19/11/2022 14:44
Tiền điện tử có tiếp tục tồn tại sau khi FTX sụp đổ?
Trong hai tuần qua, ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số đã bàng hoàng khi FTX, sàn giao dịch tiền điện tử trị giá hàng tỷ USD, được tạo ra bởi một trong những ngôi sao lớn nhất và sáng giá nhất trong lĩnh vực này, Sam Bankman-Fried, sụp đổ.
Sự thất bại của FTX đã làm lung lay toàn bộ hệ sinh thái này. Giá tiền mã hóa sụt giảm trên diện rộng khi các nhà đầu tư vội vã thoát khỏi các rủi ro.
Trong cơn hoảng loạn, những người mua tiền mã hóa đã tranh nhau rút ra khỏi các nền tảng tiền điện tử khác nhau, buộc các sàn phải tạm dừng việc rút tiền – điều mà một nhà quan sát trong ngành đã mô tả là "đồng hồ tử thần" đang diễn ra.
Qua một đêm, Bankman-Fried từ anh hùng trở thành kẻ tội đồ.
Điều đó đã diễn ra như thế nào? Và tiền điện tử liệu có thể tiếp tục tồn tại? Câu chuyện còn lâu mới kết thúc, nhưng nếu bạn muốn theo dõi câu chuyện về nó thì đây là những gì bạn cần nên biết.
Diễn biến trước khi FTX sụp đổ
Vào ngày 2/11, một bài báo từ ấn phẩm giao dịch tiền điện tử Coindesk đã trích dẫn một tài liệu tài chính bị rò rỉ, trong đó có những câu hỏi về mối quan hệ giữa FTX và một nhà giao dịch của Bankman-Fried, Alameda.
Trong báo cáo này, mặc dù họ là hai công ty riêng biệt nhưng thuộc sở hữu của cùng một người đàn ông. Tuy nhiên, bài báo trên Coindesk nói rằng, Alameda "dựa trên nền tảng chủ yếu được tạo thành từ một loại tiền mà một công ty chị em của nó đã phát minh ra".
Vài ngày sau, người đứng đầu của công ty đối thủ lớn nhất của FTX, Binance, cho biết công ty sẽ thanh lý FTT trị giá 580 triệu USD, một token nội bộ của FTX. Điều đó đã gây ra một cơn bão rút tiền mà FTX không có tiền mặt để đáp ứng.
Sự hoảng loạn lan rộng, làm giảm giá trị của không chỉ FTT mà còn của nhiều loại tiền điện tử chính thống hơn bao gồm bitcoin, ethereum và solana bị ảnh hưởng theo.
FTX phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản lớn. Nó cần một gói cứu trợ, và trong một thời gian ngắn, có vẻ như nó sẽ được giải cứu bởi Binance, đối thủ của nó.
Nhưng chưa đầy một ngày sau khi công bố được đưa ra, Binance quyết định dừng lại và nói rằng các vấn đề của FTX "vượt quá tầm kiểm soát hoặc khả năng giúp đỡ của chúng tôi".
Vào ngày 11/11, FTX và Alameda đã nộp đơn xin phá sản và Bankman-Fried đã từ chức Giám đốc điều hành của sàn giao dịch.
Chuyên gia xử lý nợ: Đó là một mớ hỗn độn
FTX đã giao quyền cho một chuyên gia tái cấu trúc, John J. Ray III, làm Giám đốc điều hành để bảo vệ những gì còn lại của công ty sau khi nộp đơn xin phá sản.
Điều đó liên quan đến việc xem xét kỹ lưỡng tình hình tài chính của công ty và tìm ra chính xác số tiền mà công ty nắm giữ trong các tài sản và nợ phải trả.
Sau một tuần trôi qua, và Ray, một giám đốc điều hành đã thành danh khi giám sát việc thanh lý Enron, vụ tái cơ cấu phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, đã tuyên bố đó là mớ hỗn độn lớn nhất mà ông chưa từng gặp phải.
"Chưa bao giờ trong sự nghiệp của mình, tôi chứng kiến sự thất bại hoàn toàn trong kiểm soát của công ty và hoàn toàn không có thông tin tài chính đáng tin cậy như điều đã xảy ra ở đây", Ray viết trong đơn đệ trình lên tòa án hôm thứ Năm.
Hồ sơ chứa bằng chứng về sự quản lý yếu kém nghiêm trọng và gian lận tiềm ẩn diễn ra dưới sự lãnh đạo của Bankman-Fried.
Bankman-Fried đã không bị buộc tội với bất kỳ tội danh nào. Luật sư của ông đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN Business.
Thị trường tiền điện tử bị ảnh hưởng
Ngành công nghiệp tiền điện tử đang ở thế chờ đợi những quân cờ domino tiếp theo sụp đổ. Ngay sau khi FTX ngừng hoạt động, các công ty tiền điện tử đã nhận được vô số yêu cầu từ các khách hàng tìm cách lấy lại tiền của họ — rút tiền điện tử giống với việc rút tiền gửi ngân hàng. Một số công ty đã buộc phải tạm dừng rút tiền trong khi họ giải quyết các vấn đề về thanh khoản.
Daniel Roberts, Tổng biên tập của Decrypt Media, một hãng tin tập trung vào tiền điện tử, cho biết: "Trong thế giới tiền điện tử, ngay khi bạn thấy một công ty hoặc hãng thông báo rằng 'chúng tôi đang tạm dừng rút tiền' - thật đáng tiếc. Bạn đặt họ vào tình trạng báo tử ngay… Thật bất thường khi ai đó nói rằng 'chúng tôi đang tạm dừng rút tiền' và sau đó họ nói, 'OK, rút tiền trở lại, chúng tôi ổn".
Nỗi đau không chỉ giới hạn ở các công ty tiền điện tử. Công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia đã đầu tư 210 triệu USD vào FTX và giờ nó xuống số 0. Tương tự, Ontario Teachers' Pension Plan, đã đầu tư 95 triệu USD, cho biết giờ đây họ tin rằng khoản đầu tư là vô giá trị. Khoảng 1 triệu người khác có thể sẽ mất tất cả số tiền họ đưa vào FTX.
Trong khi đó, Binance đang được cho là một cứu cánh tiềm năng cho các công ty bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của FTX. Giám đốc điều hành của Binance, Changpeng Zhao, cho biết hôm thứ Hai rằng nhóm của ông sẽ thành lập "quỹ phục hồi ngành" cho các dự án đang đối mặt với khủng hoảng thanh khoản. Binance và những sàn giao dịch khác đã nhanh chóng cố gắng tạo sự khác biệt với FTX, đảm bảo với khách hàng và nhà đầu tư rằng tài chính của họ đang có nền tảng vững chắc.
Zhao, nói với Anna Stewart của CNN rằng, sự sụp đổ kiểu FTX không phải là rủi ro đối với Binance. Khi được hỏi sẽ nói gì nếu tất cả khách hàng muốn rút tiền của họ cùng một lúc, Zhao trả lời: "Vâng, không vấn đề gì…Chúng tôi luôn có lãi".
Từ "thiên tài" trở thành kẻ "tội đồ"
Trung tâm của toàn bộ câu chuyện là Bankman-Fried, một người đàn ông 30 tuổi bí ẩn, người đã xoay sở để tiếp cận được với những người nổi tiếng, đặc biệt là các nhà lập pháp và các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của.
Trong những năm gần đây, SBF (tên thường gọi của ông trên mạng) đã xuất hiện trên trang bìa của Forbes và Fortune, được ca ngợi là Warren Buffett của thế giới tiền điện tử. Ông đã tích lũy được khối tài sản cá nhân khổng lồ, ước tính trị giá 26 tỷ USD vào thời điểm đỉnh cao vào đầu năm nay.
Tất cả những điều đó tan thành mây khói khi FTX sụp đổ. Theo một người quen thuộc với vấn đề này, tài sản của ông đã bị xóa sổ hoàn toàn và hiện các công ty của ông đang bị các công tố viên liên bang ở New York điều tra.
SBF cũng đã trở thành một nhân vật có ảnh hưởng ở Washington, nơi ông thường xuyên tìm đến các nhà lập pháp để vận động hành lang cho sự rõ ràng hơn về quy định đối với ngành công nghiệp tiền điện tử. Nhưng kể từ khi mất công ty của mình, SBF đã tweet một cách thất thường và nói với một phóng viên của Vox rằng tất cả các chuyến đi đến Washington DC của mình đều không hơn gì tư thế "đội mũ trắng".
"Các nhà quản lý chết tiệt", ông nói với Vox trong cuộc phỏng vấn được thực hiện qua các tin nhắn trực tiếp trên Twitter. "Họ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn".
Các cơ quan điều tra vào cuộc
FTX cho biết trong tuần này rằng, các đại diện của họ đã liên lạc với "hàng chục" cơ quan quản lý liên bang, tiểu bang và quốc tế.
Ngoài cuộc điều tra của quận Nam New York, FTX được cho là đang bị điều tra bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa và Tương lai, theo nhiều hãng tin.
Nhà chức trách ở Bahamas, nơi đặt trụ sở của FTX, đã mở một cuộc điều tra hình sự ngay sau khi công ty nộp đơn xin phá sản.
Vào thứ Sáu, một Tiểu ban quyền lực tại Hạ viện cho biết họ đang tìm kiếm các tài liệu nội bộ và thông tin liên lạc giữa Bankman-Fried và FTX để hiểu làm thế nào sàn giao dịch tiền điện tử sụp đổ đột ngột như vậy và những gì đang được thực hiện để thu hồi tiền của khách hàng.
Tiền điện tử có thể tồn tại không?
Trong ngắn hạn là có. Nhưng sẽ có nhiều điều khó khăn đang ở phía trước.
Matt Hougan, CIO tại công ty quản lý tài sản tiền điện tử Bitwise cho biết: "Trong ngắn hạn, sự sụp đổ của FTX đã phá hủy niềm tin. Nhà đầu tư tiền điện tử cận biên giờ đây sẽ suy nghĩ kỹ trước khi đăng ký tài khoản và nhiều nhà đầu tư sẽ ngồi bên lề chờ xem những đồng tiền khác sẽ giảm giá như thế nào".
Nhiều nhà quan sát đã so sánh tiền điện tử với bong bóng dot-com vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước – rất nhiều công ty đã phá sản, nhưng những công ty còn tồn tại, như Amazon, đã nổi lên để trở thành nền tảng của ngành công nghệ.
Một phép so sánh lịch sử khác được đưa ra là sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những người lạc quan về tiền điện tử có thể nhanh chóng chỉ ra rằng Lehman đã không hạ gục toàn bộ Phố Wall. Những người hoài nghi có thể phản bác rằng đó chỉ là do chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp – một kết quả rất khó xảy ra trong thế giới tiền điện tử do phần lớn nó không được kiểm soát.
Nhà kinh tế học Pete Earle thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ cho biết: "Có những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề về tiền điện tử và quy định đầy đủ, nhưng thảm họa này không liên quan gì đến tiền điện tử và bản thân nó. Đó là về gian lận và sức mạnh của đức hạnh".
Ông nói thêm: "Vụ bê bối này, không chỉ phá hủy tiền điện tử, mà thực tế còn đảm bảo rằng tiền điện tử sẽ tồn tại trong một thời gian dài, rất lâu nữa".
(Nguồn: CNN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement