06/02/2021 07:33
Thụy Sĩ: Quốc gia giàu có nhưng đang 'lép vế' trong cuộc đua vaccine COVID-19
Nổi tiếng với sự giàu có và sở hữu ngành công nghiệp dược phẩm lớn trên thế giới, nhưng Thụy Sĩ dường như bị "lép vế" trong cuộc đua vaccine COVID-19.
Trong khi Liên minh Châu Âu (EU) đang "vật lộn" để tiêm vaccine cho toàn dân thì Thụy Sĩ cũng đang đối mặt với tình trạng khó khăn tương tự.
Các cửa hàng, nhà hát, nhà hàng đóng cửa. Công dân tuyệt vọng với khối thời gian nghỉ ngơi. Quan trọng hơn, các nhà chức trách ở thủ đô Bern (Thụy Sĩ) đã không đưa ra kế hoạch tiêm chủng COVID-19 vào cuối tuần. Chỉ đơn giản là vì không có đủ vaccine.
"Quốc gia gương mẫu"
Người Thụy Sĩ thường gọi đất nước của họ là “Musterschüler” hay “học sinh gương mẫu”, vì khả năng hoàn thành công việc đúng hạn. Hôm 3/2, chính phủ thông báo, họ đã đặt hàng nhiều lô vaccine COVID-19 hơn, từ hai nhà cung cấp mới. Tuy nhiên, giống như EU, Thụy Sĩ đã hành động quá muộn.
Theo Bloomberg, khoảng 3,7% dân số đã được tiêm chủng vaccine COVID-19. Con số này cao hơn một chút so với mức trung bình của 27 thành viên EU, mặc dù Vương quốc Anh là 15%.
Trong khi đó, Serbia, quốc gia ngoài EU với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người chưa bằng 10% của Thụy Sĩ, lại là một trong những nước dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng vaccine hàng loạt, tính theo tỷ lệ dân số.
Marco Chiesa, người đứng đầu Đảng Nhân dân Thụy Sĩ, cho biết: “Kế hoạch tiêm chủng của chính phủ đã thất bại. Chúng tôi không quen với sự không đáng tin cậy như vậy".
Các quan chức cho biết, số vaccine thiếu hụt sẽ được bổ sung thêm vào tháng 3/2021. Trong khi đó, vào ngày 1/2, Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset, người có trách nhiệm giám sát việc mua vaccine, cho biết Thụy Sĩ có thể bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng cho những người trên 75 tuổi vào cuối tháng. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, tất cả người lớn tuổi sẽ được chủng ngừa vào cuối tháng 6/2021.
Việc triển khai vaccine chậm, cộng với phân phối vaccine không công bằng làm gia tăng sự thất vọng trong người dân. “Chính phủ đang đặt uy tín của mình lên hàng đầu”, tờ báo Tages-Anzeiger viết vào ngày 15/1. Các cố vấn chính phủ tính toán, việc triển khai vaccine chậm có thể gây thiệt hại lên tới 110 triệu franc (122 triệu USD) mỗi ngày, vì nền kinh tế không thể hoạt động như bình thường.
"Lép vế" trong cuộc đua vaccine COVID-19
Lý do thiếu hụt vaccine là vì Thụy Sĩ đã không quyết định dứt khoát trong việc mua. Quốc gia này tránh sự tham gia của nhà nước vào kinh doanh thương mại.
Hôm 3/2, nhóm vận động hành lang kinh doanh Economiessuisse đã kêu gọi một nhóm ứng phó khủng hoảng quốc gia báo cáo trực tiếp với chính phủ, để có thể hành động nhanh chóng.
Thụy Sĩ được biết là một quốc gia hào phóng trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe, chỉ đứng sau Mỹ. Quốc gia này cũng có hai trong số các nhà sản xuất thuốc lớn nhất Châu Âu, và là nơi đặt trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, Thụy Sĩ lại không cung cấp kinh phí cho việc phát triển vaccine.
Andreas Faller, một cựu quan chức Bộ Y tế, cho biết: “EU đã hỗ trợ tài chính cho các cơ sở sản xuất vaccine, nhưng chúng tôi đã không làm vậy".
Người phát ngôn của Văn phòng Y tế Cộng đồng Liên bang cho biết, Thụy Sĩ không có cơ sở pháp lý nào để đầu tư vào sản xuất vaccine. Bà nói: “Chính phủ liên bang không thực hiện chính sách đầu tư".
Ban đầu, Bộ Y tế Thụy Sĩ đặt hàng vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Tuy nhiên, số vaccine này chỉ đủ cho 75% dân số. Sau đó, Thụy Sĩ đã tăng gấp đôi đơn đặt hàng với Moderna và công bố các giao dịch vaccine với CureVac NV và Novavax trong tuần này.
Hợp đồng với Moderna đã được công bố vào tháng 8/2020, nhưng phải đến giữa tháng 10, Thụy Sĩ mới chấp nhận vaccine AstraZeneca. Quốc gia này đang yêu cầu thêm dữ liệu trước khi có thể tuân theo Vương quốc Anh và EU trong việc chấp thuận sử dụng vaccine.
Trong khi đó, sự chậm trễ trong việc giao hàng của Pfizer đã buộc các quan chức ở các bang Zurich và Zug phải hoãn lịch tiêm chủng. Và kế hoạch cũng bị hủy vì số liệu thống kê vaccine đã sử dụng gặp sai sót. Hơn hết là các cuộc tranh cãi giữa quan chức liên bang và địa phương về việc phân bổ vaccine.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement