21/11/2023 12:38
Các nhà đầu tư OpenAI cân nhắc khởi kiện hội đồng quản trị sau vụ sa thải CEO
Các nguồn tin cho hay các nhà đầu tư vào OpenAI đang cân nhắc các biện pháp pháp lý đối với công ty, sau khi ông Sam Altman bất ngờ bị cách chức tổng giám đốc (CEO).
Nguồn tin Reuters hôm nay (21/11) cho biết một số nhà đầu tư vào OpenAI đang làm việc với đội ngũ pháp lý để xem xét các lựa chọn nhắm vào hội đồng quản trị gồm 4 thành viên của công ty này.
Thông tin được đưa ra sau việc ông Sam Altman bất ngờ bị hội đồng quản trị OpenAI cách chức CEO, khiến nhiều nhân viên và nhà nghiên cứu đồng loạt nghỉ việc.
Các nguồn tin cho biết các nhà đầu tư đang làm việc với các cố vấn pháp lý để nghiên cứu các lựa chọn của họ. Hiện chưa rõ liệu các nhà đầu tư này có kiện OpenAI hay không.
Các nhà đầu tư lo lắng rằng có thể mất hàng trăm triệu USD mà họ đổ vào OpenAI, "viên ngọc quý" trong một số danh mục đầu tư của họ, với khả năng sụp đổ của công ty khởi nghiệp nổi nhất trong lĩnh vực generative AI (AI tạo sinh) đang phát triển nhanh chóng.
Theo các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, Microsoft sở hữu lượng cổ phần lớn (có thể lên tới 49%) trong một đơn vị vì lợi nhuận do OpenAI điều hành. Trang Semafor cho biết các nhà đầu tư và nhân viên OpenAI khác kiểm soát 49% cổ phần, trong đó 2% thuộc sở hữu của công ty mẹ phi lợi nhuận OpenAI Nonprofit.
OpenAI đã sa thải Sam Altman hôm 17/11 sau "sự cố giao tiếp", theo một bản ghi nhớ nội bộ mà Reuters nhìn thấy.
"Việc Sam Altman rời đi là kết quả của một quá trình xem xét thận trọng của hội đồng quản trị, kết luận rằng ông không nhất quán trong giao tiếp với hội đồng quản trị, làm trở ngại cho khả năng thực hiện trách nhiệm của mình", OpenAI viết trong blog mà không mô tả chi tiết.
Các nhà đầu tư mạo hiểm thường giữ ghế hội đồng quản trị hoặc quyền biểu quyết trong công ty mà họ đầu tư, nhưng OpenAI được kiểm soát bởi công ty mẹ phi lợi nhuận OpenAI Nonprofit.
Theo trang web của OpenAI Nonprofit, OpenAI được tạo ra để mang lại lợi ích cho "nhân loại chứ không phải nhà đầu tư".
Do đó, nhân viên có nhiều đòn bẩy hơn trong việc gây áp lực lên hội đồng quản trị so với các nhà đầu tư mạo hiểm đã giúp tài trợ cho OpenAI, theo Minor Myers, giáo sư luật tại Đại học Connecticut.
Ông nói: "Mối lo ngại của nhân viên và các bên liên quan có vẻ quan trọng hơn và có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn với tình hình hiện tại của OpenAI so với những nhà đầu tư".
Đó là một đặc điểm, không phải lỗi trong cấu trúc của OpenAI, khởi đầu là tổ chức phi lợi nhuận nhưng đã thêm một công ty con vì lợi nhuận vào năm 2019 để huy động vốn. Theo trang web của OpenAI, việc duy trì quyền kiểm soát hoạt động cho phép tổ chức phi lợi nhuận duy trì "sứ mệnh cốt lõi, quản trị và giám sát" của mình.
Hội đồng phi lợi nhuận có nghĩa vụ pháp lý với các tổ chức mà họ giám sát. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết những nghĩa vụ đó để lại nhiều khoảng trống cho các quyết định của lãnh đạo.
Paul Weitzel, giáo sư luật tại Đại học Nebraska, nói những nghĩa vụ này có thể được thu hẹp hơn nữa trong một cơ cấu doanh nghiệp như OpenAI, vốn đã sử dụng một công ty trách nhiệm hữu hạn làm chi nhánh điều hành, có khả năng bảo vệ hơn nữa những giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận khỏi nhà đầu tư.
Ngay cả khi các nhà đầu tư tìm ra cách khởi kiện, Paul Weitzel cho biết họ sẽ rơi vào thế yếu. Các công ty có toàn quyền theo luật để đưa ra các quyết định kinh doanh, thậm chí cả những quyết định bất lợi.
"Bạn có thể sa thải những người sáng lập có tầm nhìn xa", Paul Weitzel nói. Apple từng sa thải Steve Jobs vào những năm 1980 trước khi đưa ông trở lại khoảng một thập kỷ sau đó.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement