01/12/2022 17:40
Bi kịch đánh mất Crimea của Ukraina
Tuy nhiên, trong bài viết trên trang mạng "Responsible Statecraft" gần đây, Giáo sư chính trị học Nicolai Petro, làm việc tại Đại học Rhode Island, nhận định đây là mục tiêu khó khả thi bởi nhiều lý do bắt nguồn từ lịch sử.
Nicolai Petro, tác giả tập sách xuất bản trong tháng 12/2022, có tựa đề: "The Tragedy of Ukraina: What Classical Greek Tragedy Can Teach Us About Conflict Resolution" (tạm dịch "Tấn bi kịch Ukraina: Bi kịch Hy Lạp cổ điển nào có thể dạy chúng ta về cách giải quyết xung đột"), nhắc lại rằng vào năm 1954, bán đảo Crimea được chuyển giao từ Liên bang CHXHCN Xô Viết Nga cho CHXHCN Xô Viết Ukraina như là một "món quà" dành cho nhân dân Ukraina nhân kỷ niệm 300 năm Hiệp ước Pereyaslav Rada về việc Ukraina gia nhập Nga.
Tuy nhiên, điều ít được biết đến là vào tháng 1/1991, khi Liên bang Xô Viết tan rã, chính quyền Crimea quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về việc khôi phục quyền tự trị của bán đảo này.
Sự do dự
Kết quả là có tới 84% người dân đăng ký tham gia cuộc trưng cầu ý dân, với 93% lá phiếu ủng hộ cho quyền chủ quyền của Crimea. Điều này đã mở ra cánh cửa cho khả năng tách Crimea khỏi cả Liên Xô lẫn CHXHCN Xô Viết Ukraina, mở đường cho phép bán đảo này tham gia hiệp ước liên minh được Mikhail Gorbachev đề nghị sau này với tư cách thành viên độc lập.
Ngày 12/2/1991, cơ quan lập pháp của CHXHCN Xô Viết Ukraina đã công nhận những kết quả trưng cầu ý dân. Ngày 4/9/1991, Quốc hội Cộng hòa Crimea tự trị (ACR) tuyên bố quyền chủ quyền của vùng, nói rằng họ có ý định hình thành một quốc gia dân chủ có chủ quyền bên trong Ukraina. Tháng 12/1991, 54% người dân Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập với Ukraina, với tỷ lệ tham gia bỏ phiếu là 65%, mức thấp nhất so với các khu vực khác tại Ukraina.
Tuy nhiên, từ đây 2 phía đã có những diễn giải hoàn toàn đối nghịch về ý nghĩa chủ quyền của Crimea. Simferopol, thủ phủ của Crimea, muốn có chủ quyền, trong khi Kiev muốn đây là một hình thức tự trị yếu ớt trong một quốc gia thống nhất mà ở đó, ngôn ngữ và văn hóa Ukraina phải là một chuẩn mực.
Ngày 5/5/1992, Quốc hội ACR tuyên bố hoàn toàn độc lập khỏi Ukraina và thông báo một cuộc trưng cầu ý dân mới sẽ được tổ chức vào tháng 8/1992. Đáp trả, Quốc hội Ukraina tuyên bố nền độc lập của Crimea là bất hợp pháp và cho phép Tổng thống Leonid Makarovych Kravchuk sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn.
Sau 2 tuần bế tắc, Quốc hội Crimea từ bỏ tuyên bố độc lập để đổi lấy việc đàm phán chuyển giao một phần quyền lực từ Kiev cho Simferopol. Bán đảo Crimea được cho phép có tổng thống và thủ tướng cũng như quyền tổ chức trưng cầu ý dân riêng trong vùng.
Khủng hoảng đã được đẩy lui nhưng chỉ là tạm thời vì thực tế người ta không giải quyết được vấn đề cốt lõi là khát vọng của phần lớn người dân Crimea muốn là một phần của Nga hơn là Ukraina.
Ba năm sau các sự kiện này, Crimea có Hiến pháp mới, công nhận Ukraina là ngôn ngữ chính thức tại Crimea và quy định Crimea là một phần lãnh thổ không thể chuyển nhượng của Ukraina. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 2018, Thủ tướng cuối cùng tại Crimea do Ukraina bổ nhiệm Anatoly Mogiloyv cho rằng Crimea luôn là "một vùng thuộc Nga" và rằng ông đã nhiều lần cảnh báo Kiev về khả năng khu vực này ngả theo Nga nếu không được trao thêm quyền tự trị.
Khát vọng "về với Nga"
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/3/2014, tuy diễn ra với những cáo buộc và hoài nghi, thực tế lại không gây ngạc nhiên. Từ năm 2014, một số cuộc thăm dò do phương Tây tài trợ cũng cho thấy mức độ ủng hộ hợp nhất với Nga là khá cao tại khu vực này.
Cuộc khảo sát do Trung tâm Pew thực hiện vào tháng 4/2014 cho thấy có đến 91% người dân Crimea tin tưởng cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 là tự do và công bằng. Tháng 6/2014, thăm dò của viện Gallup ghi nhận gần 83% người dân Crimea (trong đó 94% là người Nga và 68% người Ukraina) nghĩ rằng trưng cầu ý dân năm 2014 phản ảnh lập trường của người dân.
Cuộc khảo sát mùa Xuân năm 2017 được Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Đông Âu, trụ sở tại Đức, thực hiện cũng ghi nhận khả năng nếu được yêu cầu bỏ phiếu lại một lần nữa, 79% trong số những người tham gia tuyên bố họ vẫn sẽ làm điều tương tự.
Đáng chú ý nhất là sự thay đổi thái độ của tộc người Tatar tại Crimea. Báo cáo của "Foreign Affairs" năm 2020 chỉ ra rằng tỷ lệ người Tatars có quan điểm "trở thành một phần của Nga sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn" đã tăng vọt từ mức 50% trong năm 2014 lên 81% vào năm 2019.
Nhiều chính khách hàng đầu cũng như nhiều người nổi tiếng tại Ukraina, bao gồm cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yushchenko, nhà văn Vasyl Shklyar và Yuri Andrukhovych xem Crimea như là một "kẻ xa lạ" với Ukraina và miêu tả chủ nghĩa đa văn hóa của khu vực như là một mối đe dọa cho chủ nghĩa dân tộc Ukraina mà họ đang nỗ lực tạo dựng.
Sau năm 2013, nhiều người đã đề xuất nên để vùng này đi theo con đường riêng. Tuy nhiên, Boris Babin, đại diện thường trực của Tổng thống Poroshenko tại Crimea thời điểm đó, cho rằng nguy cơ của quyết định này nằm ở chỗ "nếu không giải phóng Crimea và phía Đông về mặt quân sự, toàn bộ Ukraina sẽ trở thành miền Đông và Crimea".
Có thể nói, lịch sử Crimea từ năm 1991 là một minh chứng sống động cho thấy chủ nghĩa dân tộc có thể khiến giới chóp bu sa lầy như thế nào. Dù hiểu rõ nguyện vọng tự trị lâu đời của khu vực, các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc tại Kiev lại chọn phớt lờ hoặc trấn áp chúng.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement