15/03/2024 08:30
Triều Tiên thu hàng triệu USD từ bán lông mi giả
Năm 2023, Triều Tiên thu về hàng triệu USD từ việc bán lông mi giả. Các sản phẩm này được dán nhãn Made in China, nhằm lách các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Hàng Triều Tiên, nhãn mác Trung Quốc
Lông mi giả của Triều Tiên được tiếp thị trong các cửa hàng làm đẹp trên khắp thế giới với nhãn hiệu Made in China (sản xuất tại Trung Quốc) đã giúp xuất khẩu của quốc gia này phục hồi vào năm ngoái.
Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc nhập khẩu bán thành phẩm từ Triều Tiên, sau đó hoàn thiện và đóng gói tại Trung Quốc. Lông mi giả thành phẩm sau đó sẽ được xuất khẩu sang các thị trường bao gồm phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Triều Tiên từ lâu đã là nước xuất khẩu lớn các sản phẩm về tóc giả và lông mi giả. Tuy nhiên, xuất khẩu sụt giảm trong đại dịch COVID-19, khi Triều Tiên đóng cửa biên giới.
Theo các tài liệu hải quan, hoạt động buôn bán lông mi giả do Triều Tiên sản xuất qua Trung Quốc đã được nối lại vào năm 2023.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2023, khi biên giới mở cửa trở lại. Trung Quốc là điểm đến của gần như toàn bộ hàng xuất khẩu được khai báo của Triều Tiên.
Tóc giả và lông mi giả chiếm gần 60% tổng lượng hàng xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc vào năm ngoái. Tổng cộng, Triều Tiên đã xuất khẩu 1.680 tấn lông mi, râu và tóc giả sang Trung Quốc vào năm 2023, trị giá khoảng 167 triệu USD.
Năm 2019, khi giá thành thấp hơn, nước này đã xuất khẩu 1.829 tấn với giá trị 31,1 triệu USD.
Bộ Ngoại giao Mỹ và các chuyên gia quốc tế ước tính Triều Tiên thu giữ tới 90% thu nhập nước ngoài do công dân nước này tạo ra, nhiều người trong số họ sống trong cảnh nghèo đói.
Triều Tiên hiện không bình luận về vấn đề trên. Trong khi đó, Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Bình Nhưỡng "là những nước láng giềng thân thiện" và "sự hợp tác bình thường giữa hai nước là hợp pháp và tuân thủ không nên quá phóng đại".
Động thái của Phương Tây
Kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tìm cách ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thông qua gần chục nghị quyết trừng phạt nhằm hạn chế khả năng buôn bán các sản phẩm như than, dệt may và dầu mỏ của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, không có lệnh cấm trực tiếp đối với các sản phẩm về tóc nên việc buôn bán lông mi giả từ Triều Tiên không nhất thiết vi phạm luật pháp quốc tế, ba chuyên gia về lệnh trừng phạt nói với Reuters.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết, họ "không biết về các trường hợp" được mô tả nhưng bất kỳ cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt nào của Liên Hợp Quốc là "hoàn toàn không có cơ sở".
Bộ Ngoại giao Nhật Bản không bình luận trước yêu cầu của Reuters nhưng cho biết Tokyo, nước cấm giao thương với Bình Nhưỡng, sẽ tiếp tục xem xét "cách tiếp cận hiệu quả nhất" đối với Triều Tiên.
Cơ quan ngoại giao của Liên minh châu Âu đã không trả lời yêu cầu bình luận về việc lông mi giả do Triều Tiên sản xuất được bán trong khu vực tài phán của họ.
Kể từ năm 2008, Mỹ đã mở rộng các biện pháp riêng nhằm vào Triều Tiên, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ công ty nào tích trữ hoặc bán sản phẩm tạo doanh thu cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo hai luật sư về các lệnh trừng phạt quốc tế, có những hạn chế về mặt thực tế và chính trị đối với khả năng của Washington trong việc đơn phương thực thi các biện pháp trừng phạt như vậy.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ "tiếp tục nhắm mục tiêu mạnh mẽ vào bất kỳ nỗ lực tạo doanh thu nào" của Bình Nhưỡng.
Bộ Tài chính cũng đề cập đến khoản thanh toán gần 1 triệu USD với elf Cosmetics vào năm 2019 về những cáo buộc rằng công ty có trụ sở tại Mỹ đã vô tình bán lông mi giả có chứa nguyên liệu từ Triều Tiên.
Công ty mẹ của elf cho biết trong một hồ sơ năm 2019 rằng họ đã phát hiện ra hai nhà cung cấp đã sử dụng nguyên liệu của Triều Tiên trong một "cuộc kiểm toán tự quản, định kỳ" và họ đã nhanh chóng giải quyết vấn đề mà họ xác định là "không quan trọng".
"Thủ đô lông mi" của thế giới
Những người trong ngành cho biết Bình Đô (Thanh Đảo, Sơn Đông), thành phố phía đông Trung Quốc, được mệnh danh là 'thủ đô lông mi giả của thế giới', là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng từ Triều Tiên.
Wang Tingting, người có gia đình sở hữu công ty chuyên xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, Brazil và Nga, cho biết, nhiều công ty có trụ sở tại Bình Đô, chẳng hạn như Monsheery, đóng gói lông mi giả chủ yếu do người Triều Tiên sản xuất.
Wang cho biết trong một cuộc phỏng vấn từ nhà máy của cô rằng hàng hóa Triều Tiên đã giúp xây dựng Monsheery từ một xưởng nhỏ của gia đình lên quy mô lớn như hiện giờ: "Chất lượng sản phẩm của Triều Tiên tốt hơn nhiều", đồng thời cho biết cô không biết về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến lệnh trừng phạt khi sử dụng lông mi giả của Triều Tiên. Cô từ chối nêu tên khách hàng quốc tế của mình.
Những nhà sản xuất khác ở Bình Đô nói rằng, họ ý thức được vai trò của các biện pháp trừng phạt trong chuỗi phân phối phức tạp.
Gao, người sở hữu Yumuhui Eyelash, cho biết: "Nếu không có những lệnh trừng phạt này, người Triều Tiên sẽ không cần phải xuất khẩu qua Trung Quốc".
Cui Huzhe, người đại diện cho một nhà máy Triều Tiên làm việc với một đối tác Trung Quốc trong liên doanh,cho biết công ty Triều Tiên gửi lông mi bán thành phẩm sang Trung Quốc, sau đó chúng được bán cho các thị trường trên thế giới, bao gồm Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo ba giám đốc nhà máy Trung Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu hợp tác với các nhà máy sản xuất lông mi của Triều Tiên từ đầu những năm 2000. Họ cho biết họ đánh giá cao lực lượng lao động của đất nước vì chi phí thấp và chất lượng lông mi cao.
Theo ước tính năm 2023 do Kali, một nhà sản xuất hộp đựng lông mi Trung Quốc, khoảng 80% các nhà máy sản xuất lông mi ở Bình Đô mua hoặc gia công nguyên liệu thô và bán thành phẩm lông mi giả từ Triều Tiên.
Thị trấn có khoảng 1,2 triệu dân này chiếm 70% sản lượng lông mi giả toàn cầu, thường được làm bằng sợi tổng hợp nhưng cũng có thể được tạo ra từ lông chồn hoặc tóc người.
Công ty thương mại Asia Pacific International Network Technology, có trụ sở tại thành phố biên giới Hồn Xuân của Trung Quốc, quảng cáo trên trang web của mình dịch vụ của ba nhà máy chế biến lông mi của Triều Tiên với hình ảnh các công nhân đang sắp xếp tóc và dán chúng lên giấy.
Lee, người đứng đầu một nhóm thương mại ở Seoul bao gồm các kỹ thuật viên nối mi từ phương Tây và Hàn Quốc, cho biết những sợi mi đó do người Triều Tiên sản xuất, đóng gói ở Trung Quốc, sau đó bán trong nước hoặc xuất khẩu sang các nước châu Á như Nhật Bản.
Khi được hỏi về rủi ro pháp lý, Lee cho biết ông không bán "công nghệ phức tạp như chất bán dẫn". Ông nói, công nhân Triều Tiên "chỉ đang cố gắng kiếm sống".
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp