03/09/2021 10:51
Hàng loạt ‘công xưởng’ châu Á suy giảm sản xuất vì COVID-19
Hoạt động nhà máy tại châu Á mất đà tăng trong tháng 8 do Covid-19 bùng phát làm gián đoạn các chuỗi cung ứng tại khu vực.
Hoạt động sản xuất tháng 8 tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều chững lại do bị gián đoạn bởi tình trạng thiếu chip và các nhà máy đóng cửa – dấu hiệu mới nhất cho thấy ảnh hưởng dai dẳng từ đại dịch COVID-19.
Tại Trung Quốc, hoạt động nhà máy tháng 8 thu hẹp lần đầu tiên trong gần 1,5 năm vì các biện pháp kiểm soát COVID-19, nút thắt cổ chai chuỗi cung ứng và giá vật liệu thô tăng. Hệ quả trên vượt ngoài kỳ vọng thị trường, cho thấy sự mỏng manh trong đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc – động lực đã giúp kinh tế thế giới đi lên từ đáy đại dịch.
“Các gián đoạn liên quan COVID-19 tạo thêm trở ngại, đang gồm thiếu bán dẫn và phí vận tải biển cao, cho các nhà sản xuất khu vực”, Alex Holmes, kinh tế gia thị trường mới nổi châu Á tại Capital Economics, nói.
Công nhân đeo khẩu trang tại một nhà máy của SMC ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 5/2020. Ảnh: Reuters. |
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit Trung Quốc tháng 8 giảm còn 49,2 điểm từ 50,3 điểm hồi tháng 7. PMI trên 50 thể hiện sự mở rộng và ngược lại.
“Đợt bùng dịch COVID-19 gần nhất tạo ra thách thức lớn đến quá trình bình thường hóa kinh tế bắt đầu từ quý II năm ngoái”, Wang Zhe, kinh tế gia cấp cao tại Caixin Insight Group, nhận định.
PMI Caixin/Markit, khảo sát lĩnh vực tư nhân, được công bố một ngày sau PMI chính thức – cũng phản ánh đà giảm tốc so với tháng 7 nhưng vẫn trên mốc 50 điểm.
PMI Nhật Bản tháng 8 giảm còn 52,7 điểm so với mức 53 điểm của tháng 7 với số đơn xuất khẩu lần đầu tiên giảm kể từ tháng 1.
PMI Hàn Quốc tháng 8 là 51,2 điểm, thấp hơn so với 53 điểm tháng 7 nhưng vẫn giữ trên 50 điểm tháng thứ 11 liên tiếp.
PMI Đài Loan giảm từ 59,7 điểm tháng 7 còn 58,5 điểm. PMI Việt Nam giảm từ 45,1 điểm tháng 7 xuống 40,2 điểm.
Từng được coi là động lực tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi châu Á đang dần tụt lại so với các nền kinh tế phát triển trong quá trình phục hồi hậu đại dịch do quá trình triển khai tiêm chủng chậm và biến chủng Delta ảnh hưởng chi tiêu dùng, sản xuất.
Advertisement
Advertisement