04/07/2021 22:31
WHO cảnh báo: 'Giai đoạn vô cùng nguy hiểm' của đại dịch COVID-19, do sự xuất hiện biến thể Delta
Thế giới đang trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch COVID-19, do sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Chìa khóa cho phép kiểm soát dây chuyền lây nhiễm là tiêm đủ 2 liều vaccine...
Tuyên bố này được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp báo mới đây.
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, biến thể Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới. Và biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang "thống trị" ở nhiều quốc gia.
Biế thể Delta- cơn ác mộng
Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng trong những cộng đồng chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước, như: Pháp, Đức, Italy hay Bồ Đào Nha. Tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40 đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh.
ECDC dự đoán, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8. ECDC cảnh báo, biến thể Delta sẽ lây lan rộng trong mùa hè năm nay, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi là những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Tại Mỹ, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng cảnh báo Delta có khả năng gây bệnh nặng gấp 2,6 lần biến thể Alpha, đặc biệt ở những người chưa tiêm vaccine.
Còn tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM và một số địa phương khu vực phía Nam đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc. GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định, một trong những nguyên nhân là do biến thể Delta.
Viện trưởng Phan Trọng Lân cho hay, mức độ lây lan của các biến thể có sự khác nhau. Qua nghiên cứu cho thấy, biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ. Nghĩa là, một người đã mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2 đến 4 người khác, với chủng biến thể alpha có thể lây cho đến 7 người khác.
Biến thể Delta (B.1.167.2) dễ lây nhiễm hơn biến thể Alpha (B.1.1.7), và ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn từ 40-60%. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cao hơn so ca nhiễm biến thể Alpha.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, cần theo dõi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội.
Vaccine - chìa khóa kiểm soát dây chuyền lây nhiễm
Việc biến thể Delta bùng phát mạnh một lần nữa đe dọa cuộc sống bình thường của người dân trên thế giới.
Theo nhà nghiên cứu Samuel Alizon, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (Centre National de la Recherche Scientifique - viết tắt là CNRS), vấn đề đặt ra trước mắt là bản thân virus SARS-CoV-2 và các biến thể vẫn còn nhiều “mảng tối” mà giới y khoa chưa giải mã được hết. Do vậy, giải pháp duy nhất là kiểm soát và ngăn chặn dây chuyền lây nhiễm.
Chìa khóa cho phép kiểm soát dây chuyền lây nhiễm, theo ông Samuel Alizon, đó là tiêm đủ 2 liều vaccine để chống chọi với biến thể Delta. Nhà khoa học này cho rằng, kiểm soát đà lây nhiễm của biến thể Delta và tiêm chủng là “hai mặt của một đồng xu”.
Kìm hãm được mức độ bùng phát của biến thể này càng lâu thì càng có thêm thời gian để tiêm chủng và càng đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng thì các điều kiện lây lan sẽ trở nên khó khăn hơn với mọi biến chủng của SARS-CoV-2.
Số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh cũng chỉ ra rằng, nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng do biến thể Delta. Trong trường hợp tiêm chưa đủ liều, khả năng bảo vệ kém hơn nhiều, chỉ ở mức 35%.
Trước diễn biến của dịch bệnh, người đứng đầu WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo cùng kỳ năm sau, sẽ có 70% người dân ở mỗi nước đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Để đạt được điều này, các nước cần giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng COVID-19, máy thở, thuốc men và các xét nghiệm, đồng thời tăng tốc độ tiêm chủng.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, đây là cách tốt nhất để làm chậm đại dịch Covid-19, cứu sống, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu và ngăn chặn sự gia tăng của các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Hiện đã có 3 tỷ liều vaccine được phân phối trên thế giới, song chưa đầy 2% trong số này được đưa tới các nước nghèo. Mặc dù các nước giàu, trong đó có Anh, Canada, Mỹ, Pháp... cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, WHO ước tính thế giới vẫn cần tới 11 tỷ liều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement