21/04/2024 17:10
Vì sao đà tăng của giá dầu bị suy yếu?
Bất chấp tình hình địa chính trị tại khu vực Trung Đông đang leo thang, giá dầu trong những ngày gần đây đã quay đầu đi xuống, khiến kỳ vọng về ngưỡng giá 100 USD/thùng ngày càng trở nên yếu hơn.
Trong phiên 17/4, giá dầu Brent Biển Bắc và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) - hai loại dầu chuẩn của thế giới đã giảm khoảng 0,6%, ở mức lần lượt là 86,69 USD/thùng và 82,06 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch trước đó, giá cả hai loại dầu này cũng đã giảm khoảng 3%. Khép phiên cuối tuần (19/4) giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,21% lên 87,29 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2024 tăng 0,5% lên 83,14 USD/thùng dù cho Israel đã có hành động đáp trả vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hôm 13/4 của Iran.
Tại sao dầu thô ngừng đà tăng gần như ngay lập tức, mặc dù xung đột giữa Israel và Iran không hề bị ngăn chặn? Các nhà giao dịch và nhà phân tích đang xem xét các yếu tố thúc đẩy giá khác, có thể lý giải cho câu hỏi này, như nhu cầu không chắc chắn và nguồn cung không quá hạn chế.
Theo lý giải của thị trường, giá dầu đang giảm là do các nhà giao dịch vốn đã tính đến rủi ro của một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông, trong khi lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng tuần thứ tư liên tiếp đem lại sự an toàn cho nguồn cung và triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 2,7 triệu thùng trong tuần trước vào lúc các chỉ số nhu cầu nhiên liệu giảm. Điều này làm tăng thêm dấu hiệu cho thấy thị trường đã hạ nhiệt sau đợt phục hồi giá dầu hồi đầu tháng Ba.
Các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs dự kiến mức chênh lệch giá dầu do căng thẳng ở Trung Đông sẽ từ 5-10 USD/thùng, nhưng giá dầu giao kỳ hạn có thể đi xuống nếu căng thẳng dịu bớt.
Theo chuyên gia phân tích hàng hóa tại ngân hàng UBS, báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 17/4 đã đưa ra những đánh giá không lạc quan về nhu cầu dầu toàn cầu, thêm vào đó là phần bù cho rủi ro địa chính trị đang giảm. Điều này giải thích một phần nguyên nhân vì sao giá dầu đi xuống.
Các nhà phân tích tại ANZ Research cũng xác nhận việc Israel không có phản ứng trả đũa ngay lập tức trước cuộc tấn công ngày 13/4 của Iran đã khiến thị trường giảm phần bù rủi ro địa chính trị. Mãi tới ngày 19/4 Israel mới có hành động đáp trả Iran.
Những lo ngại về một cuộc xung đột ngày càng mở rộng tiếp tục khiến thị trường lo lắng, nhưng thực tế là "không có bất kỳ thùng dầu nào bị rút khỏi thị trường" và Tổ chức Hợp tác các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và liên minh, hay còn gọi là OPEC+, có công suất dự phòng đáng kể khiến các nhà đầu tư yên tâm.
Cũng cần lưu ý đến yếu tố nhu cầu vẫn còn yếu, đặc biệt khi xét tới tình trạng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu. Các nhà phân tích tại Ngân hàng JP Morgan nhấn mạnh trong một lưu ý rằng mức tiêu thụ dầu toàn cầu tính đến tháng 4 đã thấp hơn 200.000 thùng mỗi ngày so với dự báo, trung bình 101 triệu thùng mỗi ngày. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu về dầu đã tăng 1,7 triệu thùng/ngày, giảm so với dự báo tháng 11/2023 là 2 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, tính trung bình từ đầu năm đến nay, giá dầu vẫn tăng đáng kể, do việc cắt giảm nguồn cung của các thành viên OPEC+ và rủi ro địa chính trị ở khu vực Trung Đông, kết hợp với lệnh ngăn chặn dầu Nga. Sự phục hồi này đã làm dấy lên suy đoán rằng dầu thô có thể lấy lại mức giá 100 USD/thùng, mặc dù đà tăng hiện đã chững lại.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng được chú ý trở lại. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp dụng lại các hạn chế đối với dầu mỏ của Venezuela, chấm dứt thỏa thuận đình chiến kéo dài sáu tháng trong một động thái có thể cản trở dòng chảy dầu từ quốc gia Nam Mỹ này ra thế giới. Đồng thời, các biện pháp trừng phạt mới đối với dầu Iran cũng đã được đảng Cộng hòa lên kế hoạch để đưa ra bỏ phiếu.
(Nguồn: TTXVN/Money)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp