Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nếu ông Putin quyết sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina, NATO có đáp trả?

Quân sự

26/09/2022 07:59

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina nếu "toàn vẹn lãnh thổ" của nước Nga bị đe dọa làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể dùng vũ khí hạt nhân nhỏ hoặc "chiến thuật" ở Ukraina.
news

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Putin rằng nếu ông ta làm vậy, đây sẽ là hành động leo thang quân sự nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Putin tuyên bố: "Những ai đang cố gắng tống tiền chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể đổi hướng/xoay chiều. Đây không phải là một trò đùa".

Tuy nhiên, các nhà phân tích không cho rằng Tổng thống Nga sẵn sàng là người đầu tiên kích hoạt vũ khí hạt nhân kể từ khi Mỹ ném bom xuống hai thành phố của Nhật Bản năm 1945.

Nếu ông Putin quyết sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina, NATO có đáp trả? - Ảnh 1.

Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể được bắn từ máy bay và tàu - như tên lửa chống hạm, ngư lôi và độ sâu.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ và hệ thống phóng, được thiết kế để dùng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công có giới hạn. Chúng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu của đối phương trong một khu vực cụ thể mà không gây ra các tác động phóng xạ trên diện rộng. 

Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất có thể có trọng lượng một kiloton hoặc ít hơn (tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT). Những vũ khí hạt nhân chiến thuật lớn nhất có thể lớn tới 100 kiloton. Vũ khí hạt nhân chiến lược loại lớn hơn (lên đến 1.000 kiloton) và được phóng từ tầm xa hơn.

Nga có vũ khí hạt nhân chiến thuật nào?

Theo tình báo Mỹ, Nga có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đầu đạn hạt nhân chiến thuật của các vũ khí này có thể được đặt trên các loại tên lửa khác nhau thường được sử dụng để phóng các thiết bị nổ thông thường, chẳng hạn như tên lửa hành trình và đạn pháo. 

Các vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể được bắn từ máy bay và tàu - như tên lửa chống hạm, ngư lôi. Mỹ cho biết gần đây Nga đầu tư rất nhiều vào các loại vũ khí này để cải thiện tầm bắn và độ chính xác.

Nếu ông Putin quyết sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina, NATO có đáp trả? - Ảnh 2.

Theo tình báo Mỹ, Nga có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật từng được dùng trước đây?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa từng được sử dụng trong giao tranh. Các cường quốc hạt nhân như Mỹ và Nga nhận thấy việc tiêu diệt các mục tiêu trên chiến trường bằng cách sử dụng các loại vũ khí thông thường hiện đại cũng hiệu quả không kém. 

Ngoài ra, cho đến nay chưa có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào sẵn sàng mạo hiểm phát động chiến tranh hạt nhân toàn diện bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tuy nhiên, Nga có thể sẵn sàng sử dụng vũ khí chiến thuật nhỏ thay vì tên lửa chiến thuật lớn hơn. Tiến sĩ Patricia Lewis, lãnh đạo chương trình an ninh quốc tế tại Chatham House, cho biết: "Họ có thể không coi việc này là 'vượt rào' như với vũ khí hạt nhân lớn, mà xem đó là một phần trong các hoạt động quân sự thông thường".

Đe dọa hạt nhân của Putin có đáng lo ngại?

Hồi tháng 2, ngay trước khi xâm lược Ukraina, Putin đã đặt lực lượng hạt nhân của Nga ở trạng thái "sẵn sàng chiến đấu đặc biệt" và tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân. Nga đang có kế hoạch sáp nhập các khu vực phía Nam và Đông Ukraina mà Nga đã chiếm đóng và Putin nói rằng ông sẵn sàng bảo vệ "sự toàn vẹn lãnh thổ" của các khu vực "bằng mọi cách". 

Tình báo Mỹ coi việc không giúp Ukraina cố gắng chiếm lại các vùng lãnh thổ này là một mối đe dọa đối với phương Tây. Nhưng các nước khác lo ngại rằng Nga, nếu chịu thất bại nhiều hơn, có thể sẽ dùng vũ khí chiến thuật nhỏ ở Ukraina như một "nhân tố làm thay đổi cục diện", nhằm phá vỡ thế bế tắc hoặc tránh thất bại.

James Acton, chuyên gia về hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế - Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở ở Washington DC, bày tỏ "tương đối lo ngại rằng trong hoàn cảnh đó, Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân - rất có thể trên bộ - ở Ukraina, để khiến mọi người khiếp sợ, và dấn tới. Chúng ta vẫn chưa ở vào thời điểm đó".

Một số chuyên gia và quan chức đã đưa ra các kịch bản có thể xảy ra nếu Nga thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân.

Nếu ông Putin quyết sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina, NATO có đáp trả? - Ảnh 3.

Lực lượng Nga có thể bắn đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ bằng pháo thông thường, chẳng hạn như pháo tự hành "Malka".

Một cuộc tấn công hạt nhân của Nga sẽ như thế nào?

Theo giới phân tích, Moscow có khả năng sẽ triển khai một hoặc nhiều quả bom hạt nhân "chiến thuật" hoặc chiến trường. Chúng là những vũ khí nhỏ, có sức nổ từ 0,3 kiloton đến 100 kiloton, so với 1,2 megaton của đầu đạn chiến lược lớn nhất của Mỹ hay quả bom 58 megaton mà Nga thử nghiệm hồi năm 1961. 

Bom chiến thuật được thiết kế để có tác động hạn chế trên chiến trường, so với vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế để chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh toàn diện.

Tuy nhiên, "nhỏ" và "hạn chế" ở đây chỉ mang tính tương đối: Quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945 có sức tàn phá "chỉ" 15 kiloton.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật tàn phá như thế nào?

Pavel Podvig, chuyên gia về lực lượng hạt nhân Nga và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên hợp quốc (UNIDIR), cho biết có rất ít kịch bản trên chiến trường mà sức mạnh to lớn do vũ khí hạt nhân mang lại có thể thực sự có mục đích chiến thuật - chẳng hạn, để phá hủy các cấu trúc cứng hoặc boongke ngầm.

Ông cho rằng mục tiêu chính của vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn là mục tiêu chiến lược: khủng bố kẻ thù và giành ưu thế trong một cuộc xung đột.

Podvig nói với Euronews Next: "Toàn bộ khái niệm về vũ khí hạt nhân nhỏ hoặc các cuộc tấn công hạn chế chỉ là một cách để tìm ra sứ mệnh cho những vũ khí đó và bằng cách nào đó biện minh cho sự tồn tại của chúng".

"Nhiệm vụ chính của chúng không phải là tấn công các mục tiêu quân sự. Nhiệm vụ chính của những vũ khí này là thể hiện sự sẵn sàng và tinh thần sẵn sàng tấn công và giết hại rất nhiều, rất nhiều thường dân".

Mục tiêu của Moscow là gì?

Các nhà phân tích cho rằng mục đích của Nga khi sử dụng bom hạt nhân chiến thuật ở Ukraina sẽ khiến nước này sợ hãi đầu hàng hoặc phục tùng các cuộc đàm phán, và chia rẽ những quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraina

Mark Cancian, chuyên gia quân sự phụ trách Chương trình An ninh Quốc tế của CSIS ở Washington, cho rằng khó có khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở tiền tuyến. Để chiếm được 32 km lãnh thổ có thể cần tới 20 quả bom hạt nhân nhỏ - lợi ích thu về quá khiêm tốn so với những rủi ro lớn của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và bụi phóng xạ hạt nhân. 

Chuyên gia Cancian nói thêm: "Sẽ không đủ nếu chỉ sử dụng một quả bom hạt nhân". Thay vào đó, Moscow có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ và tránh thương vong lớn bằng cách cho nổ một quả bom hạt nhân ở vùng biển hoặc trên vùng trời của Ukraina để tạo ra một xung điện từ có thể đánh sập thiết bị điện tử.

Hoặc Putin có thể lựa chọn sự hủy diệt và chết chóc lớn hơn: Tấn công một căn cứ quân sự của Ukraina hoặc tấn công một trung tâm đô thị như Kiev, gây thương vong hàng loạt và có thể khiến các nhà lãnh đạo chính trị của nước này thiệt mạng.

Jon Wolfsthal, cựu chuyên gia về chính sách hạt nhân của Nhà Trắng, hôm 23/9 đã viết trên Substack – một nền tảng xuất bản tin trực tuyến của Mỹ, rằng những kịch bản như vậy "có thể được thiết kế để chia rẽ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự đồng thuận toàn cầu chống lại Putin". Nhưng, ông nói thêm, " không rõ liệu nó có thành công hay không, và có thể dễ dàng bị coi là một giải pháp cùng đường".

Phương Tây có nên đáp trả bằng vũ khí hạt nhân?

Phương Tây vẫn còn mơ hồ về cách họ sẽ phản ứng với một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật, và các lựa chọn rất phức tạp. Mỹ và NATO không muốn tỏ ra yếu thế trước một mối đe dọa hạt nhân tiềm ẩn. Nhưng họ cũng muốn tránh khả năng cuộc chiến ở Ukraina – quốc gia không phải là thành viên NATO - có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu có sức tàn phá lớn hơn nhiều.

Các chuyên gia cho rằng phương Tây sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả, và phản ứng nên đến từ NATO với tư cách là một liên minh, chứ không phải chỉ có Mỹ. Chuyên gia Wolfsthal nêu rõ bất kỳ phản ứng nào cũng phải "đảm bảo rằng tình hình quân sự của Putin không được cải thiện sau một cuộc tấn công như vậy, và vị thế chính trị, kinh tế và cá nhân của ông ta sẽ bị ảnh hưởng".

Mỹ hiện bố trí khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật của riêng họ tại các quốc gia thành viên NATO và có thể dùng chúng để đáp trả lực lượng Nga. 

Theo chuyên gia Matthew Kroenig thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, điều này sẽ thể hiện sự kiên quyết của Mỹ và nhắc nhở Moscow về sự nguy hiểm của các hành động của họ. Tuy nhiên, Kroenig lưu ý rằng (nếu Mỹ và NATO) dùng vũ khí hạt nhân đáp trả Nga, "việc đó cũng có thể kích động một đòn trả đũa hạt nhân tư Nga, làm tăng nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân lớn hơn và gia tăng thảm họa nhân đạo".

Một rủi ro khác là một số quốc gia thành viên trong NATO có thể từ chối phản ứng bằng vũ khí hạt nhân, đúng như mục tiêu của Putin là làm suy yếu liên minh quân sự phương Tây.

Nếu ông Putin quyết sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina, NATO có đáp trả? - Ảnh 5.

So sánh kho vũ khí hạt nhân của các nước.

Cung cấp cho Ukraina khả năng tấn công Nga?

Các chuyên gia cho rằng việc đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của Nga theo các biện pháp quân sự hoặc ngoại giao thông thường hơn và cung cấp cho Ukraina nhiều vũ khí sát thương hơn để tấn công Nga, có thể sẽ hiệu quả hơn. 

Chuyên gia Kroenig lý giải: "Cho đến nay, xem ra vẫn rất khó có thể lấy lý do Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để thuyết phục các nước như Ấn Độ và có thể cả Trung Quốc tham gia các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng đối với Nga".

Ngoài ra, Mỹ có thể cung cấp cho Ukraina máy bay của NATO, tổ hợp tên lửa chống tên lửa Patriot, THAAD và tên lửa tầm xa ATACMS có thể được sử dụng cho lực lượng Ukraina để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. 

Chuyên gia quân sự Cancian nêu rõ: "Bất cứ những hạn chế nào liên quan việc tiếp viện cho lực lượng Ukraina - và tôi nghĩ rằng có một số hạn chế - tất cả những hạn chế đó sẽ được loại bỏ".

(Nguồn: AFP/BBC)

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement