Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ba nguyên nhân đẩy Ấn Độ đến vực thẳm dịch bệnh

Phân tích

24/04/2021 16:20

Số ca COVID-19 tại Ấn Độ tăng vọt trong thời gian ngắn, do các biến thể lây lan nhanh, chiến dịch tiêm chủng không hiệu quả, sự chủ quan của chính phủ và cộng đồng.

Biểu đồ số ca nhiễm theo ngày tại Ấn Độ kể từ 1/1/2021 đến ngày 23/2/2021. Ảnh: Our World In Data

Biểu đồ số ca nhiễm theo ngày tại Ấn Độ kể từ 1/1/2021 đến ngày 23/2/2021. Ảnh: Our World In Data

Sagar Kishore Naharshetivar lái chiếc xe tải quanh miền nam Ấn Độ chở cha mình nằm phía sau với một bình oxy y tế.

Cha anh mắc COVID-19 và cần được điều trị khẩn cấp. Tuần qua, cả hai đã đến các bệnh viện tại ba thị trấn khác nhau, băng qua nhiều bang từ Maharashtra đến Telangana. Tất cả bệnh viện đều kín chỗ.

"Chúng tôi không thể tìm được giường cho ông ấy, nhưng cũng không thể đưa ông về nhà trong tình trạng này", Naharshetivar nói. Anh cho biết cả hai đã lái xe suốt 24 giờ. Nhìn lại cha mình, anh lo lắng: "Ông ấy sắp chết".

Ở thủ đô New Delhi cách đó 1.200 km, nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong trên cáng bên ngoài bệnh viện. Tại Gujarat, đầu kia đất nước, một người đàn ông khóc nức nở bên thi thể người thân trong bãi đỗ xe.

Trên biểu đồ, trong khoảng thời gian ngắn, kể từ tháng 3 đến tháng 4, đường biểu thị ca nhiễm tại Ấn Độ đột ngột dựng thẳng đứng theo trục tung, thay vì dốc thoải như các nước khác. Tình trạng này diễn ra ngay sau khi số trường hợp dương tính thấp kỷ lục hồi tháng 2. Các cuộc tranh luận về lý do khiến số ca nhiễm ở Ấn Độ tăng quá nhanh đồng loạt nổ ra.

Các chuyên gia chỉ ra ba nguyên nhân chính: sự chủ quan của cả chính phủ và cộng đồng, biến thể nCoV có đột biến kép và chương trình vaccine không hiệu quả.

Đầu tháng 2, Ấn Độ dường như đã kiểm soát được COVID-19. Số ca nhiễm theo ngày ở mức hơn 10.000 người - được coi là thấp đối với một đất nước 1,3 tỷ dân. Chính phủ chủ quan và không chuẩn bị trước cho một kịch bản tồi tệ có thể xảy ra.

"Cả công chúng lẫn những nhà hoạch định chính sách đều chung một niềm tin, rằng Ấn Độ sẽ không có làn sóng COVID-19 thứ hai. Tiếc thay, điều này khiến họ buông lỏng cảnh giác. Rõ ràng là quyết định mở cửa du lịch, tiến hành bầu cử, hội họp tôn giáo và đám cưới đã dẫn đến nhiều cụm siêu lây nhiễm", tiến sĩ K. Srinath Reddy, chuyên gia dịch tễ, y tế cộng đồng, cố vấn chính phủ về đại dịch, nhận định.

Khi số ca nhiễm giảm từ tháng 9/2020 đến giữa tháng 2/2021, chính phủ Ấn Độ phớt lờ cảnh báo về đợt bùng phát thứ hai. Trong khi thực tế, biến thể nCoV được phát hiện từ hồi tháng 1, theo báo cáo của truyền thông địa phương.

Sau làn sóng COVID-19 đầu tiên, các bệnh viện tập trung xử lý các ca bệnh khác từng bị bỏ quên. Nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ đã lỡ mất thời điểm vàng để củng cố hệ thống y tế của cả nước.

Tháng 3, vài tuần trước đợt bùng phát mới, Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan tuyên bố Ấn Độ đang trong "giai đoạn cuối" của dịch COVID-19. Nước này bắt đầu xuất khẩu lượng lớn nguồn vật tư y tế. Ấn Độ phân phối lượng oxy y tế khổng lồ (tăng 738% sản lượng) cho nhiều quốc gia và cung ứng 193 triệu liều vaccine COVID-19.

Đến nay, đất nước đối mặt với tình trạng thiếu oxy và một chiến dịch tiêm chủng chậm chạp.

Sau một năm mệt mỏi vì Covid-19, người Ấn Độ hưng phấn thái quá về viễn cảnh miễn dịch cộng đồng khi dịch mới tạm lắng. Ngày 1/4, 3,5 triệu tín đồ Hindu giáo tụ tập ngâm mình tại bờ sông Hằng, bang Uttarakhand trong lễ hội Kumbh Mela hàng năm. Sự kiện sớm tạo ra cụm dịch siêu lây nhiễm. Sau vài tuần, nó đẩy số ca mắc mới theo ngày ở Uttarakhand tăng từ 30-60 (vào tháng 2) lên 2.000-2.500 (vào tháng 4).

Ở Bengal, bang đang bầu chính phủ mới, cuộc bỏ phiếu kéo dài từ ngày 27/3 đến ngày 29/4 thu hút đám đông tụ tập, một số nơi xảy ra biểu tình. Ngày 1/4, bang ghi nhận 12.000 trường hợp dương tính mới, con số dự kiến tăng lên 20.000 vào cuối tuần này.

Người dân Ấn Độ tụ tập ngâm mình trên sông Hằng trong lễ Kumbh Mela ở Haridwar, ngày 14/4. Ảnh: Reuters

Người dân Ấn Độ ngâm mình trên sông Hằng trong lễ Kumbh Mela ở Haridwar, ngày 14/4. Ảnh: Reuters

Các biến thể xuất hiện hàng loạt cũng khiến số ca nhiễm tại Ấn Độ tăng nhanh chóng.Tháng trước, Bộ Y tế thông báo đã phát hiện tổng cộng 771 biến thể, gồm cả biến thể Anh, Nam Phi, Brazil và B.1.617 có đột biến kép.

B.1.617 được cho là sẽ gây ra đợt bùng phát mới ở Bangladesh và Pakistan. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada và Anh khuyến nghị người dân không đi du lịch đến khu vực này.

Theo Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, Đại học Washington, dữ liệu từ các xét nghiệm huyết thanh đại trà cho thấy nhiều người từng nhiễm các biến thể có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine.

Theo chuyên gia dịch tễ Rajib Dasgupta, chủ tịch Trung tâm Y học xã hội & Sức khỏe cộng đồng tại Đại học Jawaharlal Nehru, trong các đại dịch, làn sóng lây nhiễm thứ hai thường lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Đây là xu hướng phát triển có tính lịch sử. Khi xuất hiện biến thể mới, các nhà khoa học cần điều tra yếu tố dịch tễ, chuyển các nguồn lực quan trọng đến khu vực bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Rakesh Mishra, giám đốc Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử, cho rằng hành vi của con người vẫn là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ. Viện nghiên cứu của bà phát hiện biến thể mang đột biến kép chỉ gây ra khoảng 10% số ca nhiễm trên toàn quốc. Tại Maharashtra, nơi biến thể lây lan rộng rãi nhất, nó chỉ chiếm khoảng 30% số trường hợp dương tính.

Chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ cũng kém hiệu quả. Nỗi lo ngại của cộng đồng đối với vaccine tăng lên khi các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin về các ca nhiễm nCoV sau tiêm phòng. Hôm 20/4, chính phủ công bố dữ liệu cho thấy chỉ khoảng 0,03-0,04% người đã tiêm chủng xét nghiệm dương tính nCoV, song điều này không làm dịu nỗi lo ngại của một bộ phận dân cư.

Khi dịch bệnh tạm lắng, Ấn Độ đã chuyển 100 triệu liều vaccine đến các nước khó khăn. Tuần trước, chính phủ cho biết kho dự trữ quốc gia chỉ còn 27 triệu liều, đủ để tiêm thêm khoảng 9 ngày. Với hơn 1,3 tỷ người, Ấn Độ đã tiêm khoảng 132 triệu liều vaccine, tức là dưới 10% dân số đã tiêm một liều, khoảng 2% đã tiêm hai liều.

THỤC LINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement