06/11/2023 12:00
Trung Quốc thắt lưng buộc bụng, thương hiệu nước ngoài lao đao
Các thương hiệu hàng đầu thế giới, từ hãng mỹ phẩm cao cấp Estée Lauder đến Apple đều đang cảm thấy khó khăn do sự sụt giảm tiêu dùng của Trung Quốc.
'Tiết chế tiêu dùng'
Cổ phiếu Estée Lauder chạm mức thấp nhất trong nhiều năm, giảm 17% sau khi cắt giảm triển vọng bán hàng năm nay khi doanh số bán các sản phẩm làm đẹp cao cấp ở Trung Quốc phục hồi chậm hơn.
Công ty có trụ sở tại New York hiện kỳ vọng doanh số bán hàng trong năm tài chính 2024 sẽ chỉ giảm từ 2% đến tăng 1%, so với mục tiêu trước đó là tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 5% đến 7%.
Fabrizio Freda, chủ tịch và giám đốc điều hành, cho biết Estée Lauder đã có mức tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm hơn đối với khách du lịch ở châu Á và Trung Quốc. Doanh số bán lẻ dự kiến diễn ra vào Lễ độc thân 11/11 sắp tới cũng không mấy khả quan.
Người mua sắm trực tuyến đang ngày càng bị nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo (PDD) thu hút. PDD hiện cung cấp các mặt hàng rẻ hơn so với sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử của JD.com và Alibaba.
Doanh thu của PDD nhảy vọt 58% trong quý đầu tiên của năm 2023, trong khi hai đối thủ lớn ghi nhận tăng trưởng ở mức một chữ số, Wall Street Journal dẫn báo cáo kinh doanh của ba công ty cho hay.
Để thúc đẩy doanh số, JD.com đã điều chỉnh chiến lược tiếp thị, thông báo rằng người tiêu dùng sẽ được mua hàng với "giá thấp mỗi ngày" và họ sẽ được đền bù nếu tìm thấy sản phẩm rẻ hơn trên các nền tảng đối thủ.
Người tiêu dùng Trung Quốc phần lớn vẫn thận trọng sau khi dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid vào năm ngoái. Sự phục hồi trong tiêu dùng giảm dần trong những tháng gần đây sau đợt bùng nổ ngắn hạn do chi tiêu cho du lịch và các dịch vụ khác vào mùa xuân này. Niềm tin của người tiêu dùng hầu như không được cải thiện trong năm qua và dao động quanh mức thấp lịch sử.
Vòng xoáy đi xuống của thị trường bất động sản khi giá nhà tiếp tục giảm trên khắp cả nước đã đè nặng lên áp lực tiêu dùng cũng như thị trường lao động, đặc biệt khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục trong mùa hè này, đã khiến nhiều người phải cắt giảm chi tiêu.
Những việc đó đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng hướng tới những lựa chọn rẻ hơn, một xu hướng có thể mang lại lợi ích cho nhiều thương hiệu trong nước hơn các sản phẩm nước ngoài.
Alicia Guan, sống ở Chiết Giang, một trong những tỉnh giàu có nhất ở miền đông Trung Quốc, cho biết cô từng có một tủ thuốc chứa đầy các sản phẩm chăm sóc da cao cấp như La Mer, nhãn hiệu Estée Lauder, cùng với các sản phẩm khác của các công ty Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Khi đóng cửa cửa hàng quần áo trực tuyến của mình trong thời kỳ đại dịch, cô ấy đã cắt giảm chi phí của mình. Câu thần chú mua sắm mới của cô: "Mua ít hơn và mua rẻ hơn".
"Tôi thực sự không thấy sự khác biệt giữa các thương hiệu Trung Quốc và những thương hiệu đắt tiền hơn", Alicia nói và cho biết thêm rằng cô sẽ chỉ xem xét nâng cấp các sản phẩm chăm sóc da của mình sau khi thu nhập phục hồi.
Cái gì rẻ thì mua
Apple cũng cho biết doanh số bán hàng trên toàn cầu đã giảm trong quý thứ tư liên tiếp. Tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ ba của hãng, doanh thu giảm 2,5% so với quý trước xuống còn 15,1 tỷ USD, thấp hơn ước tính của các nhà phân tích.
Công ty có trụ sở tại California cũng phải đối mặt với sự giám sát ngày càng chặt chẽ của chính phủ và sự cạnh tranh trong nước mạnh mẽ hơn từ những gã khổng lồ địa phương như Huawei. Gã khổng lồ phần cứng Trung Quốc trong những tháng gần đây đã bắt đầu bán điện thoại thông minh có khả năng kết nối dữ liệu cực nhanh, một thách thức trực tiếp đối với Apple.
Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết doanh số bán hàng đã bị ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ giá hối đoái, dù rằng Apple có 4 mẫu điện thoại bán chạy nhất ở Trung Quốc trong năm qua.
Nhà sản xuất quần áo mùa đông của Canada - Goose cũng đã cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm, dự kiến doanh thu năm tài chính 2024 sẽ ở mức từ 1,2-1,4 tỷ đô la Canada (879 triệu USD), giảm so với dự báo trước đó là 1,4-1,5 tỷ đô la Canada.
Cách đây 5 năm, thị trường tiêu dùng Trung Quốc vẫn bị thống trị bởi các thương hiệu nước ngoài, trong khi các thương hiệu nội địa đang chật vật cạnh tranh. Các thương hiệu Trung Quốc thường bị cản trở bởi chất lượng kém và hoạt động tiếp thị yếu kém, nhưng giờ đây chúng đã phổ biến trên các chợ trực tuyến và trên các kệ hàng.
Yum China, công ty điều hành các cửa hàng KFC, Pizza Hut và Taco Bell tại nước này đã báo cáo kết quả quý 3 không đạt được kỳ vọng, đồng thời cảnh báo về nhu cầu tiêu dùng ngày càng giảm sút.
Jason Yu, tổng giám đốc tại CTR Media Convergence Institute, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết: "Hiệu ứng tài sản từ thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản gần như đã giảm bớt". Ông đề cập đến thực tế là chứng khoán Trung Quốc đang chịu áp lực cùng với xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng.
"Mọi người từng tin rằng họ sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Nhưng sau đại dịch, điều đó không còn xảy ra nữa", ông nói.
Ông Li-Gang Liu, trưởng bộ phận phân tích kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Citi Global Wealth Management, cho biết nhiều thanh niên Trung Quốc trước kia tiết kiệm rất ít, nhưng giờ đây, khi phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, họ đã trở nên thận trọng hơn.
Wang Chao, 29 tuổi, đã phải cắt giảm đáng kể chi tiêu của mình vì anh đang sống nhờ trợ cấp thất nghiệp sau khi mất việc vào tháng 5.
Hiện tại, anh chủ yếu mua sắm trên các trang web giảm giá như Pinduoduo thay vì Alibaba, nơi thường có các mặt hàng chất lượng tốt hơn nhưng đắt tiền hơn. Anh cũng thường mua trái cây trên Pinduoduo vì rẻ hơn, mặc dù hiểu rõ chất lượng không tốt.
"Tất cả những gì tôi có thể làm là giảm mức chi tiêu để tồn tại", anh Wang tâm sự.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đều ảm đạm như vậy. Starbucks hôm thứ Năm đã báo cáo doanh thu vượt kỳ vọng của giới phân tích khi hiệu suất tại thị trường quê nhà Mỹ và thị trường quốc tế, đặc biệt là ở Trung Quốc, tăng vọt.
Công ty cho biết họ tự tin sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra trước đó là mở 9.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2025, tăng từ mức 6.806 vào cuối quý.
(Nguồn: WSJ)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement