nên bỏ mặt hàng nào vào giỏ chỉ trong vài giây và những quyết định đó có tác động đến môi trường.
Theo Ủy ban châu Âu, tiêu thụ thực phẩm là nguyên nhân chính gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường.
Con người đang lãng phí thực phẩm
Sản xuất lương thực chiếm khoảng 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Phần lớn trong số đó đến từ thịt và sữa, đóng góp gần 15% lượng khí thải toàn cầu. Sản xuất thực phẩm cũng gây ra các vấn đề khác, chẳng hạn như ô nhiễm, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất và thiếu nước.
Tiêu thụ thực phẩm ngày càng tăng trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Các quốc gia có thu nhập cao, bao gồm Mỹ và Đức, có nhiều calo trên đầu người nhất thế giới.
Đồng thời, Liên Hợp Quốc ước tính rằng, các hộ gia đình trên toàn cầu vứt bỏ 11% tổng số thực phẩm sẵn có và số liệu thống kê này không bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp. Vậy, tại sao chúng ta mua nhiều thực phẩm hơn mức chúng ta có thể ăn?
Theo Chrzan, loài người chúng ta có nỗi sợ đói vô thức và điều này có thể xuất phát từ thời kỳ mà việc tìm kiếm thức ăn khó khăn hơn bây giờ rất nhiều.
"Chúng ta có mong muốn bẩm sinh là đảm bảo rằng có đủ thức ăn cho bản thân và con cái của mình", chuyên gia này nói.
"Nếu bạn nghĩ rằng môi trường sống của bạn sẽ gặp rủi ro, rằng bạn có thể không có được một bữa ăn, hoặc bạn có thể hết lương thực nói chung, thì bạn sẽ tích trữ thức ăn", bà nói thêm.
Bên cạnh thực tế là con người cần thực phẩm để tồn tại, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc chúng ta mua sản phẩm nào ở siêu thị. Người mua hàng thường bị ảnh hưởng nhiều bởi giá cả - họ chọn những gì vừa với túi tiền của mình. Nhưng các yếu tố khác như tiếp thị, mối quan tâm về sức khỏe, hương vị, sự tiện lợi, tính bền vững và thể hiện bản sắc hoặc giá trị cũng có thể đóng một vai trò trong việc lựa chọn loại thực phẩm để mua.
Stefan Wahlen, một nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về thói quen tiêu dùng thực phẩm tại Đại học Giessen (Đức), cho biết mọi người có xu hướng ăn cùng một loại thực phẩm trong suốt 95% thời gian cuộc đời.
"Bạn sống theo thói quen của mình và mặc dù bạn có thể đang thử một số thực phẩm mới, nhưng có rất ít sự thay đổi trong những gì chúng ta thực sự ăn", ông nói và cho biết thêm rằng, những thói quen này giúp chúng ta "đối phó với sự phức tạp của cuộc sống hàng ngày".
Khi đối mặt với vô số lựa chọn trong cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng có xu hướng đưa ra quyết định nhanh chóng và dựa trên thói quen. Hành vi tiêu dùng của chúng ta là khó thay đổi vì lựa chọn thực phẩm và cách ăn uống đã gắn liền với cách chúng ta sống.
Nhưng các nhà khoa học khí hậu nói rằng, sự thay đổi, bao gồm cả việc điều chỉnh chế độ ăn uống của chúng ta chính là điều cần thiết để giảm lượng khí thải nhà kính từ thực phẩm. Điều đó có nghĩa là ăn ít thịt đỏ và nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn.
Cần thay đổi thói quen tiêu dùng
Một cuộc khảo sát vào năm 2020 về thái độ của người tiêu dùng đối với thực phẩm bền vững ở 11 quốc gia EU cho thấy, chi phí là rào cản chính khiến mọi người mua sản phẩm xanh hơn, cùng với việc thiếu thông tin và thách thức trong việc xác định các lựa chọn thực phẩm bền vững.
Hai phần ba người tiêu dùng trong nghiên cứu của Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu có trụ sở tại Brussels cho biết, họ sẵn sàng thay đổi thói quen ăn uống vì lý do môi trường và nhiều người tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng giảm lãng phí thực phẩm ở nhà, mua nhiều trái cây và rau theo mùa cũng như ăn nhiều thực vật hơn. Nhưng, chỉ 1/5 người sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm bền vững.
Thường thì các yếu tố khác - có thể là thương hiệu, hương vị hoặc giá cả - được ưu tiên. Một số nghiên cứu đã ghi nhận điều này và nó được gọi là hiện tượng "khoảng cách giữa thái độ-hành vi" hay "khoảng cách giá trị-hành động". Điều đó đồng nghĩa với việc, nhiều người tiêu dùng quan tâm đến môi trường nhưng họ không nhất thiết phải chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Wahlen lưu ý rằng, bất chấp các cuộc thảo luận trong thập kỷ qua về tác hại của việc sản xuất thịt đối với môi trường, việc tiêu thụ thịt ở Đức có rất ít thay đổi - điều mà ông nói có thể liên quan đến việc mọi người xem thịt như một biểu tượng địa vị, điều chỉ xuất hiện sau Thế chiến thứ hai.
Sự thay đổi dần dần đang diễn ra. Nhưng để các sản phẩm mới, bền vững được phát triển, ông Wahlen cho rằng, các loại thực phẩm này cần phải thuận tiện và phù hợp với thói quen, cách chế của người tiêu dùng.
"Vì vậy, nó có thể là một miếng thịt được làm từ phòng thí nghiệm hoặc làm từ côn trùng, nhưng nếu nó phù hợp với cách nướng [hoặc] nấu ăn trong gia đình thì nó có nhiều khả năng được người tiêu dùng chấp nhận hơn", ông nói thêm.
Cần thay đổi hành vi tiêu dùng để cứu Trái đất
Theo Chrzan, cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để "bắt đầu nói nhiều hơn với mọi người về ... lựa chọn cá nhân" và tác động của các lựa chọn này đối với hành tinh của chúng ta.
Người tiêu dùng có thể khó biết loại thực phẩm nào bền vững về mặt sinh thái, vì hầu hết các sản phẩm không hiển thị chỉ số carbon thải ra hoặc lượng đất, nước đã đã dùng để sản xuất ra chúng. Chrzan nói rằng, thông tin này nên được ghi trên nhãn thực phẩm.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, các biện pháp khác như trợ cấp và thuế để làm cho các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng trở thành sự lựa chọn hợp lý hơn.
"Nudging" – một thuật ngữ dùng để chỉ cách con người kiểm soát hành vi tốt hơn - là một cách khác để thay đổi thói quen tiêu dùng mà không áp đặt các biện pháp khuyến khích tài chính. Ví dụ: thay đổi cách đóng gói sản phẩm hoặc tăng khả năng hiển thị của các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật trong các siêu thị.
Sự lựa chọn của người tiêu dùng cuối cùng chỉ là một phần của hệ thống thực phẩm sử dụng nhiều năng lượng.
Nhưng, Chrzan nói rằng, mọi người có thể áp dụng chế độ ăn bền vững hơn nếu họ thực hiện "đánh giá quan trọng" về những gì họ thích ăn và thực hiện những thay đổi dựa trên những gì tốt hơn cho sức khỏe và cả hành tinh mà chúng ta đang sống.
Tin liên quan
Advertisement