05/07/2022 07:43
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trong 6 tháng đầu năm
Thị trường nông sản hôm nay không có nhiều biến động, trong khi báo cáo cho thấy, xuất khẩu cà phê cua Việt Nam tăng hơn 20% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng hơn 20%
Giá cà phê trong nước hôm nay cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 42.400 đồng/kg, thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 41.800 đồng/kg.
Tại Gia Lai là 42,300 đồng/kg, Đắk Nông: 42,300 đồng/kg, Kon Tum: 42,300 đồng/kg, tại cảng TP.HCM: 46,300 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2022 giảm 27 USD/tấn ở mức 1.991 USD/tấn, giao tháng 9/2022 giảm 27 USD/tấn ở mức 2.006 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 giảm 5,15 cent/lb, ở mức 228,45 cent/lb, giao tháng 9/2022 giảm 5,45 cent/lb, ở mức 224,65 cent/lb.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng tới 21,7% so với cùng kỳ, trong bối cảnh Brazil vừa hoàn tất thu hoạch vụ mùa Conilon robusta năm nay với dự kiến sản lượng đạt mức kỷ lục 17,72 triệu bao, theo khảo sát lần 2 của Conab.
Tại Việt Nam, sản lượng dự báo đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là robusta.
Mùa mưa bắt đầu sớm hơn những năm trước giúp cà phê ra hoa và phát triển tốt, đồng thời điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường cũng giúp giảm chi phí tưới tiêu.
Tuy nhiên, giá phân bón tăng vọt lên tới 70% trong 6 tháng qua trong khi giá cà phê trong nước vẫn đi ngang khiến nông dân giảm sử dụng phân bón, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm năng suất và sản lượng so với năm trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 1 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống 25 triệu bao và tồn kho cuối kỳ gần như không đổi ở mức 3,5 triệu bao.
Giá tiêu đi ngang
Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai - hai địa phương có thấp nhất thị trường - ở mức 69.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk: 70.500 đồng/kg; Bình Phước: 71.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu: 72.000 đồng/kg.
Theo nhận định của chuyên gia, giá cả hầu hết các thị trường hàng hóa đang tạm thời chùng lại, do đầu cơ rút vốn vì lo ngại rủi ro sẽ tăng cao trước phiên họp chính sách tiền tệ tháng 7 của Fed. Nhiều nguồn tin cho biết Fed sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong phiên họp tới.
Việc tăng lãi suất của Fed thu hút các nhà đầu tư rút tiền ở các thị trường mới nổi còn nhiều rủi ro như Việt Nam quay về đầu tư tại Mỹ, hoặc các thị trường phát triển khác nhằm giảm thiểu rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn.
Tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD) sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu.
Về trung hạn, có ý kiến nhận định thị trường sẽ tăng trở lại vào giữa quý III, khi nhu cầu nhập khẩu cho những kỳ lễ hội cuối năm và dịp Tết ở các quốc gia tăng cao. Ngoài ra xuất khẩu của Việt Nam còn kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc hấp thụ thêm khoảng 30.000 - 40.000 tấn hồ tiêu trong nửa còn lại của năm 2022.
Giá cao su tăng
Giá cao su kỳ hạn biến động theo chiều hướng tăng trên hai sàn TOCOM và SHFE, tuy nhiên mức tăng không quá 1%.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 là 257,9 JPY/kg, tăng 4,3 JPY, tương đương 1,70%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 95 CNY/kg, lên mức 12.865 CNY/tấn, tương đương 0,74%.
Nửa cuối tháng 6/2022, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á tăng mạnh trở lại sau khi giảm trong nửa đầu tháng, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su giảm xuống mức 248,8 Yên/kg vào ngày 16/6/2022, sau đó giá có xu hướng tăng mạnh trở lại. Ngày 28/6/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 7/2022 giao dịch ở mức 262 Yên/kg (tương đương 1,93 USD/kg), tăng 7,6% so với cuối tháng 5/2022 và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su đã giảm xuống mức 12.400 NDT/tấn vào ngày 22/6/2022, sau đó liên tục tăng trở lại tới cuối tháng 6/2022, nhưng vẫn giảm so với cuối tháng 5/2022. Ngày 28/6/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 7/2022 ở mức 12.795 NDT/tấn (tương đương 1,91 USD/kg), giảm 2,3% so với cuối tháng 5/2022 và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan, giá giảm mạnh so với cuối tháng 5/2022. Ngày 28/6/2022, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 66 Baht/kg (tương đương 1,88 USD/kg), giảm 8,2% so với cuối tháng 5/2022, nhưng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021. Giá thấp do nguồn cung cao trong mùa cao điểm khai thác mủ ở Thái Lan.
Giá cao su Nhật Bản chạm mức cao nhất trong hai tuần do thị trường chứng khoán Tokyo mạnh lên và nhu cầu cao su tự nhiên tại Trung Quốc trong tháng 6/2022 được cải thiện hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên đà tăng vẫn bị hạn chế bởi nguồn cung của Thái Lan tăng do vào đợt khai thác mủ. Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong tháng 5/2022, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu tiếp tục cải thiện, với sản lượng đạt 991 nghìn tấn, tăng 5,3% so với tháng 4/2022; trong khi nhu cầu ước tính đạt 1,189 triệu tấn. Do đó nguồn cung thiếu hụt khoảng 198 nghìn tấn. ANRPC dự báo nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu trong các năm tới.
Trong tháng 6/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước giảm so với cuối tháng 5/2022. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 300-323 đồng/ TCS, giảm từ 5-22 đồng/TCS so với cuối tháng 5/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 323-325 đồng/ TSC, giảm 15-17 đồng/TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 295-305 đồng/TSC, giảm 10 đồng/TSC so với cuối tháng 5/2022.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp