03/11/2022 14:05
Các sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông người bán hàng cho cơ quan thuế hàng quý
Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... chỉ có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia bán.
Đây là điểm mới trong Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế được Chính phủ ban hành mới đây.
Cụ thể, chủ sở hữu sàn thương mại điện tử chỉ có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin người bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn, gồm tên người bán; mã số thuế, mã số định danh cá nhân (hoặc chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu); địa chỉ, điện thoại; doanh thu qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn…
Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada... sẽ cung cấp thông tin định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu, theo Dân trí.
Trước đó hồi tháng 9, Bộ Tài chính từng đề xuất yêu cầu các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến phải khai thay và nộp thay thuế cho cá nhân kinh doanh trong tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Bộ Tài chính cho rằng việc yêu cầu các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến kê khai và nộp thuế thay cho người bán phù hợp với quy định tại Nghị định 85/2021.
Theo đó, Nghị định này quy định rõ chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật Việt Nam của người bán nước ngoài khi tham gia sàn; là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng; lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn theo quy định của pháp luật về kế toán; và liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng quy định này không trái với các quy định hiện hành về thuế, bởi mọi hoạt động mua bán, từ khâu đặt hàng, vận chuyển, thanh toán, giải quyết khiếu kiện về hàng hóa, dịch vụ… đều được thực hiện thông qua sàn, người mua hàng chỉ thực hiện các giao dịch thông qua sàn, theo Zing.
Do đó, có thể hiểu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định đối với từng giao dịch mua bán và nắm được thông tin về doanh thu của người bán.
Bộ Tài chính cũng cho biết Tổng cục Thuế đã triển khai thu thập thông tin, tài liệu tại một số sàn giao dịch TMĐT. Qua kiểm tra thực tế, các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến đều nắm được thông tin liên quan đến công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh trên sàn. Do đó, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… có đủ khả năng để khai thay và nộp thay thuế cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Mới đây, trong công văn phúc đáp Công văn số 3434/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế về "Khảo sát thông tin dữ liệu cung cấp thông tin của các sàn thương mại điện tử", Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng các sàn TMĐT là động lực quan trọng nhất góp phần phát triển TMĐT tại Việt Nam, góp phần cho công cuộc chuyển đổi số, tạo hàng triệu việc làm mỗi năm và đóng góp không nhỏ vào ngân sách thông qua các loại thuế.
Dẫu vậy, hoạt động của các sàn còn khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn, chi phí hoạt động cao nhưng hầu hết vẫn lỗ. Do đó, VECOM đề nghị Tổng cục Thuế và các cơ quan quản lý lưu ý thực tế này, giảm tối đa các gánh nặng chi phí, gánh nặng tuân thủ, tạo điều kiện cho các sàn TMĐT phát triển.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp