Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ông Putin lâm vào thế kẹt khi chiến sự Nga - Ukraina lan đến Crimea

Quân sự

19/08/2022 12:56

Crimea, bán đảo chiến lược ở miền Nam Ukraina bị Nga chiếm năm 2014 vốn không hề hấn gì vào đầu cuộc chiến, nay đang trong tầm ngắm của Kiev.
news

Một kho đạn lớn ở phía Tây đã bị nổ tung ngày 16/8, và trước đó vào ngày 9/8, một phi trường quân sự đã bị tấn công. Ukraina liệu có sử dụng máy bay không người lái, cử lực lượng đặc nhiệm xâm nhập hoặc sử dụng tên lửa tự sản xuất được nâng cấp bằng công nghệ của đồng minh trong các cuộc tấn công này hay không?

Crimea không còn yên tĩnh

Hôm 9/8, nhiều vụ nổ đã phá hủy kho đạn của không quân Nga ở Bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng do "vi phạm quy định phòng cháy". Nhưng theo CNN, ảnh vệ tinh cho thấy phi trường bị thiệt hại nặng, có 7 máy bay chiến đấu bị phá hủy, trong đó có tiêm kích Su-30 và máy bay ném bom Su-24.

Một tuần sau đó, kho đạn chiến lược ở làng Maiskoie bị nổ lớn vào sáng sớm 16/8, gây thiệt hại trong khu vực rộng vài trăm mét. Thống đốc "Cộng hòa Crimea" cho biết có hai người bị thương và phải sơ tán hơn 3.000 dân, đường sắt nối bán đảo với Nga ở gần đó cũng bị ảnh hưởng khiến việc vận chuyển hành khách và hàng hóa phải ngừng lại.

Ông Putin lâm vào thế kẹt khi chiến sự Nga - Ukraina lan đến Crimea - Ảnh 1.

Khói bốc lên tại một kho đạn của quân đội Nga gần làng Mayskoye, Crimea, ngày 16/8/2022. Ảnh: AP

Máy bay không người lái, đặc nhiệm hay tên lửa "nội hóa" của Ukraina?

Tuy đã lấp liếm rằng vụ Ukraina tấn công căn cứ không quân Saky chỉ là tai nạn, lần này Moskva phải thông báo vụ kho đạn Djankoi bị nổ là "hành động phá hoại", nhưng không cho biết cụ thể. 

Kiev xác nhận vụ nổ, nhưng không thừa nhận đã tấn công. Trên lý thuyết, các địa điểm ở Crimea bị nhắm đến đều nằm ngoài tầm oanh kích của quân đội Ukraina. Căn cứ không quân Saky và kho đạn Djankoi cách tiền tuyến hơn 200 km, quá xa đối với giàn phóng rocket đa nòng Himars có tầm bắn 80 km. 

Washington cũng tái khẳng định không viện trợ cho Ukraina tên lửa đạn đạo ATACMS có thể bắn xa 300 km.

Giả thiết Ukraina dùng máy bay không người lái hoặc lực lượng đặc nhiệm xâm nhập cũng không thuyết phục được các chuyên gia quân sự. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng Ukraina đã sử dụng các tên lửa nội địa được nâng cấp bằng công nghệ của đồng minh. 

Một số thậm chí nêu rõ "2 hoặc 3 giàn phóng" do Công ty hàng không Yuzhnoye State Design Office của Ukraina chế tạo, có thể bắn tên lửa đạn đạo trang bị hệ thống dẫn đường của các nước đồng minh.

Điều chắc chắn duy nhất là các vụ tấn công vào Crimea nằm trong chiến lược của Ukraina nhằm quấy phá các tuyến đường và kho hậu cần của Nga ở hậu phương, nhờ có các giàn phóng rocket của phương Tây. 

Yohann Michel, chuyên gia nghiên cứu của Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS) khẳng định: "Crimea là một căn cứ hậu cần rất quan trọng với Nga, nơi họ đã tập trung vô số vật liệu kể từ đầu năm 2021 để cung ứng cho toàn bộ mặt trận miền Nam Ukraina, từ Kherson đến Zaporijia".

Cột khói bốc lên sau loạt vụ nổ lớn ở Crimea ngày 9/8. Nguồn: RT

Kiev gây áp lực lên hạm đội Biển Đen, không từ bỏ mục tiêu tái chiếm Crimea

Khi đánh vào các kho đạn và đường xe lửa, quân đội Ukraina hy vọng buộc Nga phải giảm tiếp viện cho chiến trường, rút ngắn khoảng cách về hỏa lực mà họ phải chịu đựng từ đầu cuộc chiến.

Các cuộc tấn công cũng gây áp lực lên hạm đội Nga ở Biển Đen. Đóng tại Sévastopol ở Tây Nam Crimea, hạm đội này phong tỏa đường biển khiến Ukraina không thể xuất khẩu ngũ cốc. Các chiến hạm và tàu ngầm Nga cũng bắn tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Ukraina.

Tấn công sâu vào Crimea có thể buộc Moskva phải dời các chiến hạm xa khỏi quân cảng nằm cách tiền tuyến 250 km. Bộ Quốc phòng Anh hôm 16/8 nhận xét hành động này sẽ hạn chế chiến lược xâm lược của Nga, nhất là vô hiệu hóa mối đe dọa đổ bộ vào Odessa. Nhờ đó, Ukraina có thể tập trung nguồn lực để gia tăng sức ép lên bộ binh Nga ở những nơi khác.

Ngoài ra, các vụ tấn công còn mang tính chính trị: chứng tỏ Ukraina không từ bỏ mục tiêu tái chiếm Crimea dù đã bị Nga chiếm đóng suốt 8 năm qua. Nhà báo Tetyana Ogarkova, phụ trách tin tức quốc tế tại Trung tâm Truyền thông Khủng hoảng Ukraina ở Kiev, khẳng định nhờ đó tinh thần của người Ukraina lên rất cao. 

Nga đã xây dựng Crimea thành pháo đài bất khả xâm phạm, nhưng nay người Ukraina chứng minh rằng họ không còn sợ hãi nữa. Khi tấn công Ukraina, Nga đã phạm sai lầm chiến lược. Mỗi ngày trôi qua, người dân Ukraina càng nung nấu quyết tâm thu hồi tất cả lãnh thổ bị chiếm, kể cả Donbass và Crimea.

Ông Putin lâm vào thế kẹt khi chiến sự Nga - Ukraina lan đến Crimea - Ảnh 5.

Tàu chiến Nga phong tỏa các cảng của Ukraina và các thành phố bị pháo kích vảo thời điểm đầu cuộc chiến. Ảnh: Getty

Crimea - Thách thức của Zelensky

Moscow đã sáp nhập Crimea vào năm 2014 chỉ trong hai tuần, sau cuộc cách mạng Maidan khiến Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich mất chức. Nhờ đó Nga có được sự hiện diện quân sự chiến lược trên Biển Đen, khiến Ukraina khó gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Tại Crimea, tất cả cư dân đều được cấp quốc tịch Nga, thậm chí bắt buộc. Theo thời gian, người dân rốt cuộc coi bán đảo này không còn thuộc về Ukraina.

Một bước ngoặt đã diễn ra vào tháng 2/2021, xuất phát từ sáng kiến của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Nhà lãnh đạo Ukraina lập ra "nền tảng Crimea" nhằm đưa chủ đề này ra thảo luận tại diễn đàn quốc tế, phối hợp thương lượng để "góp phần giải tỏa tình trạng chiếm đóng" bán đảo. 

Hội nghị quốc tế đầu tiên ngày 23/8/2021 tập hợp 46 đại diện từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, đã lên án vụ sáp nhập này. Hội nghị thứ hai sẽ diễn ra vào cuối tuần này, đúng một năm sau, trong bối cảnh căng thẳng cực độ - 6 tháng sau cuộc xâm lược và Crimea bắt đầu rơi vào cuộc chiến.

Trong bài xã luận "Thách thức của Zelensky tại Crimea", báo Le Monde (Pháp) nhận định không có gì lay chuyển được quyết tâm của Tổng thống Zelensky, dù bị kẻ xâm lược hùng mạnh áp đặt một cuộc chiến tranh bất đối xứng suốt nửa năm qua. 

Ông Putin lâm vào thế kẹt khi chiến sự Nga - Ukraina lan đến Crimea - Ảnh 7.

Ukraina đe dọa tấn công cầu Crimea dài nhất châu Âu của Nga.

Hai vụ tấn công liên tiếp mà Kiev không chính thức nhận trách nhiệm, đã viết nên một phiên bản mới: cuộc xâm lược không phải bắt đầu từ ngày 24/2/2022 mà tận 8 năm trước, ngày 27/2/2014 khi Nga chiếm Crimea, và sau đó hợp thức hóa bằng cuộc "trưng cầu ý dân" chưa bao giờ được Liên hợp quốc công nhận.

Khi cố gắng đặt lại số phận Crimea trên bản đồ quân sự và lập ra "Hội đồng về giải tỏa tình trạng chiếm đóng", Zelensky chứng tỏ sự táo bạo. Với tuyên bố ngày 9/8 rằng "cuộc chiến ở Ukraina bắt đầu từ Crimea và sẽ phải kết thúc bằng việc giải phóng Crimea", ông đã đưa ra một lá bài mới. 

Tổng thống Putin một lần nữa phải tính đến sự bền bỉ của Kiev. Đã lỡ coi Crimea là lằn ranh đỏ, Putin không có cách nào khác là phải lên tiếng nếu các cuộc tấn công được cho là của Ukraina tiếp tục, và như vậy sẽ làm nổi rõ cuộc chiến mà ông muốn che giấu với dân chúng.

Mỹ ủng hộ Ukraina tấn công Crimea?

Tờ Politico hôm 18/8 dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ coi các cuộc tấn công của Ukraina vào Crimea là công bằng và nhằm "mục đích tự vệ".

Khi được Politico hỏi liệu chính quyền Tổng thống Biden có coi bán đảo Crimea là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraina hay không, quan chức này cho biết: "Crimea là của Ukraina".

Crimea trong quá khứ từng thuộc Nga nhưng do Ukraina quản lý khi nước này tách ra khỏi Liên Xô thành quốc gia độc lập vào năm 1991. Ukraina quản lý Crimea từ năm 1991 đến năm 2014, trước khi Crimea được Nga sáp nhập sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Cũng theo Politico, quan chức chính quyền Ukraina nói rằng "thông điệp ủng hộ" từ chính quyền Biden "đã đến được Kiev". Trước đó, cũng trong ngày 18/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Aleksey Reznikov nói với đài VOA rằng cam kết của Kiev không tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây là "không bao gồm Crimea", và rằng Washington không phản đối các cuộc tấn công của Ukraina tại đó.

Ukraina chưa trực tiếp xác nhận trách nhiệm về các vụ tấn công gần đây, nhưng sau sự cố tại sân bay Saki, Tổng thống Ukraina Vladimir Zelensky ra tuyên bố rằng cuộc xung đột hiện nay chỉ kết thúc khi Kiev giành lại được Crimea.

Thăm dò ý kiến

Chiến sự Nga - Ukraina: Ai sẽ thắng?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

(Nguồn: Reuters/CNN/RFI)

GIA KIỆT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ