07/03/2024 16:07
Tròn 10 năm MH370 mất tích: Bí ẩn hàng không lớn nhất mọi thời đại
Những gì được biết về sự biến mất của MH370?
Đã một thập kỷ trôi qua kể từ khi chuyến bay mang số hiệu MH370 di chuyển chệch hướng hẳn khỏi đường bay theo kế hoạch đến Bắc Kinh và biến mất. Bất chấp những nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử, một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không vẫn chưa có lời giải đáp.
Dữ liệu về chuyến bay cho thấy, MH370 nhanh chóng đạt độ cao gần 10.700 m chỉ định cho hành trình bay sau khi cất cánh. Người lái chính lúc đó là cơ phó Fariq Hamid, 27 tuổi. Đây là chuyến bay huấn luyện cuối cùng, dự kiến sẽ giúp anh sớm được chứng nhận nghề đầy đủ.
Thầy huấn luyện của Fariq cũng chính là cơ trưởng của chuyến bay - Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, một trong những cơ trưởng cấp cao nhất tại Malaysia Airlines.
Tại buồng lái đêm đó, trong khi cơ phó Fariq lái máy bay, cơ trưởng Zaharie quản lý bộ đàm. Sắp xếp này đúng tiêu chuẩn nhưng cách truyền tin của ông Zaharie có phần khác thường.
Lúc 1h01, Zaharie báo rằng máy bay đang chững lại ở độ cao gần 10.700 m, một báo cáo không cần thiết trong không phận có radar giám sát, nơi các phi công thường chỉ thông báo rời một độ cao, chứ không phải đạt đến độ cao nào đó.
Lúc 1h08, máy bay vượt qua bờ biển Malaysia và bay qua Biển Đông, tiến vào không phận Việt Nam. Ông Zaharie một lần nữa báo cáo độ cao máy bay là gần 10.700 m.
11 phút sau, khi máy bay tiến gần tới điểm bắt đầu khu vực tài phán không lưu của Việt Nam, kiểm soát viên không lưu tại Trung tâm Kuala Lumpur thông báo qua bộ đàm: "Malaysia 370, liên lạc với TP.HCM 120,9. Chúc buổi tối tốt lành". Cơ trưởng Zararie đáp lời: "Chúc buổi tối tốt lành. Malaysia 370".
Cơ trưởng Zararie không đọc lại tần số như ông đáng lẽ phải làm. Đây là lần cuối cùng tổ lái MH370 liên lạc với mặt đất. Phi hành đoàn MH370 sau đó đã không đăng ký với trạm kiểm soát không lưu TP.HCM và cũng không hồi đáp bất kỳ cuộc gọi nào sau đó.
Và 37 giây sau, toàn bộ máy bay biến mất khỏi radar của cơ quan kiểm soát không lưu Malaysia. Đó là lúc 1h21 ngày 8/3, tức là 39 phút sau khi máy bay cất cánh.
Trung tâm điều phối cứu hộ hàng không vũ trụ của Malaysia đáng lẽ nên được báo cáo vụ việc trong vòng một giờ sau khi máy bay mất tích. Song đến 2h30, điều đó vẫn chưa được thực hiện. Hơn 4 tiếng nữa trôi qua, tức vào lúc 6h32, nhà chức trách mới bắt đầu phản ứng khẩn cấp. Vào thời điểm đó, máy bay đáng lẽ đã hạ cánh ở Bắc Kinh.
Radar quân sự đã phát hiện chiếc máy bay quay vòng để di chuyển qua Biển Andaman trước khi biến mất và dữ liệu vệ tinh cho thấy nó tiếp tục bay trong nhiều giờ, có thể cho đến khi hết nhiên liệu. Chiếc máy bay được cho là đã bị rơi ở một khu vực xa xôi ở phía Nam Ấn Độ Dương.
Các giả thuyết về những gì đã xảy ra trên máy bay bao gồm từ việc bị cướp, mất oxy trong cabin cho đến mất điện. Nhưng không có cuộc gọi khẩn cấp, không có yêu cầu tiền chuộc, cũng không có thời tiết xấu hay bằng chứng về lỗi kỹ thuật.
Các nhà điều tra an toàn của Malaysia đã xóa bỏ mọi thông tin trên máy bay trong một báo cáo năm 2018, nhưng không loại trừ "sự can thiệp bất hợp pháp".
Ai đã ở trên máy bay?
Máy bay chở 227 hành khách, trong đó có 5 trẻ nhỏ và 12 thành viên phi hành đoàn. Hầu hết những người trên tàu đều đến từ Trung Quốc, nhưng cũng có những người đến từ các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Indonesia, Pháp và Nga.
Các hành khách bao gồm một nhóm nghệ sĩ thư pháp Trung Quốc trở về sau cuộc triển lãm tác phẩm của họ, 20 nhân viên của công ty công nghệ Freescale Semiconductor, diễn viên đóng thế cho nam diễn viên Lý Liên Kiệt, gia đình có con nhỏ và một cặp vợ chồng người Malaysia đang hưởng tuần trăng mật bị trì hoãn từ lâu.
Rất nhiều gia đình đã đi người thân yêu trong thảm kịch mà có thể không bao giờ giải đáp được.
Với anh Naren Sharma, người có vợ là chị Chandrika nằm trong số 239 hành khách trên chuyến bay chưa bao giờ đến đích, điều đó là không thể chấp nhận được.
"Tôi lo lắng rằng nếu không biết chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay, chúng ta sẽ dễ phải chứng kiến việc này tái diễn", anh Naren Sharma chia sẻ.
Đây là một câu hỏi ám ảnh với tất cả những người sợ bay và nhiều người không mắc hội chứng này. Làm sao mà một máy bay tiên tiến như Boeing 777, được trang bị các công cụ hiện đại trong kỷ nguyên theo dõi vệ tinh toàn cầu và liên lạc liên tục lại biến mất một cách đơn giản như vậy?
Theo anh Naren đến từ Ấn Độ: "Việc biết được nơi chuyến bay kết thúc và điều gì đã dẫn nó đến nơi an nghỉ của mình, dù dưới bất kỳ hình thức nào vẫn vô cùng quan trọng. Đó là câu hỏi thỉnh thoảng lại khiến tôi bối rối và thậm chí thất vọng. Có lẽ cả đời tôi cũng không bao giờ biết được".
Khao khát tìm kiếm câu trả lời cũng "bùng cháy" trong gia đình của những người vận hành chuyến bay định mệnh khi các cáo buộc và thuyết âm mưu đan xen nhau.
Tiến sĩ Ghouse Mohd Noor, một người bạn của cơ trưởng chuyến bay MH370 Zaharie Ahmed Shah, cho biết: "Gia đình cơ trưởng Zaharie vẫn đang hy vọng vào câu trả lời. Cánh cửa chưa đóng lại. Phải có một lời giải thích về những gì đã xảy ra".
"Tôi ngày đêm cầu nguyện chuyến bay sẽ được tìm thấy. Chúng ta sẽ ủng hộ mọi sự cố gắng và những nỗ lực mới đang được thúc đẩy", ông Ghouse Mohd Noor nói.
Fuad Sharuji, người từng là Giám đốc khủng hoảng của Hãng hàng không Malaysia Airlines vào thời điểm MH370 mất tích, cho biết gia đình cơ trưởng Zaharie đã bị cô lập khi họ đối mặt với những thuyết âm mưu xoay quanh người phi công này.
Những nỗ lực nào đã được thực hiện để tìm thấy chiếc máy bay?
Hàng chục tàu và máy bay từ nhiều nước khác nhau bắt đầu tìm kiếm giữa Malaysia và Việt Nam ở Biển Đông, trước khi di chuyển đến Biển Andaman và Ấn Độ Dương. Đó là một nỗ lực quốc tế quy tụ 34 tàu và 28 máy bay từ 7 quốc gia khác nhau.
Sau khi nhận được tin báo máy bay mất tích, Việt Nam là một trong những nước tổ chức tìm kiếm sớm nhất khi sử dụng 11 máy bay, 10 tàu hiện đại của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, tàu Hải quân, cảnh sát biển. Đặc biệt, có sự tham gia của tàu nghiên cứu biển HQ888 (mang tên GS Trần Đại Nghĩa) - tàu thăm dò 3D màu hiện đại nhất Đông Nam Á.
Lực lượng của Việt Nam trong 8 ngày tìm kiếm liên tục với những trang bị hiện đại và con người được huấn luyện tinh nhuệ nhất đã phát hiện nhiều dấu hiệu nghi là của chiếc máy bay xấu số nhưng khi được xác minh thì đều không phải.
Úc, cùng với Malaysia và Trung Quốc, sau đó dẫn đầu cuộc tìm kiếm dưới nước lớn nhất và tốn kém nhất từng được thực hiện, bao phủ khoảng 120.000 km2 (46.000 dặm vuông) đáy biển ngoài khơi phía Tây Australia, sử dụng máy bay, tàu được trang bị để thu tín hiệu sóng siêu âm và tàu ngầm robot.
Các tàu tìm kiếm đã phát hiện ra các tín hiệu siêu âm có thể đến từ hộp đen của máy bay và các vụ đắm tàu được cho là tàu buôn từ thế kỷ 19, nhưng chưa bao giờ tìm thấy máy bay.
Vào tháng 7/2015, một mảnh vỡ sau đó được xác nhận là cánh phụ của máy bay MH370 đã được tìm thấy trên đảo Reunion của Pháp ở phía Tây Ấn Độ Dương, bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho thấy MH370 đã kết thúc chuyến bay ở Ấn Độ Dương. Một số mảnh vỡ khác sau đó được tìm thấy dạt vào bờ biển phía đông châu Phi. Việc tìm kiếm đã bị đình chỉ vào tháng 1/2017.
Công ty robot hàng hải Ocean Infinity của Mỹ đã bắt đầu cuộc tìm kiếm vào tháng 1/2018 theo hợp đồng "không tìm thấy, không mất phí" với Malaysia, tập trung vào khu vực phía Bắc cuộc tìm kiếm trước đó được xác định bởi một nghiên cứu về mảnh vỡ trôi dạt. Nhưng nó đã kết thúc vài tháng sau đó mà không thành công.
Tại sao việc tìm kiếm lại khó khăn đến vậy?
Một lý do khiến cuộc tìm kiếm rộng rãi như vậy không tìm ra manh mối là vì không ai biết chính xác nơi để tìm. Ấn Độ Dương là đại dương lớn thứ ba thế giới và việc tìm kiếm được tiến hành ở một khu vực đầy khó khăn khi những người tìm kiếm liên tục gặp phải thời tiết xấu và độ sâu trung bình khoảng 4 km (2,5 dặm).
Việc máy bay biến mất dưới biển sâu không phải là điều bình thường, nhưng khi chúng biến mất thì rất khó để xác định vị trí. Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, trong 50 năm qua, hàng chục máy bay đã biến mất.
Vụ mất tích đã khởi đầu cho một trong những cuộc tìm kiếm hàng không quy mô lớn nhất trong lịch sử và đã tạo ra một loạt giả thuyết về nơi nó kết thúc và những gì đã xảy ra trên máy bay.
Tiếp theo là gì?
Chính phủ Malaysia luôn khẳng định sẽ chỉ tiếp tục cuộc truy lùng nếu có bằng chứng mới đáng tin cậy. Ngày 3/3 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nhắc lại quan điểm rằng, nước này sẵn sàng mở lại cuộc điều tra nếu có bằng chứng mới thuyết phục.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke cho biết ông sẵn sàng gặp công ty robot hàng hải Ocean Infinity của Mỹ để thảo luận về hoạt động tìm kiếm mới sau khi công ty này trình đề xuất lên chính phủ.
Những câu hỏi từ năm 2014 vẫn chưa được trả lời vào năm 2024. Điều quan trọng nhất trong số đó là lý do tại sao máy bay rẽ hướng dường như có kiểm soát về phía Ấn Độ Dương và quan trọng hơn là tại sao hai thiết bị theo dõi và liên lạc quan trọng trên máy bay lại im lặng.
Nhiều gia đình mất người thân trong vụ mất tích vẫn kiên định tìm kiếm câu trả lời. Họ cho rằng bí ẩn phải được giải quyết, không chỉ để kết thúc cá nhân mà còn để ngăn chặn những thảm họa trong tương lai.
Sylvia Spruck Wrigley, tác giả cuốn Bí ẩn chuyến bay 370 của Malaysia và bộ hai cuốn sách "Không dấu vết" về những vụ mất tích máy bay cho rằng, mặc dù điều này sẽ chưa khép lại nhưng ngành hàng không đã học được rất nhiều từ thảm kịch trên và đã thực hiện các quy tắc an toàn mới.
Theo đó, châu Âu và Vương quốc Anh đã yêu cầu gắn thêm một đèn hiệu định vị dưới nước tần số thấp bổ sung, giúp lực lượng tìm kiếm và cứu nạn xác định vị trí những người sống sót trên biển, được gắn vào khung máy bay. Ngoài ra, máy ghi âm buồng lái sẽ lưu giữ 25 giờ dữ liệu, thay vì chỉ hai giờ.
Tuy nhiên, sau 10 năm với những câu hỏi chưa được giải đáp, các giả thuyết và thuyết âm mưu vẫn không ngừng được đưa ra để lấp đầy khoảng trống thông tin.
Theo tác giả Spruck Wrigley: "Mọi người không thể tưởng tượng được rằng có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra".
(Nguồn: Military/Yahoonews)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement