09/04/2021 18:19
Việt Nam có nguy cơ trở thành 'công xưởng' sản xuất hàng giả
Thời gian gần đây lực lượng quản lý thị trường các địa phương liên tục thu giữ số lượng lớn hàng tiêu dùng nhái, giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu lớn, thượng hiệu đã được bảo hộ. Một số chuyên gia lo lắng Việt Nam có nguy cơ trở thành “công xưởng” sản xuất hàng giả, hàng nhái.
Hàng giả, nhái, giả mạo thương hiệu tại kho hàng gần 1.000m2 bị phát hiện tại tỉnh Ninh Bình hồi cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: QLTT cung cấp |
Mỗi vụ hàng vạn sản phẩm giả, nhái, bán hàng qua livestreams
Cuối tháng 3 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra kho hàng diện tích gần 1.000m2 của ông Trần Văn Bản (ở thôn Điềm Khê, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn). Kho hàng chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Theo cơ quan quản lý thị trường Ninh Bình, đây là kho hàng vi phạm lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh. Một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng để kinh doanh là sử dụng công nghệ livestreams bán hàng trên mạng xã hội, chủ yếu là Facebook.
Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, trong 6 tháng có hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán.
Tính trung bình một ngày có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ giao hàng.
Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở, mỗi video livestream có khoảng 5.000 lượt xem và trung bình một ngày sẽ có khoảng 1.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển.
Trước đó, quản lý thị trường Hà Nam cũng tạm giữ hơn 5.000 thành phẩm là quần áo thời trang nam các loại có gắn nhãn thương hiệu Adidas, Nike, Lacoste, Burberry và hơn 4.000 nhãn rời mang nhãn hiệu Adidas, Nike, Burberry tại một cơ sở sản xuất. Chủ cơ sở không xuất trình được hợp đồng gia công và hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Trước đó nữa, hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức livetreams đã bị quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ.
Cũng tại Hà Nội hồi tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng cũng thu giữ 3.000 sản phẩm giày dép thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Zara, Hermes.
Cần sửa đổi nhiều quy định pháp luật
Theo số liệu thống kê của ngành quản lý thị trường các mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, điện tử... Hàng giả được mua bán công khai, tràn lan trên các website thương mại, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook...
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay diễn biến khá phức tạp. Qua thu thập, nghiên cứu cho thấy hàng giả thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng.
Việc phát hiện vi phạm vì thế gặp khó khăn nhất định. Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.
Trong đó, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua mạng Internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa hoàn thiện.
Công tác phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử cũng rất khó khăn vì các đối tượng thường sử dụng nhiều tài khoản trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Có đối tượng còn tinh vi hơn, sử dụng phần mềm thay đổi địa chỉ IP (địa chỉ để nhận diện một người khi truy cập internet) nhằm trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác thu thập, kiểm tra xử lý các hành vi gian lận thương mại trên nền tảng thương mại điện tử.
Ông Trần Hữu Linh cũng cho biết, năm 2021 lực lượng quản lý thị trường tập trung tiếp tục kiểm tra, kiểm soát trên thương mại điện tử và triển khai đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Linh, việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục QLTT đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng chống gian lận trên môi trường internet. Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, năm 2020, QLTT đã xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường internet, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới, như trên các mạng xã hội, kênh bán hàng đa kênh livestream.
Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái mang lại siêu lợi nhuận nên ngày càng có nhiều đối tượng tham gia.
Các hình thức mua bán qua mạng, trang thương mại điện tử phát triển mạnh, và có sàn thương mại điện tử bỏ lỏng khâu kiểm tra chất lượng nên hàng giả, hàng nhái bán nhan nhản trên các nền tảng này.
Đặc biệt là sự xuất hiện của các mạng xã hội như Facebook với số người dùng lớn, sức lan tỏa mạnh. Kẻ xấu bán hàng giả, hàng nhái rầm rộ, hai buổi livestream có thể kiếm được vài tỉ đến vài chục tỉ đồng mà cơ quan quản lý không thể biết, kiểm soát nổi.
Nỗi lo Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất hàng giả, nhái
Một chuyên gia về thương mại điện tử tại TPHCM cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay ngày càng tinh vi, phức tạp. Luật, chế tài xử lý cũng như cơ quan quản lý vẫn chưa thể theo kịp những đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Hiện nay do sự bùng nổ của thương mại điện tử, mạng xã hội nên việc buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng dễ dàng hơn.
Cũng theo vị chuyên gia này, vì lợi nhuận khổng lồ nên ngoài việc nhập hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc về như trước đây thì hiện nay nhiều đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái ngay tại Việt Nam.
Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái này tập trung vào những mặc hàng có giá trị cao nên mang lại lợi nhuận rất lớn. Sản xuất, buôn bán hàng giả hàng nhái ngày càng dễ dàng hơn nhưng luật thì chưa theo kịp, cơ quan quản lý chưa đủ sức để kiểm tra xử lý hết. Nên không khéo Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi tiếng thế giới. Như vậy sẽ hết sức nguy hiểm.
Ông Ngô Bách Phong, Phó chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM cho biết sở dĩ hàng giả, hàng nhái vẫn có đất sống là bởi nhu cầu của người tiêu dùng về những sản phẩm giá rẻ, có “thương hiệu” (dù là giả mạo) vẫn là rất lớn. Trong điều kiện thương mại điện tử phát triển như hiện nay, đất sống của hàng giả, nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hình như lại càng được mở rộng.
Cũng theo ông Ngô Bách Phong công cụ quản lý của Nhà nước hiện nay cũng chưa theo kịp để bảo vệ người tiêu dùng trước cơn bão hàng gian, hàng giả. Ví dụ như, Luật Bảo vệ người tiêu dùng ra đời năm 2010 có nội dung khi gặp các vấn đề về hàng gian, hàng giả người tiêu dùng có thể đi khiếu nại. Tuy nhiên, khiếu nại ở đâu cũng là một vấn đề khi mà cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp phường, xã cũng chưa có bộ phận chuyên tiếp nhận, bảo vệ người tiêu dùng.
Ở cấp Trung ương có một bộ phận nằm trong phòng quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương. Hướng dẫn người tiêu dùng tới các tổ chức xã hội để khiếu nại cũng chưa ổn vì các tổ chức xã hội như hội bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ có chức năng tiếp nhận đơn thư, tổ chức hòa giải.
Hay trong luật có đề cập đến việc tòa án có thể tổ chức phiên tòa rút gọn để xử lý các vụ án liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng nhưng trên thực tế chưa có phiên tòa như vậy.
Advertisement
Advertisement