18/10/2022 08:58
Ukraina sẽ trở lại 'chiếu dưới' sau khi Nga tăng cường tấn công bằng máy bay không người lái 'kamikaze'?
Trong những ngày gần đây, Nga tăng cường không kích vào lãnh thổ Ukraina bằng tên lửa và máy bay không người lái tự sát. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này cũng khó có thể làm thay đổi tình hình chiến sự theo chiều hướng tích cực cho Nga.
Theo các quan chức chính quyền Kyiv, các đợt không kích mới của Nga vào Ukraina trong vòng 1 tuần qua đã khiến hơn 25 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Các cuộc không kích, bắt đầu từ ngày 10/10, đã nhắm vào ít nhất 10 khu vực trên khắp đất nước và được thực hiện bằng tên lửa của Nga cũng như máy bay không người lái do Iran sản xuất, chính quyền Ukraina cho biết.
Hàng loạt máy bay không người lái chứa đầy chất nổ được gọi là máy bay không người lái "kamikaze" - tức máy bay không người lái tự sát - đã nhắm mục tiêu vào Kyiv hôm thứ Hai (17/10), giết chết ít nhất 4 người và làm thiệt hại một số cơ sở năng lượng.
Theo thị trưởng Kyiv, trong số các nạn nhân có một cặp vợ chồng trẻ đang mang thai 3 tháng. Không quân Ukraina cho biết họ đã tiêu diệt ít nhất 37 máy bay không người lái trong một ngày. Về phần mình, các quan chức ở Tehran (Iran) phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga.
Tại sao chúng được gọi là máy bay không người lái 'kamikaze'?
Không giống như máy bay không người lái khác, sẽ quay trở lại căn cứ sau khi phóng tên lửa vào mục tiêu, máy bay không người lái "kamikaze" hoặc "tự sát" sẽ tự hủy sau khi tấn công mục tiêu.
Nhà phân tích quốc phòng Alex Gatopoulos của Al Jazeera cho biết, những máy bay này có thể bay lơ lửng trên một khu vực để xác định mục tiêu trước khi lao xuống để tiêu diệt.
Giống như tên lửa hành trình, chúng có thể tấn công các mục tiêu cách xa hàng trăm km, nhưng tên lửa hành trình rất đắt tiền và theo Gatopoulos, máy bay không người lái "kamikaze" là một lựa chọn thay thế rẻ hơn nhưng cũng chính xác.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy cho biết Nga đã mua 2.400 máy bay không người lái "kamikaze" trong bối cảnh tên lửa của Nga đang cạn.
Những máy bay không người lái "kamikaze" đến từ đâu?
Ukraina cho biết Nga đã nhập khẩu máy bay không người lái từ Iran, nơi chúng được gọi là Shahed-136, có thể được dịch là "nhân chứng của đức tin" hoặc "người tử vì đạo".
Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraina, cáo buộc Tehran phải chịu trách nhiệm về "những vụ giết người Ukraina" trong khi Điện Kremlin không bình luận về những vấn đề này.
Iran, quốc gia coi sự hiện diện của NATO ở Đông Âu là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến, đã từ chối cung cấp vũ khí cho Nga.
Gatopoulos cho biết, các máy bay không người lái này không có khả năng do Nga sản xuất bởi vì Moscow "đã đi sau trong việc phát triển các máy bay không người lái chiến thuật cấp thấp, đặc biệt là các máy bay không người lái có vũ trang".
Samir Puri, một nhà phân tích tại King's College London, nói với Al Jazeera rằng, một số hình thức thỏa thuận mua bán có thể đã diễn ra giữa Moscow và Tehran.
Theo Samir Puri, những chiếc máy bay không người lái này đã được "mua lại từ Iran, chuyển đến khu vực chiến sự và được sử dụng như một loại vũ khí đánh lừa hệ thống phòng không Ukraina bằng cách thêm một thứ gì đó.
Liệu nó có thay đổi cục diện cuộc chiến ở Ukraina?
Máy bay không người lái "Kamikaze" có giá thấp hơn đáng kể so với tên lửa hành trình, tuy nhiên, chúng vẫn không hề rẻ. Một chiếc được cho là có giá khoảng 20.000 USD, Puri nói.
"Điều đó khiến bạn cũng phải suy nghĩ vì thực tế rằng chúng là vũ khí sử dụng một lần", ông nói thêm. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng đồng loạt gây ra thách thức đối với hệ thống phòng không Ukraina, một phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraina nói với hãng tin AP.
Các quốc gia phương Tây đã hứa sẽ hỗ trợ Kyiv các hệ thống có thể bắn hạ máy bay không người lái, nhưng phần lớn vũ khí đó vẫn chưa đến tay Kyiv và có thể vài tháng nữa những thứ này mới được chuyển giao.
Mặc dù việc triển khai máy bay không người lái "sẽ khiến người Ukraina phải lo lắng về một hệ thống vũ khí khác", nhưng nó không có khả năng thay đổi cuộc chơi, ông Puri nói.
(Nguồn: Al Jazeera)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp