23/06/2023 16:58
Trung Quốc và Nga thân thiết đến mức nào?
Mỹ nhận ra rằng họ đang ở thế cạnh tranh với cả 2 quốc gia theo những cách khác nhau.
Washington hậu thuẫn Ukraina với nguồn tài chính và vũ khí khổng lồ để chống đỡ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Tuy nhiên, giới chóp bu chính sách đối ngoại của Washington có lẽ còn lo ngại hơn về sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc toàn cầu có thể chống lại Mỹ.
Một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là điều không thể tránh, song căng thẳng song phương đang dâng cao tới mức quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh đã trở thành một thách thức mới đối với Washington.
Các nhà phân tích cho rằng cả Trung Quốc và Nga nhìn nhận cuộc xung đột với Mỹ là cuộc xung đột sống còn. Đây cũng là lý do khiến cả 2 thúc đẩy quan hệ đối tác trên các khía cạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế.
Với thực tế cả Nga và Trung Quốc đều khép kín và chuyên quyền, rất khó để khẳng định về mức độ sâu rộng của quan hệ này ngoài tình bạn của hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin, hai người đã có tới 40 lần gặp mặt trong thập kỷ qua.
Nhà nghiên cứu Patricia Kim, làm việc tại Viện Brookings, người đã theo dõi sát sao mối quan hệ đối tác giữa hai nước, bình luận: "Việc Trung Quốc xúc tiến hợp tác toàn diện với Nga là điều đáng chú ý. Tất nhiên điều này đã khiến Bắc Kinh phải trả một cái giá ngoại giao lớn về hình ảnh toàn cầu, thực tế cho thấy Trung Quốc coi trọng Nga như một đối tác chiến lược như thế nào".
Đây liệu có phải mối quan hệ đối tác "không giới hạn"? Liệu Nga có phải là "đối tác chiếu dưới" của Trung Quốc? Mối quan hệ Nga-Trung có thể nói lên nhiều điều.
Ba tuần trước khi Nga đưa quân vào Ukraina, Putin đã tới Bắc Kinh để dự Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh. Ông và Tập Cận Bình đã ra một tuyên bố chung công khai tình hữu nghị "không giới hạn", cho thấy hai nước đã trở nên thân thiết như thế nào.
Khi hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau vào mùa Xuân năm nay, cụm từ đó đã không xuất hiện trong tuyên bố chung, trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc đã kiềm chế nói về mối quan hệ này, với một trong những lý do được nhắc đến là nhằm duy trì quan hệ với châu Âu.
Tuy nhiên, tình hữu nghị vẫn tiếp tục. Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson Yun Sun nhận định: "Trung Quốc sẽ không bỏ rơi Nga, nhưng điều đó rất khác so với quan hệ đối tác không giới hạn".
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Antony Blinken đã cảnh báo Trung Quốc về những rủi ro khi tích cực trang bị vũ khí và hỗ trợ Nga ở Ukraina. Cho đến nay, Trung Quốc phủ nhận việc họ gửi vũ khí cho Nga, dù Ukraina tuyên bố nhiều thiết bị vũ khí của Trung Quốc đã được phát hiện trong những vật liệu mà nước này thu được từ Nga.
Khi Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế trên diện rộng, nước này đã chuyển hướng sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương Nga-Trung đạt 93,8 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng khoảng 40% so với năm ngoái.
Theo "The Wall Street Journal", chất bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu được đánh giá cao của Trung Quốc, vì "các lô hàng mạch điện tích hợp đến Nga được định giá 179 triệu USD vào năm 2022 so với chỉ 74 triệu USD vào năm 2021".
Tuy nhiên, cán cân thương mại khá chênh lệch, Nga chỉ chiếm 2% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào năm ngoái, song thực chất mỗi bên muốn ở đối phương những thứ gì đó. Ivan Kanapathy, làm việc tại trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS), phân tích: "Những gì Trung Quốc muốn từ Nga là năng lượng và công nghệ quân sự - và tất nhiên là thứ gì đó để đánh lạc hướng Mỹ".
Ở thời điểm hiện tại, nhiều lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Nga có thể phù hợp với nhau, song tất nhiên điều đó không đồng nghĩa với sự liên kết trên mọi khía cạnh. Giới hạn trong sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraina cho thấy một điểm khác biệt.
Bên cạnh đó, Nga vẫn là đối tác thân thiết (và là bên bán vũ khí) cho Ấn Độ trong khi Trung Quốc coi Ấn Độ là đối thủ. Và cũng cần nhắc lại rằng, Trung Quốc và Nga khẳng định quyền lực trên thế giới theo những chiều cạnh rất khác biệt.
Trong những năm trở lại đây, đã có ý kiến cho rằng Nga là "đối tác chiếu dưới" của Trung Quốc. Theo Kanapathy, từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ giai đoạn 2018-2021, các quan chức chính quyền Trump đã sử dụng cụm từ "đối tác chiếu dưới" trong các bài phát biểu như một cách để tỏ ý coi thường cả hai nước.
Nhìn từ một số góc độ, nếu xét về mặt kinh tế và mức độ cô lập toàn cầu ngày càng tăng, Nga có thể bị coi là một đối tác chiếu dưới.
Tuy nhiên, Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm Á–Âu Carnegie Nga, cho rằng nên coi mỗi quốc gia là một lực lượng mạnh mẽ, có thể độc lập kiểm soát các vấn đề. Trung Quốc có thể tìm cách để được hưởng lợi từ những tính toán và hành động của Nga khi có thể.
Gabuev nói: "Chính sách đối ngoại của Nga là một cơn bão; một thảm họa tự nhiên. Không thể kiểm soát nó. Người ta chỉ có thể thích nghi và sau đó tận dụng những gì xung quanh đó làm lợi thế cho mình. Giống như đặt các trang trại gió ở rìa của cơn bão này và sử dụng chúng để tạo ra điện".
Xét cho cùng, đây cũng chính là chủ nghĩa thực dụng của Trung Quốc, và cả hai có sự chia sẻ, đồng điệu "trong nhiều mối quan tâm, và xu hướng này ngày càng tăng lên".
Ngoài sự hỗ trợ mà 2 bên dành cho nhau, có một mối liên hệ sâu sắc hơn giữa Nga và Trung Quốc. Vấn đề lớn hơn có thể là nền kinh tế toàn cầu do Mỹ thống trị và ưu thế quân sự của Washington với tư cách là "cảnh sát toàn cầu" đặt ra mối đe dọa đối với Trung Quốc và Nga nhiều hơn so với những gì người ta nghĩ. Phần lớn điều này diễn ra trước thời chính quyền Biden.
Mỹ luôn xem vai trò của họ được thúc đẩy bởi các ý định tốt. Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Blinken đã nói với báo giới: "Một trong những điều quan trọng mà phải làm trong chuyến đi này là thay đổi quan điểm của Trung Quốc vốn cho rằng chúng tôi đang tìm cách kiềm chế họ về mặt kinh tế. Vì vậy, tôi đã dành thời gian để nói rõ về những gì chúng tôi đang làm cũng như những gì mà chúng tôi đang không làm".
Theo Blinken, ưu tiên của chính quyền Biden là "duy trì và cập nhật" trật tự dựa trên quy tắc. Đó là một thuật ngữ được thường xuyên sử dụng để mô tả trạng thái cân bằng mà Mỹ tìm kiếm trên thế giới, nhưng nhiều quốc gia khác, không chỉ Trung Quốc và Nga, coi đây đơn giản chỉ là sự đạo đức giả.
Theo Kanapathy, các quốc gia khác cho là Mỹ đang cố tình định hình, bóp méo và lựa chọn các quy tắc có lợi cho chính bản thân họ.
Chính sách đối ngoại của Mỹ ngày nay gần như hoàn toàn được nhìn qua lăng kính xung đột với Trung Quốc. Các cuộc đối thoại vội vàng xung quanh việc Washington nên phản ứng như thế nào với Bắc Kinh, chẳng hạn như vụ khinh khí cầu do thám, dường như đang đặt Mỹ vào thế xung đột hơn là thúc đẩy những tranh luận hợp lý về cách giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Chống lại Trung Quốc không thể và không nên là động lực cho vai trò của Mỹ trên thế giới.
Chuyên gia Kim của Viện Brookings đã viết rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần suy nghĩ lại về lý do "tại sao những cáo buộc của Trung Quốc và Nga về sự đạo đức giả và quyền bá chủ của phương Tây lại gây được tiếng vang ở nhiều nơi trên thế giới và cách họ có thể giải quyết những bất bình này".
Bà nói thêm: "Họ coi nhau là những đối tác quan trọng trong cuộc đầu tranh xói mòn điều mà họ coi là trật tự toàn cầu do phương Tây thống trị". Tuy nhiên, sự tin tưởng mà Nga dành cho Trung Quốc cũng có thể hạn chế quyền lực của chính Trung Quốc, nhất là khi cuộc chiến của Nga với Ukraina vẫn tiếp diễn, "có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng hơn".
(Nguồn: TTXVN/Vox)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement