14/09/2018 15:22
Các thị trường mới nổi không nên trông chờ vào hành động tăng lãi suất
Giới phân tích cảnh báo, trong bối cảnh của các thị trường mới nổi hiện tại, việc tăng mạnh lãi suất sẽ không thể gây ấn tượng với các nhà đầu tư.
Sau thời gian án binh bất động, hôm thứ Năm (13/9), Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất từ 17,75% lên 24%. Động thái này tạo ra phản ứng ngay lập tức từ đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, tăng mạnh tới 5% so với đồng USD. Nhưng đồng lira đã mất gần 40% giá trị so với đồng USD trong năm nay.
Đồng lira đã mất gần 40% giá trị so với đồng USD trong năm nay. |
Việc tăng lãi suất là ví dụ mới nhất về một thị trường mới nổi thực hiện hành động khẩn cấp để bảo vệ đồng nội tệ. Tuy vậy, diễn biến này không đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư - đang trong cơn hoảng loạn - rằng không cần tìm kiếm các “bến đỗ” khác an toàn hơn.
Kathleen Brooks, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Capital Index, cho biết Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hành động không giống như cách mà họ có thể duy trì sự hồi phục ổn định của đồng lira. Kathleen Brooks nhận xét, đây là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương đơn lẻ không thể thực sự đủ sức tác động đến bất cứ điều gì trên thị trường tiền tệ.
Có thể thấy, các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi các nền kinh tế đang phát triển, các thị trường mới nổi như Nam Phi, Pakistan, Nga và Sri Lanka… Nhưng trường hợp điển hình là Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ. Dòng tiền đầu tư vào các quốc gia này đang chuyển hướng vào Mỹ, nơi lãi suất đang tăng hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư tài chính.
Các nhà kinh tế lo ngại rằng, rắc rối của thị trường mới nổi có thể lây lan sang các thị trường dễ bị tổn thương khác, kể cả Phố Wall (Wall Street) cũng không miễn nhiễm.
Điều đáng quan tâm là trong bối cảnh đầy bất trắc như vậy, dường như ít có giải pháp nhằm giải quyết tận gốc vấn đề. Đặc biệt, các cường quốc kinh tế như Mỹ và Trung Quốc đã không có những động thái rõ ràng nào nhằm dập tắt cuộc chiến thương mại mà Mỹ khơi mào.
Thậm chí không một quốc gia nào có thị trường tiền tệ đang bị lung lay như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina chấp nhận gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để ổn định tình hình. Tương tự Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina đã tăng lãi suất 60% với hy vọng cứu vãn đồng nội tệ và níu kéo các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bà Kathleen Brooks cho rằng, động lực đó không đủ khả năng thay đổi cuộc chơi, cho đến khi các nhà đầu tư tự tin hơn. Theo bà, giới đầu tư cần nhìn thấy triển vọng thật sự và chắc chắn về sự hạ nhiệt của chiến tranh thương mại. Thời điểm mà giới đầu tư trở lại các thị trường đang phát triển, "đó là khi thị trường mới nổi bắt đầu hồi phục", Kathleen Brooks cho hay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bồi thêm "cú giáng" khiến đồng lira suy yếu hơn vào thứ Năm (13/9) do diễn giải sai lệch về lãi suất. |
Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên xấu hơn bởi các chính sách kinh tế của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người khiến cho đồng lira suy yếu vào thứ Năm do mô tả lãi suất là "công cụ khai thác". Các nhà đầu tư lo lắng về ảnh hưởng của tổng thống đối với ngân hàng trung ương nước này – một định chế vốn đã bị chỉ trích dữ dội vì phản ứng quá chậm chạp đối với việc ngăn chặn đồng lira trượt giá theo phương thẳng đứng.
"Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy (Tổng thống Erdogan) cố gắng khẳng định ảnh hưởng của mình đối với quyết định chính sách tiền tệ (của ngân hàng trung ương) có thể nhanh chóng làm cho tâm lý thị trường xấu đi... Rõ ràng có nhiều áp lực chính trị đối với ngân hàng trung ương", Jason Tuvey, nhà kinh tế thị trường mới nổi của Capital Economics, nhận xét.
Trong khi đó, các nền kinh tế ở châu Âu có thể cảm nhận được ảnh hưởng của suy thoái kinh tế từ Thổ Nhĩ Kỳ - sự suy thoái có một phần nguyên nhân là lạm phát đã tăng vọt lên 18%. Các đối tác thương mại từ châu Âu vẫn sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể kim ngạch xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ", Holger Schmieding, nhà kinh tế Trưởng thuộc Berenberg Bank, cho biết.
Theo ước tính của Schmieding, sự sụt giảm 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực đồng euro sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm giảm 0,1% mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của cả khu vực.
"Người tiêu dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua một chiếc xe BMW, nếu nó đắt hơn 40% ... Bạn cần một đồng tiền ổn định để có giao dịch ổn định", Brooks nói với CNN.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement