Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Việt Nam chỉ có thể làm lung lay địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc?

Phân tích

26/08/2022 03:08

Việt Nam, ngôi sao mới nổi của nền kinh tế Đông Nam Á, đang trỗi dậy trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và được hưởng lợi từ chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc, nên tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2022 đã vượt qua Thâm Quyến.
news

Theo báo "Liên hợp buổi sáng", gần đây, các chủ đề như "Xuất khẩu Việt Nam vượt Thâm Quyến", "Lý Gia Thành đặt cược lớn vào TP.HCM", "Việt Nam có thể trở thành công xưởng tiếp theo"… đã thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc, khiến một bộ phận dư luận lo ngại rằng ngành sản xuất của Việt Nam có thể làm lung lay địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc.

Trong khi đó, truyền thông phương Tây lại tập trung vào việc Trung Quốc kiên trì thực hiện chính sách "Zero COVID", mang lại lợi ích cho các nước như Việt Nam. Tháng 6/2022, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) của Đức có bài viết với tiêu đề "Tạm biệt Trung Quốc, xin chào Việt Nam", cho rằng Việt Nam dường như là lựa chọn tốt hơn đối với các nhà sản xuất đặt nhà máy ở châu Á.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý II/2022 tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021 và kinh tế tăng trưởng ở mức 7,7% – mức cao nhất trong 11 năm qua. Vì vậy, Việt Nam coi như đã thoát khỏi thời kỳ ảm đạm. Trong năm 2021, việc nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, bao gồm cả thủ đô Hà Nội, liên tục áp đặt lệnh phong tỏa đã khiến nền kinh tế trong quý III giảm 6,2%.

Chính phủ Việt Nam thực hiện đường lối "chung sống an toàn với đại dịch COVID-19", kêu gọi toàn dân tiêm chủng vaccine. Sau khi khôi phục toàn diện các hoạt động sản xuất và mở cửa biên giới, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ. 

Thêm vào đó, biện pháp phòng chống dịch "Không COVID" cứng nhắc của Trung Quốc đã tạo nên hình ảnh đối lập. Việt Nam lập tức được một số phương tiện truyền thông quốc tế ca ngợi là "siêu công xưởng" của ngành sản xuất, từ Nam đến Bắc đều trở thành điểm nóng.

Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của sách lược "Trung Quốc+1"

Theo người đứng đầu các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, ngay từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, bắt đầu cuối năm 2018, đã giúp Việt Nam trở thành "ngư ông đắc lợi". Một số doanh nghiệp đặt nhà máy ở Trung Quốc lần lượt xây dựng các nhà máy mới ở Việt Nam hoặc chuyển đơn hàng sang Việt Nam để phân tán rủi ro liên quan đến chuỗi cung ứng.

Do tiếp giáp với Trung Quốc trên đất liền và có đường bờ biển dài hơn 3.000 km, thuận lợi cho hoạt động vận tải biển, Việt Nam có vị trí chiến lược tuyệt vời. Ngoài ra, các yếu tố khác như lao động giá rẻ, dân số trẻ, chính sách ưu đãi của chính phủ, ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và gặp nhiều thuận lợi trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã giúp Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp trong việc thực hiện sách lược "Trung Quốc+1".

Công ty TNHH Superior của Hong Kong là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam xây dựng nhà máy để phân tán rủi ro. Chủ tịch của Superior, Vương Kỳ Kiện, cho biết công ty đã đầu tư ở Trung Quốc hơn 20 năm, và việc Việt Nam và Trung Quốc giống nhau về thể chế là một trong những nguyên nhân khiến công ty quyết định xây dựng nhà máy ở Việt Nam. 

Superior chủ yếu sản xuất đồ chơi và lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động hóa, và có hai nhà máy ở thị trấn Trường An, thành phố Đông Quản, Trung Quốc. Nhà máy đặt ở Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) ở tỉnh Bình Dương đã được hoàn tất cuối năm 2019 và đi vào hoạt động từ tháng 3/2020. Hai nhà máy ở Trung Quốc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, trong khi nhà máy ở Việt Nam sản xuất các sản phẩm đơn giản.

Theo Vương Kỳ Kiện, việc Superior đặt nhà máy ở Việt Nam bắt nguồn từ nhu cầu của khách hàng. Cách đây 4 năm, nhiều khách hàng của công ty đã bắt đầu chuyển dịch trọng tâm sang Đông Nam Á, đồng thời đưa ra định nghĩa mới về an ninh chuỗi cung ứng. 

Ông nói: "Họ phải xem xét liệu nhà cung ứng có nhà máy ở các nước khác nhau hay không. Họ lo ngại có thể xảy ra vấn đề ở một số nơi, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Việc nhà cung ứng đặt nhà máy ở các nước khác nhau sẽ đảm bảo an toàn tương đối".

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy làn sóng dịch chuyển ngành nghề thứ nhất trong những năm gần đây. Chuỗi thương mại gia công của Việt Nam được củng cố dưới sự thúc đẩy của các đơn hàng và đầu tư nước ngoài.

Việt Nam chỉ có thể làm lung lay địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc? - Ảnh 3.

Xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống còn 30,61 tỷ USD trong tháng 7 từ mức 32,84 tỷ USD vào tháng 6/2022, theo Tổng cục thống kê Việt Nam. Ảnh minh họa.

Chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc có lợi cho Việt Nam

Nhiều nước lo ngại rằng chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc khiến cho các nhà máy ở nhiều địa phương phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài. Họ băn khoăn liệu Việt Nam có thể hưởng trái ngọt của làn sóng "Trung Quốc+1" thứ hai khi các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc hoặc doanh nghiệp Trung Quốc chuyển đến nơi khác hay không?

Theo số liệu thống kê, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong quý I/2022 đạt hơn 7,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch của Việt Nam đạt 22,75 tỷ USD, cao hơn Thâm Quyến. Trong đó, chênh lệch số liệu của tháng 3 được nới rộng, đạt 34,62 tỷ USD, gấp gần 2 lần Thâm Quyến.

Tập đoàn phát triển đô thị Sembcorp của Singapore từ lâu đã tham gia quản lý VSIP. VSIP đầu tiên được khởi động vào năm 1996. Cho đến nay, 10 VSIP đã được xây dựng ở Việt Nam. Triệu Vạn Thành, Giám đốc điều hành Sembcorp kiêm đồng Chủ tịch VSIP, cho biết tính đến ngày 31/12/2021, VSIP đã thu hút 850 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư lên đến 15,6 tỷ USD. Trong giai đoạn 2017-2021, có thêm 104 doanh nghiệp tham gia VSIP, bổ sung 400 triệu USD vào tổng vốn đầu tư.

Theo Triệu Vạn Thành, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đầu tư vào Việt Nam qua nhiều kênh khách nhau, kể cả thông qua Hong Kong, doanh nghiệp nước ngoài ở Đại lục và liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam, nên rất khó xác định chính xác các nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, vốn đầu tư của Trung Quốc được dự đoán là nguồn tăng trưởng của đầu tư Việt Nam trong những năm gần đây. Mới đây, VSIP được nhiều doanh nghiệp yêu cầu tư vấn về đầu tư vào Việt Nam, nhưng không rõ điều này có liên quan đến tình hình dịch bệnh của Trung Quốc hay không.

Chủ tịch Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Việt Nam, Giản Trí Minh, cho biết gần đây, số lượng doanh nghiệp Đài Loan, bao gồm cả các doanh nghiệp Đài Loan ở Trung Quốc, nghiên cứu, thảo luận về việc đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng. Nhu cầu tư vấn của họ cũng cao hơn trước. 

Giản Trí Minh nhấn mạnh: "Cho dù nhà máy đóng cửa và dừng toàn bộ quy trình sản xuất do dịch bệnh, thì các chủ doanh nghiệp vẫn phải trả lương, lãi suất và các khoản vay. Như vậy, doanh nghiệp nào chịu được". Công ty xây dựng do ông thành lập hơn 10 năm trước đặt trụ sở tại tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Bình Dương lân cận là nơi thu hút các ngành sản xuất truyền thống như dệt may và da giày. Đây cũng là nơi có nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc chuyển đến.

Khoảng 4-5 năm trước, các ngành sản xuất, dẫn đầu là ngành điện tử, bắt đầu chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam do lo ngại rủi ro chuỗi cung ứng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và thường tập trung ở miền Bắc với Hà Nội là trung tâm.

Trong bối cảnh hệ thống công nghiệp và chuỗi sản xuất của Việt Nam chưa hoàn thiện và miền Bắc có lợi thế gần Trung Quốc, các nhà sản xuất điện tử có thể thông qua việc thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới trên bộ để nhanh chóng tiếp nhận nguyên liệu và linh kiện cần thiết từ các doanh nghiệp ven biển ở Đông Nam Trung Quốc.

Tập đoàn Foxconn, nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cho các ông lớn trong ngành điện thoại di động như Samsung và Apple, liên tục xây dựng nhà máy và mở rộng sản xuất ở miền Bắc. Trong khi đó, các thương hiệu điện tử lớn của Đài Loan như Pegatron và Wistron cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. 

Gần đây, tập đoàn công nghệ Xiaomi của Trung Quốc xác nhận đã bắt đầu sản xuất điện thoại di động thông minh ở Việt Nam. Việc nhiều nhà máy điện tử chuyển đến Việt Nam đã giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành một trung tâm sản xuất điện thoại di động và thiết bị máy tính khác ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự mong manh của chuỗi sản xuất xuyên quốc gia này. Chuỗi cung ứng thượng nguồn của ngành sản xuất theo định hướng gia công xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc. Phần lớn các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam đều sử dụng các nguyên liệu và linh kiện "Made in China", được gắn mác "Made in Vietnam" và được xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Vấn đề là một khi quá trình vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam bị cản trở, năng lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với tư cách là chuỗi cung ứng trung nguồn và hạ nguồn sẽ bị hạn chế nghiêm trọng. Đầu năm 2020, dịch bệnh khiến vận tải đường bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam bị hạn chế. Vì vậy, Samsung buộc phải vận chuyển linh kiện điện thoại di động từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường hàng không để tránh một cuộc khủng hoảng do chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Theo Giản Trí Minh, mặc dù các doanh nghiệp Đài Loan ở Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng, nhưng họ cũng không thể an tâm bởi chuỗi cung ứng thượng nguồn ở Trung Quốc bị đứt gãy và điều này sẽ kéo dài thời gian giao hàng cho các nhà sản xuất. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu và giá dầu leo thang đã ăn mòn lợi nhuận, khiến các nhà sản xuất dù có đơn hàng hay không đều đau đầu.

Việt Nam chỉ có thể làm lung lay địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc? - Ảnh 6.

Samsung Việt Nam hiện tại đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Ảnh: Samsung Vietnam

Nhà sản xuất tìm cách nội địa hóa bán thành phẩm

Nhà máy sản xuất đồ chơi của Vương Kỳ Kiện cũng đối diện với tình cảnh khó khăn tương tự sau Tết âm lịch năm 2022, dẫn tới việc phải vận chuyển bán thành phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường biển hoặc đường hàng không. 

Tuy nhiên, do tất cả các nhà sản xuất đều muốn chuyển hàng, nên vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không rơi vào tình trạng căng thẳng cao độ. Vì vậy, Vương Kỳ Kiện quyết định nội địa hóa bán thành phẩm để làm giảm thiểu áp lực mà chuỗi cung thượng nguồn bị đứt gãy tạo ra cho hạ nguồn. 

Ông cho biết: "Trước là vận chuyển bán thành phẩm từ nhà máy ở Đông Quản sang nhà máy ở Việt Nam để lắp ráp, nhưng sắp tới sẽ trực tiếp nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài về Việt Nam. Khi nhận được đơn hàng, nhà máy ở Việt Nam sẽ thực hiện tất cả các khâu, từ sản xuất bán thành phẩm đến đóng gói sau cùng".

Khi trả lời phỏng vấn báo "Liên hợp buổi sáng", Lâm Minh Kiệt, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại TP.HCM kiêm Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của một công ty chế tạo công cụ công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho biết trong thời gian dịch bệnh, công ty của ông cũng gặp nhiều khó khăn vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn. 

Vì vậy, công ty đã quyết định phân tán rủi ro, đồng thời đặt mua nguyên vật liệu từ các nước và khu vực ngoài Trung Quốc như Thái Lan, Đài Loan và Ấn Độ. Nhờ vậy, cuối cùng họ cũng vượt qua được khó khăn. Ông tin rằng nhiều nhà máy cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm nguyên vật liệu có thể thay thế ngoài Trung Quốc.

Việt Nam chỉ có thể làm lung lay địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc? - Ảnh 7.

Dây chuyền sản xuất lắp ráp xe ô tô của Thaco. Ảnh: Công Thương

Địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc bị lung lay

Nếu các nhà sản xuất ở Việt Nam lần lượt tìm cách nội địa hóa nguyên vật liệu, thì khi chuỗi cung ứng của nhiều ngành nghề được hoàn thiện và lớn mạnh, liệu Việt Nam có thể trỗi dậy một cách thuận lợi để trở thành công xưởng thế giới tiếp theo hay không?

Khi được hỏi về vấn đề này, phần lớn những người đứng đầu các doanh nghiệp đều trả lời là "Không thể". Theo Lâm Minh Kiệt, các ngành sản xuất từ Trung Quốc không chỉ được dịch chuyển dịch tới Việt Nam, mà còn được dịch chuyển tới Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Lào. Vậy nước nào có thể thay thế Trung Quốc? Nhiều nước cộng lại mới có thể thay thế được Trung Quốc.

Dân số Việt Nam chưa đến 10% dân số Trung Quốc và tầng lớp trung lưu tăng nhanh đã đẩy chi phí lao động tăng cao. Vì vậy, việc dịch chuyển sản xuất phải được thực hiện theo chiều từ khu vực phát triển sang khu vực lạc hậu. Quỹ đạo phát triển của Trung Quốc là từ miền Đông sang miền Trung Tây, nhưng Việt Nam không có khu vực nào rộng lớn như vậy.

Theo quan sát từ lâu của Giản Trí Minh, Trung Quốc có chuỗi sản xuất hoàn thiện, đồng thời vượt trội Việt Nam về năng lực tổ chức. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam chỉ có thể thâu tóm những phần bị Trung Quốc loại bỏ trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng truyền thống. Cho đến gần đây, phân khúc ngành điện tử được chuyển sang Việt Nam chủ yếu vẫn là phân khúc thấp.

Hơn nữa, cho dù chi phí lao động của Trung Quốc cao hơn chi phí lao động của Việt Nam, nhưng tay nghề và kỹ thuật của công nhân Trung Quốc cũng cao hơn tay nghề và kỹ thuật của công nhân Việt Nam. Người Việt Nam cũng cần cù chịu khó, nhưng chưa bằng người Trung Quốc. 

Giản Trí Minh cho biết: "Nếu nói người Việt Nam bán sức cho người khác, thì người Trung Quốc đến tính mạng của mình cũng không cần đến". 

Theo phân tích của nghiên cứu viên cao cấp Jayant Menon thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore, biện pháp phong tỏa mà Trung Quốc áp dụng để xóa sạch dịch bệnh quả thực đã đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, nhưng chuỗi cung ứng khu vực vẫn và sẽ lấy Trung Quốc làm trung tâm. 

Ông cho biết: "Trung Quốc vẫn là gã khổng lồ của ngành sản xuất và sẽ không dễ bị kiềm chế hoặc thay thế".

Việt Nam chỉ có thể làm lung lay địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc? - Ảnh 9.

Một công nhân đeo khẩu trang làm việc trên dây chuyền sản xuất vành thép xe đạp tại một nhà máy, khi Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát virus COVID-19, ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 2/3/2020. Ảnh: REUTERS

Sự thiếu hụt nhân tài cản trở Việt Nam bước lên phân khúc cao cấp

Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới (năm 1986), dưới sự thúc đẩy của làn sóng toàn cầu hóa kinh tế, Việt Nam chỉ mất một thế hệ để phát triển từ một quốc gia nghèo khó thành một nền kinh tế thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, Việt Nam không cam tâm dừng lại ở việc sản xuất thiết bị gốc. Năm 2021, Việt Nam đã xác lập mục tiêu chiến lược phát triển trong dài hạn – đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có mức thu nhập cao. 

Chính phủ Việt Nam cũng phê chuẩn Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là thu hút các dự án công nghệ cao và tạo ra giá trị gia tăng cao, kết nối tốt hơn với chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng quốc tế.

Lâm Minh Kiệt cho rằng Việt Nam sẽ không thể bước lên phân khúc cao cấp của chuỗi sản xuất trong 10 năm tới, bởi khiếm khuyết lớn nhất của Việt Nam là thiếu hụt nhân tài, trong khi hệ thống giáo dục để bồi dưỡng nhân tài lại không thể xây dựng trong một sớm một chiều.

Việt Nam chỉ có thể làm lung lay địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc? - Ảnh 10.

Nguồn: CafeF

Tự động hóa trở thành lối thoát của Việt Nam

Theo Lâm Minh Kiệt, Việt Nam thiếu nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp. Một công ty nước ngoài muốn tuyển dụng 100 kỹ sư. Họ nhận được 2.000 đơn ứng tuyển, nhưng cuối cùng không tìm được kỹ sư nào vì tất cả đều không đạt tiêu chuẩn xét tuyển. Trong giai đoạn 2016-2020, lương tối thiểu của lao động Việt Nam bình quân mỗi năm tăng 7,4%. Từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu lại tăng thêm 6%.

Tổng giám đốc tập đoàn LinkedIn của Đài Loan, Lý Triết Du, cho rằng so với Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, Việt Nam đã không còn sức cạnh tranh về chi phí lao động.

Lý Triết Du nhận định trong 5-10 năm tới, ngành sản xuất của Việt Nam sẽ phải tranh giành nhân tài của ngành dịch vụ và tình trạng khó tuyển dụng khó được giải quyết, buộc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải thúc đẩy tự động hóa nhà máy sản xuất ở Việt Nam hoặc chuyển sang các nước khác. Hoạt động kinh doanh chính của LinkedIn là sản xuất và buôn bán quà tặng. Doanh nghiệp này có nhà máy ở cả Trung Quốc và Việt Nam, và đang triển khai sản xuất ở Ấn Độ.

Nhà máy của Vương Kỳ Kiện ở Việt Nam đang tìm cách đẩy mạnh tự động hóa dây chuyền sản xuất để kiểm soát chi phí và duy trì tính ổn định của sản phẩm. Vương Kỳ Kiện cho biết mặc dù lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc, nhưng nếu cộng thêm các loại phí khác như bảo hiểm xã hội, thì mức chênh lệch giữa hai nơi chỉ là 10%.

Chủ tịch Phòng thương mại Singapore tại Việt Nam, Thi Dũng Thắng, lại đặt cược rằng Việt Nam có thể tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian tới. Từng có thời gian dài công tác ở Trung Quốc và luôn bám sát tình hình Trung Quốc và Việt Nam trong nhiều năm, Thi Dũng Thắng cho rằng khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thu hẹp xuống còn 10 năm. 

Vấn đề then chốt là Việt Nam có thể vận dụng vũ khí công nghệ trong quá trình trỗi dậy hay không. Việt Nam có thể dựa vào các công nghệ như 5G và trí tuệ nhân tạo để bớt đi đường vòng hay thậm chí tăng tốc ở khúc cua. Trong khi chưa phổ biến công nghệ và chưa có mô hình phát triển nào để đi theo, Việt Nam có thể tham khảo con đường mà Trung Quốc đã đi.

Việt Nam chỉ có thể làm lung lay địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc? - Ảnh 12.

Tự động hóa đang được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực. Nhà máy lắp ráp ô tô VinFast là một điển hình.

Ảnh hưởng đối với quá trình công nghiệp hóa ở khu vực Trung Tây của Trung Quốc

Mặc dù trước mắt việc chuyển dịch một bộ phận ngành sản xuất cấp thấp của Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam sẽ không làm lung lay địa vị công xưởng thế giới của Trung Quốc, nhưng sẽ tác động đến quá trình công nghiệp hóa ở khu vực Trung Tây nước này.

Phó giáo sư Lý Minh Giang của Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore cho rằng một trong những mục tiêu của chiến dịch đại khai phá miền Tây của Trung Quốc là chuyển dịch các ngành nghề sang các đô thị loại hai, loại ba của khu vực Trung Tây sau khi năng lực sản xuất ở khu vực ven biển phía Đông bão hòa nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc áp dụng biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh và cạnh tranh chiến lược với Mỹ, cũng như việc các nước phương Tây đẩy mạnh quá trình tách khỏi Trung Quốc khiến một bộ phận ngành sản xuất cấp thấp được chuyển dịch ra nước ngoài. 

Theo Lý Minh Giang, khu vực Trung Tây sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện công nghiệp hóa, cho dù là ở trình độ thấp. Nền kinh tế khu vực Trung Tây có thể thiếu động lực phát triển trong thời gian dài và mức thu nhập của người dân địa phương có thể khó được cải thiện. Điều này sẽ gây ra các vấn đề kinh tế vĩ mô như tiêu dùng trong nước khó hồi sinh và khoảng cách giữa các khu vực ngày càng lớn.

Tuy nhiên, chuyên viên nghiên cứu Hứa Lợi Bình của Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định rằng chỉ có các đơn đặt hàng, chứ không phải ngành nghề, được chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nói một cách chính xác, đó là sự chuyển dịch đơn hàng, chứ không phải chuyển dịch ngành nghề.

Theo Hứa Lợi Bình, nhiều doanh nghiệp đặt nhà máy ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Khi bên này dịch bệnh nghiêm trọng, đơn hàng được chuyển dịch sang bên kia. Tuy nhiên, giá trị của các đơn hàng được chuyển dịch không cao và giá trị gia tăng tương đối thấp. 

Do đó, mặc dù sản lượng và kim ngạch thương mại của ngành sản xuất gia công Việt Nam rất lớn, nhưng lợi ích thu về không cao. Điều này cũng được phản ánh ở việc thặng dư ngoại hối của Việt Nam khá thấp.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement