02/07/2022 07:27
Thị trường nông sản cuối tuần ảm đạm
Thị trường nông sản hôm nay ảm đạm khi giá các loại cà phê, cao su, hồ tiêu đều ghi nhận xu hướng giảm cả thị trường trong nước và quốc tế.
Giá cà phê quay đầu giảm
Giá cà phê trong nước sáng nay quay đầu giảm. Cụ thể tại tỉnh Đắk Lắk là 42.800 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 42.200 đồng/kg, Gia Lai: 42.700 đồng/kg, Đắk Nông: 42.700 đồng/kg, Kon Tum: 42.700 đồng/kg, tại cảng TP.HCM: 46.700 đồng/kg.
Giá cà phê chốt phiên đầu tiến của tháng 7, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 27 USD (1,33%), giao dịch tại 2.006 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 25 USD (1,23%) giao dịch tại 2.006 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 9/2022 quay đầu giảm 6,20 Cent (2,69%), giao dịch tại 223,90 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 6,15 Cent/lb (2,71%), giao dịch tại 220,90 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) diễn biến trên thị trường cà phê không thực sự chịu tác động bởi các yếu tố cơ bản trong bối cảnh không có bất cứ thông tin tích cực nào liên quan đến nhu cầu, ngoài việc tồn kho tại các Sở đang giao dịch ở mức rất thấp.
Do đó, nhiều khả năng giá cà phê đang chịu tác động mạnh bởi dòng tiền từ giới đầu cơ, khi cả 2 mặt hàng đều bật lên từ các vùng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng và các thị trường tài chính khác như chứng khoán và tiền số đều đang suy yếu.
Thông tin về thị trường Mỹ, là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 5 của Việt Nam. Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê sang Mỹ giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Mỹ đạt 9,34 nghìn tấn, trị giá 22 triệu USD, giảm 16,5% về lượng, nhưng tăng 2,3% về trị giá so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt mức 2.470 USD/tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt 50,58 nghìn tấn, trị giá 124,95 triệu USD, giảm 2,9% về lượng, nhưng tăng 23,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt mức 2.359 USD/tấn, giảm 5,9% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 22,4% so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt mức 2.470 USD/tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá tiêu trong nước phiên thứ 4 đi ngang
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 – 72.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 69.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk: 70.500 đồng/kg; Bình Phước: 71.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu: 72.000 đồng/kg.
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.
Trong đó, mặt hàng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 125 nghìn tấn, giảm 19,1%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14%).
Trong khi đó, thống kê 5 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 99,54 nghìn tấn, trị giá 460,54 triệu USD, giảm 17,8% về lượng, nhưng tăng 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu tháng 5/2022 đạt 21,84 nghìn tấn.
Như vậy có thể thấy, xuất khẩu hồ tiêu tháng 6/2022 tiếp tục có sự tăng trưởng, cao nhất trong các tháng đầu năm. Đưa giá trị kim ngạch vượt mốc nửa tỷ USD, giúp cho mục tiêu xuất khẩu tỷ đô trong năm 2022 sớm thành hiện thực.
Mặc dù năm nay sản lượng của Việt Nam giảm, nhưng nhu cầu giảm đã dẫn đến xu hướng thị trường đi xuống trong thời gian gần đây. Nedspice dự báo, trong ngắn hạn, thị trường dự kiến dao động quanh mức giá hiện tại cho đến khi có một bức tranh rõ ràng về thị trường năm 2023.
Đồng thời, những tín hiệu đầu tiên cho niên vụ 2023 của Việt Nam khá khả quan. Đó là việc mùa mưa đến đúng lúc, và quá trình thụ phấn của cây tốt hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để ước tính sản lượng và đánh giá vụ mùa năm tới.
Dự báo giá hạt tiêu thế giới sẽ tiếp tục tăng do sản lượng giảm và chi phí vận chuyển tăng cao, cho dù Việt Nam bước vào vụ thu hoạch rộ, giúp nguồn cung dồi dào, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu.
Cao su biến động trái chiều
Giá cao su hôm nay biến động trái chiều, trong đó giá kỳ hạn trên Sàn SHFE giảm hơn 0,5%.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su hôm nay kỳ hạn tháng 9/2022, tăng nhẹ lên mức 255,7 JPY/kg, tăng nhẹ 0,3 yên, tương đương 0,12%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 135 CNY, ghi nhận 12.840 CNY/tấn, tương đương 1,06%.
Theo báo cáo sản xuất cao su thiên nhiên bền vững ở Việt Nam: Thực trạng và một số vấn đề quan tâm”, do Tổ chức Forest Trends vừa công bố, Việt Nam là quốc gia lớn thứ 3 trên thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên.
Thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRG) cho thấy, diện tích cao su của Việt Nam năm 2021 đạt gần 939.000 ha, trong đó phần diện tích của tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Phần còn lại là diện tích của các công ty, với diện tích của các công ty nhà nước (quốc doanh) chiếm gần 40%, công ty tư nhân chiếm gần 10%.
Động lực phát triển của ngành cao su của Việt Nam là dựa vào xuất khẩu cao su. Hai mặt hàng xuất khẩu chính hiện tại của ngành bao gồm cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su. Ngoài hai nhóm sản phẩm xuất khẩu này, còn có các sản phẩm gỗ được làm từ gỗ cao su xuất khẩu.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu vào thị trường này chiếm trên 70% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu vào tất cả các thị trường. Chủng loại cao su thiên nhiên xuất khẩu từ Việt Nam tương đối đa dạng, trong đó cao su hỗn hợp đóng vai trò chủ đạo, chiếm gần 63% trong tổng lượng xuất khẩu.
Đánh giá về nhu cầu thị trường thế giới về các cao su thiên nhiên bền vững, Forest Trends nhận định, tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi. Sản xuất cao su thiên nhiên bền vững trong tương lai là hướng đi tất yếu của Việt Nam.
Trên thế giới hiện có hai hệ thống chứng chỉ bền vững gồm PEFC (Chương trình xác nhận chứng chỉ rừng) và FSC (Hội đồng quản lý rừng). Các tiêu chí FSC được coi là khắt khe hơn so với PEFC.
Việt Nam đã phát triển Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS). Hiện hệ thống này được PEFC công nhận. Đến nay, Việt Nam đã khó khoảng 97.300 ha diện tích cao su đạt chứng chỉ VFCS. Toàn bộ diện tích này của các công ty cao su nhà nước. Mặc dù tốc độ mở rộng diện tích đạt chứng chỉ nhanh, tuy nhiên, các diện tích đạt chứng chỉ vẫn chưa xứng với tiềm năng của ngành. Toàn bộ các diện tích cao su tiểu điền đến nay chưa đạt được chứng chỉ. Đặc biệt Việt Nam chưa có diện tích nào đạt chứng chỉ FSC cho thấy một số hạn chế hiện nay của ngành.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp