Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Apple gặp rắc rối lớn với nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc

Doanh nghiệp

27/11/2022 15:33

Cuộc phản đối dẫn đến bạo lực của các công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới trong tuần này ở miền Trung Trung Quốc tiếp tục tạo ra căng thẳng cho Apple và nó cho thấy chính sách kiểm soát nghiêm ngặt COVID của Trung Quốc đang gây tổn hại cho các công ty công nghệ toàn cầu như thế nào.

Rắc rối bắt đầu từ tháng trước khi các công nhân rời khỏi khuôn viên nhà máy ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, do lo ngại về Covid.

Để đối phó với việc thiếu nhân lực, nhà máy này đã cho biết sẽ thưởng tiền cho những người quay trở lại làm việc.

Nhưng các cuộc biểu tình đã nổ ra trong tuần này khi các nhân viên nói rằng ban quản lý đã không giữ lời hứa của họ. Các công nhân, những người đã đụng độ với các nhân viên an ninh, cuối cùng đã được cung cấp tiền mặt để nghỉ việc và rời đi.

Các nhà phân tích cho biết, những khó khăn mà công ty sản xuất theo hợp đồng với Apple, Công ty Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang các nước lân cận, chẳng hạn như Ấn Độ.

Apple gặp rắc rối lớn với nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Lực lượng an ninh đụng độ với công nhân trong một cuộc biểu tình bên ngoài nhà máy Foxconn, một nhà nhà cung cấp sản phẩm cho Apple tại Trịnh Châu, Trung Quốc, vào ngày 23 tháng 11.

Daniel Ives, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại Wedbush Securities, nói với CNN Business rằng, việc ngừng sản xuất đang diễn ra tại Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, miền Trung Trung Quốc là một "chướng ngại vật" đối với Apple.

"Mỗi tuần xảy ra tình trạng ngừng hoạt động và tình trạng bất ổn này, chúng tôi ước tính rằng Apple sẽ thiệt hại khoảng 1 tỷ USD do doanh số bán hàng iPhone bị mất. Hiện tại, khoảng 5% doanh số bán iPhone 14 có thể thực hiện do những đợt đóng ở Trung Quốc", ông nói.

Ives cho biết, nhu cầu đối với các đơn vị iPhone 14 trong ngày mua sắm Black Friday cao hơn nhiều so với nguồn cung và điều này có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lớn cho đến Giáng sinh, đồng thời cho biết thêm rằng sự gián đoạn tại Foxconn, bắt đầu từ tháng 10, là một "cú đấm" lớn đối với Apple.

Trong một ghi chú hôm thứ Sáu, Ives cho biết các đợt kiểm tra cửa hàng vào ngày Black Friday cho thấy tình trạng thiếu iPhone trên diện rộng.

"Dựa trên phân tích của chúng tôi, chúng tôi tin rằng tình trạng thiếu hụt iPhone 14 Pro đã trở nên tồi tệ hơn nhiều so với tuần qua do lượng hàng tồn kho rất thấp", ông viết. "Chúng tôi tin rằng nhiều cửa hàng Apple hiện đang thiếu iPhone 14 Pro… thấp hơn tới 25% -30% so với bình thường khi bước vào một tháng 12".

Ming-Chi Kuo, một nhà phân tích tại TF International Securities, đã viết trên Twitter rằng hơn 10% năng lực sản xuất iPhone toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi tình hình tại nhà máy Trịnh Châu.

Sự bùng phát COVID cản trở sản xuất

Đầu tháng này, Apple cho biết các lô hàng của dòng iPhone mới nhất sẽ bị "ảnh hưởng tạm thời" bởi các hạn chế của Covid tại Trung Quốc. Gã khổng lồ công nghệ này cho biết, cơ sở lắp ráp của mình ở Trịnh Châu, nơi thường có khoảng 200.000 công nhân, "hiện đang hoạt động với công suất giảm đáng kể," do các biện pháp hạn chế của Covid.

Nhà máy sản xuất ở Trịnh Châu đã phải vật lộn với đợt bùng phát Covid từ giữa tháng 10 khiến công nhân hoảng sợ tháo chạy. Video về những người rời Trịnh Châu đi bộ đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào đầu tháng 11, buộc Foxconn phải tăng cường các biện pháp để đưa nhân viên của mình trở lại làm việc.

Apple gặp rắc rối lớn với nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Hình ảnh đoàn công nhân rời khỏi nhà máy ở Trịnh Châu.

Để thu hút công nhân, công ty cho biết họ đã tăng gấp bốn lần tiền thưởng hàng ngày cho công nhân tại nhà máy trong tháng này. Một tuần trước, truyền thông nhà nước đưa tin 100.000 người đã được tuyển dụng thành công cho các vị trí còn trống.

Nhưng vào tối thứ Ba, hàng trăm công nhân, chủ yếu là những người mới được tuyển dụng, bắt đầu phản đối các điều khoản của các gói thanh toán cũng như về điều kiện sống và làm việc. Việc phản đối ngày càng trở nên bạo lực hơn vào ngày hôm sau khi các công nhân đụng độ với một số lượng lớn lực lượng an ninh.

Đến tối thứ Tư, đám đông đã tạm thời dịu xuống và những người phản đối đã quay trở lại ký túc xá của nhà máy Foxconn sau khi công ty đề nghị trả cho những công nhân mới được tuyển dụng 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD), tương đương hai tháng lương, để nghỉ việc và rời khỏi nhà máy.

Cơ hội cho Ấn Độ và Việt Nam

Trong một tuyên bố gửi tới CNN Business hôm thứ Năm sau khi các cuộc biểu tình lắng xuống, Apple cho biết họ đã cử một đội nhân viên đến cơ sở Trịnh Châu để hợp tác chặt chẽ với Foxconn nhằm đảm bảo các mối lo ngại của nhân viên được giải quyết.

Ngay cả trước các cuộc biểu tình diễn ra trong tuần này, Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ, trong một nỗ lực tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Thông báo vào cuối tháng 9 đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chiến lược của hãng này và được đưa ra vào thời điểm các công ty công nghệ Mỹ đang tìm kiếm các giải pháp thay thế Trung Quốc, công xưởng của thế giới trong nhiều thập kỷ.

Tạp chí Phố Wall đã đưa tin trước đó rằng công ty đang tìm cách thúc đẩy sản xuất ở các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ và một trong những lý do chính sách nghiêm ngặt về Covid của Trung Quốc.

Kuo cho biết trên Twitter rằng ông tin Foxconn sẽ tăng tốc độ mở rộng năng lực sản xuất iPhone ở Ấn Độ do Trịnh Châu bị phong tỏa và dẫn đến các cuộc biểu tình.

Ông dự đoán, việc sản xuất iPhone của Foxconn ở Ấn Độ sẽ tăng ít nhất 150% vào năm 2023 so với năm 2022 và mục tiêu dài hạn iPhone sản xuất tại Ấn Độ sẽ chiếm từ 40% đến 45% so với dưới 4 % tại thời điểm này.

(CNN)

N.MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement