25/02/2021 15:07
Sáp nhập thất bại, Tiki và Sendo lập chiến lược riêng để đối đầu với Shopee và Lazada
Tiki và Sendo đã hoãn kế hoạch sáp nhập của mình, ngay cả khi cơ quan giám sát chống độc quyền của Việt Nam cho rằng việc hợp nhất sẽ không bị luật địa phương cấm.
Kế hoạch hợp nhất được coi là một nỗ lực của cả hai nhằm cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với Shopee của Sea Ltd, một trang mua sắm trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thành hiện thực do các cổ đông của Tiki và Sendo không thể thống nhất các điều khoản sáp nhập.
Shopee - Gã khổng lồ thương mại điện tử Việt Nam
"Việc hợp nhất có vẻ hợp lý nhưng trên thực tế thì không. Hai cơ quan quản lý khác nhau và thậm chí khi đã kết hợp, nền tảng mới vẫn quá nhỏ so với Shopee”, một doanh nhân giấu tên nói với DealStreetAsia.
Vị này nói thêm rằng, trong cơ sở khách hàng của ông, số lượng người bán và đơn đặt hàng trên Shopee lớn hơn so với các nền tảng khác cộng lại. Shopee cũng đứng đầu về lượt truy cập web (68,6 triệu lượt truy cập hàng tháng) và xếp hạng ứng dụng trên iOS và Android, theo bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice trong quý IV/2020.
Để so sánh, Tiki có 22,3 triệu lượt truy cập hàng tháng, đứng thứ ba trên iOS và thứ tư trên Android. Lazada có 20,8 triệu lượt truy cập hàng tháng và đứng thứ hai trên cả hai hệ thống ứng dụng. Trong khi đó, Sendo đạt 11,2 triệu lượt truy cập mỗi tháng, lần lượt chiếm vị trí thứ tư và thứ ba trên iOS và Android.
“Lazada tập trung vào một số phân khúc nhất định và một số sản phẩm của họ có vẻ cao cấp hơn, trong khi Shopee cung cấp mọi thứ. Đó là một thách thức rất lớn đối với những người chơi khác đang chơi cùng một trò chơi”, Jianggan Li, CEO của công ty xây dựng mạo hiểm Momentum Works, nhận xét.
Thật vậy, Shopee có sự hậu thuẫn của công ty mẹ Sea Group. Năm 2017, Sea Group chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán New York (NYSE) và trở thành cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất thế giới với giá trị vốn hóa thị trường là 124,6 tỷ USD.
Theo công ty PE Asia Partners, sự tăng trưởng vốn hóa thị trường của Internet và thương mại điện tử ở Đông Nam Á, từ chỉ 1% trong toàn bộ hệ sinh thái công nghệ khu vực vào năm 2013 lên 31% vào năm 2020, phần lớn là do Sea Group đóng góp.
Nói về sự thành công này, Oliver Raussin, đối tác quản lý của công ty VC tập trung vào Việt Nam FEBE Ventures, cho biết: "Shopee có thể duy trì những quyết định phi lý trí như những gì gã khổng lồ Amazon của Mỹ đã làm với dịch vụ Amazon Prime của mình. Họ mất rất nhiều tiền cho các giao dịch nhưng họ thích đưa nó cho người tiêu dùng hơn là chi cho quảng cáo".
“Tôi thích mua hàng trên Shopee vì nó cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí thường xuyên hơn những nền tảng khác. Tôi cũng có thể tìm được những sản phẩm rẻ hơn nếu bỏ thêm thời gian và công sức quét qua ứng dụng”, Nguyễn Thùy Linh, một bà mẹ 30 tuổi đang làm việc tại Hà Nội, nói với DealStreetAsia.
Chiến lược cạnh tranh của Tiki và Sendo
Shopee cũng đang tạo nên những thách thức cho những gã khổng lồ thương mại khác tại Indonesia. Sự nổi lên của Shopee được cho là một trong những yếu tố thúc đẩy Tokopedia và Gojek bắt đầu đàm phán sáp nhập.
Hợp nhất để tăng quy mô cũng được nhìn thấy trong không gian thanh toán. Tuy nhiên, trong trường hợp Tiki và Sendo của Việt Nam, mỗi bên đang tìm ra con đường riêng cho mình.
“Chúng tôi sẽ tập trung vào thế mạnh của mình trong hệ thống giao hàng và chuỗi cung ứng”, Giám đốc tài chính (CFO) Ngô Hoàng Gia Khánh của Tiki nói với DealStreetAsia. Ông không bình luận về ý định sáp nhập.
Tiki có trụ sở tại TP.HCM và có đội giao hàng riêng với khoảng 2.000 chủ hàng để cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh chóng trong các thành phố trọng điểm của Việt Nam. Ông Khánh cho biết, đội ngũ giao hàng tận nơi đã giúp Tiki giảm chi phí và có lợi thế trong việc trợ giá. Ông cũng tiết lộ rằng, công ty cũng sẽ tăng cường vận chuyển trả hàng và mở dịch vụ hậu cần cho các khách hàng bên ngoài nền tảng Tiki.
Năm ngoái, Tiki đã phát triển các dịch vụ mới bao gồm TikiPro, cho những khách hàng cần nhân viên của Tiki lắp đặt thiết bị đã mua tại nhà vào thời điểm họ chọn và TikiNgon, dịch vụ giao thực phẩm tươi sống.
“Doanh số của TikiNgon đã tăng gấp 5-7 lần kể từ khi chúng tôi ra mắt vào quý III/2020”, ông Khánh nói. Tiki cũng điều hành một đơn vị tên là TikiTrading, chuyên phân phối một số danh mục sản phẩm của riêng mình.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của DealStreetAsia, Tiki đã phải đối mặt với bài toán khó khi ra mắt TikiTrading. Vì họ muốn mở rộng quy mô cung cấp nhưng điều này sẽ xung đột với các đối tác thương mại ngày càng tăng của Tiki.
Trả lời vấn đề này, ông Khánh cho biết, TikiTrading chỉ tập trung vào một số danh mục nhất định như sách, thiết bị điện tử hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đòi hỏi tính xác thực. "TikiTrading chiếm 1/3 doanh thu trên nền tảng của chúng tôi", ông nói.
Trong khi đó, Sendo, với sự giúp đỡ của cổ đông Kasikornbank, sẽ phát triển các dịch vụ tài chính cho người bán và người dùng của mình. “Các dịch vụ có thể bao gồm các khoản vay, trả góp và thậm chí là chấm điểm tín dụng”, một nguồn tin khác quen thuộc với ngân hàng Thái Lan cho biết. Sendo đã từ chối yêu cầu phỏng vấn về vấn đề này.
Được biết, Sendo đã huy động được 61 triệu USD trong khoản tài trợ Series C năm 2019 từ các nhà đầu tư hiện tại và những người ủng hộ mới bao gồm EV Growth và Kasikornbank.
Con đường phía trước
Mặc dù không thể xác định chắc chắn tỷ lệ "đốt tiền" của những người chơi thương mại điện tử này, nhưng ông Khánh của Tiki cho biết, công ty “luôn mở cửa cho các nhà đầu tư”. “Điều đó nói lên rằng, vòng tài trợ mới nhất của chúng tôi đã giúp chúng tôi có đủ sự ổn định trong hoạt động”, ông nói thêm.
Vào tháng 3/2020, Sendo đã nhận được khoản tài trợ Series C mở rộng và đang tìm cách tăng thêm một vòng Series D, CFO JJ Ang nói với Tech in Asia vào tháng 7/2020.
Nói về các nền tảng thương mại điện tử, ông Khánh cho rằng, nó không chỉ dừng lại ở việc mua sắm mà còn bao gồm cả giải trí và trải nghiệm khách hàng.
“Hãy nhìn vào các thị trường khác như Trung Quốc. Vài năm trước, mọi người nói Alibaba sẽ thống trị và JD đang suy giảm và họ không thấy có thể xây dựng được thứ gì khác. Sau đó, Pindoudou đã nắm bắt phần lớn thị trường mà Alibaba đã bỏ quên hoặc một số người chơi SaaS như Youzan và Baozun”, CFO Li chỉ ra.
“Câu hỏi đặt ra là, bao lâu nữa thị trường thương mại điện tử sẽ phát triển đủ lớn để đáp ứng tất cả những người chơi khác nhau này?”, ông Li nói. Raussin của FEBE Ventures khẳng định rằng, sẽ không còn cơ hội cho những người chơi mới trên thị trường, nhưng tiềm năng tăng trưởng theo cấp số nhân của toàn bộ thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ để lại khoảng trống cho các doanh nghiệp hiện tại tiếp tục cuộc chơi của mình.
Theo báo cáo chung của Google, Temasek và Bain&Co, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến tăng trưởng 34% hàng năm cho đến năm 2025, lên 29 tỷ USD.
Mặt khác, các công ty Việt Nam vẫn đang hy vọng một đợt IPO tại địa phương có thể thành hiện thực. “Chúng tôi muốn thấy một lộ trình rõ ràng hơn cho việc niêm yết công nghệ vì nó sẽ mở ra những lối thoát, điều quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thân thiện với công nghệ và chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ sớm có kế hoạch cho các đợt IPO công nghệ”, ông Khánh nói.
Chủ đề liên quan
Advertisement