17/05/2023 17:50
Ukraina tung hỏa mù trước chiến dịch lớn?
Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại London ngày 15/5, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nói rằng Kiev "cần có thêm thời gian" để chuẩn bị cho cuộc phản công. Thực tế cho tới nay, chưa ai dám chắc khả năng cuộc phản công này đã thật sự bắt đầu, hay khi nào mới thật sự diễn ra.
Sau chiến dịch tấn công mùa Đông của quân Nga không mang lại những thay đổi lớn trên chiến trường, các đồng minh phương Tây chờ đợi lực lượng Kiev sẽ lấy lại thế chủ động. Mọi con mắt dĩ nhiên đang đổ dồn về thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraina, nơi đang diễn ra các trận giao tranh dai dẳng và đẫm máu nhất kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2/2022.
Tình hình chiến sự tại đây vẫn không rõ ràng. Quân đội Ukraina khẳng định đã chiếm lại "hơn 10 vị trí" của quân Nga ở ngoại ô Bakhmut và lần đầu tiên từ nhiều tháng qua đã bắt đầu tiến đánh quanh thành phố này.
Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố "đang tiến thêm vào Bakhmut, mà họ đang kiểm soát phần lớn". Giới phân tích và quan sát cho rằng "các nguồn tin vẫn không đáng tin cậy và rất khó phân định được thực hư".
Tuy vậy, điều có thể chắc chắn là từ nhiều tuần qua, lực lượng Nga đã chuyển sang thế thủ, thiết lập một tuyến phòng ngự dài hơn 800 km, huy động nhiều binh lính để trấn giữ. Hệ thống phòng thủ này bao gồm nhiều hố chặn xe tăng, rào cản, cũng như các hào giao thông. Trước một hệ thống phòng thủ như vậy, trong cuộc phản công ở Bakhmut, quân Ukraina chắc chắn sẽ thiệt hại rất nhiều nhân mạng và vũ khí.
Tung hỏa mù
Lucas Webber, một trong các nhà sáng lập của trang mạng phân tích Militant Wire, ước đoán có thể lực lượng của Kiev đã bắt đầu mở các cuộc tấn công cục bộ để đánh giá hiệu quả hệ thống phòng thủ Nga.
Webber nói thêm: "Rất khó để nói là chiến dịch phản công như dự kiến đã thật sự bắt đầu hay chưa, nhưng những hành động hiện nay của quân Ukraina dường như cho thấy họ đang chuẩn bị một điều gì đó quan trọng hơn nhiều".
Nhà nghiên cứu Ivan Klyszcz, làm việc tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế ở Estonia, bình luận: "Tôi nghiêng về cách giải thích rằng Ukraina đang kìm chân lực lượng Nga ở Bakhmut để giữ họ phải tập trung cho một mặt trận cụ thể trong khi lực lượng Ukraina thăm dò các khu vực khác nhau.
Sơ bộ tôi đánh giá rằng các hoạt động thăm dò và định hình thực tế này sẽ tiếp diễn nhưng ở cấp độ chiến thuật, nghĩa là cho đến khi giới lãnh đạo quyết định thời điểm tốt nhất để khởi động một chiến dịch lớn hơn".
Thành phố Bakhmut không có giá trị đáng kể về mặt chiến lược, nhưng theo chuyên gia Weber, nếu quân Ukraina phản công giành thắng lợi tại thành phố này, đây sẽ là một thất bại lớn đối với Moskva. Lực lượng Kiev cũng có thể đánh chiếm lại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia miền Đông Nam từ Nga.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây khác dự đoán quân Ukraina có thể tập trung phản công vào các khu vực phía Nam của mặt trận, hay vào thành phố Severodonetsk ở miền Đông, hiện cũng do Nga chiếm giữ.
Trong bối cảnh quân Ukraina chuẩn bị phản công, cả hai bên đều đang ráo riết tiến hành các hoạt động bí mật nhằm làm suy yếu đối phương, như các vụ phá hoại trên phần lãnh thổ Nga sát mặt trận, hay các vụ oanh kích vào những kho súng đạn của Ukraina.
Phía Kiev dường như cũng đang tung những thông tin về cái gọi là "sự yếu kém" của quân Ukraina để "ru ngủ" quân Nga. Pierre Razoux, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải (FMES), có trụ sở tại Pháp, cho rằng tình hình hiện tại phản ánh giai đoạn mà cả hai bên đều sử dụng đòn nhử và những chiêu thức để đánh lừa bên kia trước một chiến dịch lớn.
Ông nói: "Cả hai bên đều đang chuẩn bị cho các hành động bí mật, tung hỏa mù và thao túng… Mỗi bên có lẽ đều đang cố gắng kích động bên kia đến chỗ sai lầm bằng cách thuyết phục họ tấn công vào nơi họ có vẻ yếu nhất".
Bên cạnh đó còn có những vụ gây nhiễu thông tin. Ngày 14/5, "The Washington Post" đưa tin nói rằng Prigozhin đã duy trì liên lạc với tình báo Ukraina trong suốt cuộc chiến và thậm chí hồi tháng 1 đã đề nghị cung cấp cho Kiev thông tin về các vị trí của quân đội Nga nếu các chỉ huy của Ukraina rút binh lính khỏi khu vực xung quanh Bakhmut.
Một số nhà bình luận tranh luận rằng có thể nhân vật này đã vượt quá giới hạn và có nguy cơ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận. Prigozhin đã bác bỏ các cáo buộc và coi đó là điều "nực cười".
Ukraina và "đỉnh Olympus"
Người Ukraina ý thức rằng những thành tích vẻ vang trước đó buộc họ phải làm nên những chiến thắng mới. Các đồng minh sẽ tự hỏi, cung cấp vũ khí tân tiến hơn làm gì nếu không tạo được khác biệt trên thực địa?
Nói cách khác, thành công của cuộc phản công là vấn đề sống còn đối với Kiev, song họ vẫn chưa thể nào bảo đảm. Nga đã có thời gian chuẩn bị phòng thủ và vẫn chiếm ưu thế trên không. Tuy có quyết tâm, những thiệt hại về người dù chỉ bằng một nửa quân Nga vẫn là rất lớn đối với Ukraina.
Chiến dịch phản công của Kiev hướng đến 3 mục tiêu: củng cố tinh thần người Ukraina, thuyết phục đồng minh châu Âu và Mỹ thấy rằng họ đã "chọn đúng ngựa để đặt cược", và chứng tỏ cho giới cầm quyền Nga sự phi lý của chiến tranh, cũng như bấp bênh ở các vùng đất chiếm đóng.
Về thời điểm Ukraina phản công, trước hết cần phải hiểu những thách thức phức tạp mà các lực lượng Ukraina đang phải đối mặt.
Là một quân nhân chuyên nghiệp, Tướng Valery Zaluzhny biết rằng ông chỉ có hai lợi thế lớn khi tấn công: chọn thời điểm và địa điểm tấn công. Trong vài tháng qua, có thể là từ mùa Hè 2022 sau cuộc tấn công thành công của Ukraina ở Kharkiv Oblast, Zaluzhny và các chỉ huy đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công này.
Ông đã nghiên cứu các báo cáo tình báo, thăm dò các phòng tuyến của Nga, đưa những lực lượng đặc biệt vào các vị trí quan trọng, nhắm mục tiêu vào trụ sở và nguồn cung ứng của kẻ thù, đồng thời huy động các chiến binh kháng chiến ở phía sau phòng tuyến đối phương.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất mà Zaluzhny cần làm trong suốt giai đoạn này là bồi đắp sức mạnh chiến đấu cần thiết cho cuộc tấn công. Ông cần đồng bộ hóa nỗ lực với các đồng minh, những người đang huấn luyện và trang bị cho lực lượng Ukraina ở các địa điểm trên khắp thế giới.
Sau đó ông cần điều phối hoạt động di chuyển trở lại Ukraina của các lực lượng này, để triển khai tại các căn cứ đóng quân gần các chiến tuyến mà Ukraina muốn tạo ra bước đột phá. Đây là nhiệm vụ phức tạp đối với ngay cả những chỉ huy giỏi nhất.
Ukraina là một đất nước rộng lớn với đường biên giới dài. Việc triển khai các đơn vị này vào vị trí về cơ bản có thể nói ngắn gọn qua khái niệm "RSOI", gồm Tiếp nhận, Dàn dựng, Tiến lên và Tích hợp. Đây là một hoạt động diễn tập được đặc biệt chú trọng cho ngay cả các lực lượng tinh nhuệ nhất.
Một chuyên gia từng mô tả: "Điều này giống như tập hợp, tổ chức hàng tá mảnh ghép khác nhau thành các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, sau đó di chuyển chúng khắp chiến trường".
Sau khi hợp nhất các lực lượng mới được huấn luyện, nhiệm vụ tiếp theo là triển khai chiến đấu. Trong cuộc tấn công, Zaluzhny phải đưa quân vượt Dnepr để đối mặt với đối thủ đã có nhiều tháng để chuẩn bị. Một tập hợp các chướng ngại vật phức tạp và một loạt vành đai phòng thủ đáng sợ cùng các chiến sự tiềm tàng đang chờ đợi ở các vùng Kherson và Zaporizhzhia.
Các hoạt động tấn công đòi hỏi nhiều lực lượng, sự khéo léo và cơ động cao hơn, cần nhắm mục tiêu và khai hỏa chính xác, đồng thời cần cả các đường tiếp tế dài hơn và an toàn hơn. Quân đội Ukraina chưa thực hiện bất cứ điều gì tương tự ở quy mô này.
Và thực tế là ngay cả một lực lượng tinh nhuệ, được huấn luyện bài bản cũng khó có thể tập trung sức mạnh chiến đấu ở nhiều điểm quyết định trong chiến dịch tấn công. Nhưng đó là điều mà quân đội Ukraina phải làm.
Rất khó để nói mọi chuyện sẽ diễn ra chính xác như thế nào. Có thể đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn, sẽ là thử thách nghiêm trọng lực lượng mới được tập hợp của Ukraina. Chiến dịch này sẽ dẫn đến nhiều thương vong cho cả hai bên và làm căng thẳng ý chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Zelensky cũng sẽ cần chuẩn bị cho những gì xảy ra sau những trận chiến này. Người dân Ukraina trong lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ cần hỗ trợ nhân đạo. Các hoạt động rà phá bom mìn quy mô lớn là cần thiết, trong khi cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng cần được xây dựng lại. Ngân hàng Thế giới ước tính chi phí tái thiết của Ukraina hiện tại vào khoảng 411 tỷ USD, và con số cuối cùng chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ cũng phải chuẩn bị để tiếp tục hỗ trợ quân đội Ukraina vô thời hạn. Tất cả các cuộc chiến đều kết thúc bằng một số thỏa thuận chính trị nào đó, song Nga sẽ không hài lòng. Quá khứ từng cho thấy cam kết là thứ gì đó không dễ tin.
Hòa bình và chiến thắng có thể sẽ đến với Ukraina. Song điều đó sẽ không đến dễ dàng, và cũng không dài lâu. Vì lẽ đó, phương Tây phải tiếp tục hỗ trợ Ukraina.
(Nguồn: TTXVNChannelnewsasia/washingtonpost/RFI)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement