14/07/2020 15:02
Ngôi vị “công xưởng thế giới” của Trung Quốc đang bị lung lay
Hơn hai năm kể từ khi Mỹ bắt đầu áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, số lượng các doanh nghiệp nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ngày một gia tăng.
Xu hướng này liệu có phải là minh chứng cho những lời đồn đại về một sự thoái trào của khái niệm “công xưởng thế giới” hay không? Dưới đây là nhận định của giới chuyên gia liên quan đến vấn đề này.
“Giọt nước tràn ly”
Tại Nhật Bản, theo kết quả điều tra của Ngân hàng dữ liệu Teikoku, thời điểm tháng 1/2020, số lượng công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc là 13.646 công ty, giảm 39 công ty so với năm 2019 và giảm tới 748 công ty so với năm 2012. Lý do giải thích cho sự sụt giảm này chính là xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê của báo Nikkei (Nhật Bản) cho thấy số lượng các doanh nghiệp lớn sẽ chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã vượt con số 50 doanh nghiệp. Trong số này, tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ đang thúc đẩy các đối tác chính chuyển 15-30% cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Gotech - hãng điện tử lớn của Trung Quốc - cũng đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất tai nghe cho Apple ra nước ngoài. Trong khi đó, hai hãng công nghệ khác của Mỹ là HP và Dell đã lên kế hoạch chuyển 30% sản lượng máy tính xách tay tại Trung Quốc sang các khu vực như Đông Nam Á. Hãng sản xuất thiết bị trò chơi điện tử Nintendo hay hãng sản xuất máy móc xây dựng Komatsu đều của Nhật Bản cũng thông báo chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Bên ngoài một Apple Store tại Trung Quốc. Ảnh: AppAdvice. |
Báo điện tử El Nuevo Herald mới đây dẫn nhận định của nhà phân tích Andres Oppenheimer cho rằng khu vực Mỹ Latinh đang có cơ hội thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay bằng cách “đón đầu” dòng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo ông Oppenheimer, xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng kể khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Cùng với đó, căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai siêu cường này có thể sẽ không giảm bớt cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới hay không.
Đại dịch COVID-19 bùng phát như “giọt nước tràn ly” khiến làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới bùng lên mạnh mẽ. Nhiều công ty đa quốc gia đã lên kế hoạch đưa các nhà máy ra khỏi Trung Quốc sau khi chuỗi cung ứng của họ bị tê liệt do Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế vì dịch COVID-19. Điều này khiến các tập đoàn lớn nhận ra tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung để không phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu do Ngân hàng Liên minh Thụy Sỹ (UBS) thực hiện vào tháng 6/2020, khoảng 76% các công ty Mỹ có nhà máy ở Trung Quốc đã ra quyết định hoặc đang xem xét chuyển một phần hoạt động sang các nước khác để đa dạng hóa chuỗi sản xuất. Các tập đoàn lớn cũng lên kế hoạch đưa các nhà máy trở lại Mỹ hoặc tăng cường đầu tư vào ngành sản xuất tại những quốc gia có khoảng cách địa lý gần Mỹ.
Đây có thể là “cơ hội vàng” cho Mỹ Latinh khi mà các quốc gia trong khu vực có khoảng cách gần thị trường Mỹ và sở hữu lực lượng lao động trẻ với mức lương tương đối thấp. Tuy nhiên, ông Oppenheimer cho biết, rất ít các nhà lãnh đạo trong khu vực đang xem xét đến vấn đề này, chứ chưa nói đến việc đưa ra hành động cụ thể.
Khác biệt về chất?
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc trong năm 2017 đạt khoảng 1.800 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại việc các doanh nghiệp chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ tác động xấu tới môi trường lao động, đầu tư và cả nền kinh tế.
Cùng với đó, việc các doanh nghiệp lớn chuyển dịch khỏi Trung Quốc đang kéo theo sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp duy trì sản xuất tại Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với việc phải thiết lập một hệ thống sản xuất, cung ứng cả trong và ngoài Trung Quốc, làm gia tăng chi phí sản xuất dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng dữ liệu Teikoku, một số dự án đầu tư quy mô lớn mới của Nhật Bản tại Trung Quốc vẫn được lên kế hoạch và triển khai thực hiện. Trong đó, hai nước tiếp tục xây dựng cấu trúc chuỗi cung ứng đa dạng và vững chắc.
Ảnh minh họa. |
Một lãnh đạo doanh nghiệp tại thành phố Osaka đã nói rằng, nếu xây dựng cơ sở chế tạo ở nước ngoài, chắc chắn họ sẽ đặt tại Trung Quốc bởi quốc gia Đông Bắc Á này có sự khác biệt về "chất" so với các nước khác. Nếu suy nghĩ về mức độ thành thục của các công xưởng chế tạo thì rõ ràng Trung Quốc không thể bị bỏ qua.
Theo kết quả khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc về "Kế hoạch kinh doanh tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc" hồi tháng 5/2020 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 20% trong số 83 công ty tham gia khảo sát trả lời sẽ "mở rộng quy mô", 72% cho biết "không thay đổi kế hoạch trong một đến hai năm tới.
Theo Cơ quan thường trú của hãng thông tấn Kyodo tại Thượng Hải, ngày 27/5, khoảng 140 nhân viên thường trú người Nhật Bản của doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô đã quay trở lại thành phố Vũ Hán. Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã cho phép những nhân viên này được nhập cảnh với mong muốn đẩy nhanh việc mở trở lại hoạt động kinh tế.
Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, nhiều chỉ trích về toàn cầu hóa quá mức đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, những lời kêu gọi thực hiện chủ nghĩa bảo hộ đã làm dấy lên quan ngại về xu hướng các nước đóng băng nền kinh tế.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng cần phải tiến hành tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Trong gói chính sách kinh tế khẩn cấp để đối phó với dịch COVID-19 được Nội các thông qua ngày 20/4, Chính phủ nước này đã dành khoản tiền để tăng cường cấu trúc chuỗi cung ứng vững mạnh thông qua chiến lược đa dạng hóa và dịch chuyển cơ sở sản xuất về Nhật Bản. Điều này cho thấy Chính phủ Nhật Bản muốn giảm sự phụ thuộc đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc đảm bảo rằng môi trường kinh tế có thể thay thế Trung Quốc là điều không hề dễ dàng. Trong cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18 và 19/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sẽ duy trì sự ổn định của hệ thống cung ứng thế giới và sẽ nỗ lực để phục hồi kinh tế toàn cầu.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc cải cách kinh tế thế giới và có được vị trí Lãnh đạo toàn cầu. Mặc dù Trung Quốc hiện nay không cho thấy được năng lực chỉ đạo cũng như sự tin cậy cần thiết, song dịch COVID-19 lần này có thể sẽ là cơ hội để Trung Quốc thể hiện tiềm lực kinh tế của mình đối với thế giới, chứ không phải là sự thoái trào của khái niệm “công xưởng thế giới”.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp