29/06/2022 09:06
Thổ Nhĩ Kỳ không sử dụng quyền phủ quyết, Phần Lan và Thụy Điển sắp gia nhập NATO
Bước đột phá diễn ra vào hôm thứ Ba (28/6) sau 4 giờ hội đàm ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh của NATO bắt đầu ở Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Quốc gia thuộc khối NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ quyền phủ quyết của mình đối với nỗ lực gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển sau khi ba quốc gia nhất trí bảo vệ an ninh lẫn nhau, kết thúc một một tuần thử thách sự đoàn kết các đồng minh nhằm chống lại cuộc chiến của Nga tại Ukraina.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra một tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 28/6/2022.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ không sử dụng quyền phủ quyết có nghĩa là Helsinki và Stockholm có thể tiến hành nộp đơn xin gia nhập NATO, một bước thay đổi lớn trong chính sách an ninh của hai quốc giá có truyền thống trung lập lâu nay tại châu Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận thỏa thuận trong các tuyên bố riêng biệt, sau cuộc hội đàm giữa người đứng đầu NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto.
Điều khoản của thỏa thuận
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, các điều khoản của thỏa thuận liên quan đến việc Thụy Điển tăng cường làm việc với các yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ và sửa đổi luật của Thụy Điển và Phần Lan để tăng cường cách tiếp cận của họ đối với những kẻ bị Ankara coi là mối đe dọa.
Ông Stoltenberg cũng cho biết, Thụy Điển và Phần Lan sẽ dỡ bỏ các hạn chế bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng rằng Thụy Điển đang chứa chấp các thành viên của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), tổ chức đã chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ bằng vũ lực từ năm 1984. Tuy nhiên, Stockholm đã bác bỏ cáo buộc này.
Tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba cho biết thỏa thuận bốn bên có nghĩa là: "Hợp tác đầy đủ với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại PKK và các chi nhánh của tổ chức này".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, Thụy Điển và Phần Lan đang "thể hiện tình đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố dưới mọi hình thức".
Ông Stoltenberg cho biết, 30 nhà lãnh đạo của NATO sẽ mời Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới 1.300 km với Nga và Thụy Điển gia nhập NATO và họ sẽ trở thành "khách mời" chính thức trong hội nghị thượng đỉnh lần này.
Việc giải quyết bế tắc đã đánh dấu một thắng lợi cho chính sách ngoại giao mạnh mẽ khi NATO cố gắng kết nạp hai nước Bắc Âu trong thời gian ngắn kỷ lục và đây cũng là cách củng cố sự đoàn kết của phương Tây trong việc chống lại Nga.
Như vậy, với việc kết nạp 2 thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, NATO sẽ có ưu thế quân sự tại khu vực biển Baltic.
Mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ
Ankara đã phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan dựa trên điều mà họ coi là cách tiếp cận lỏng lẻo của hai nước Bắc Âu này đối với các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Tổng thống Erdogan đã cáo buộc Phần Lan, và đặc biệt là Thụy Điển, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các phiến quân người Kurd, những người đã tiến hành một cuộc nổi dậy vũ trang kéo dài hàng thập kỷ chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara có quyền ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vì theo quy định, tất cả các thành viên của khối quân sự phải đồng ý thì liên minh này mới có thể tiếp nhận các thành viên mới.
Các đồng minh NATO khác, bao gồm Pháp và Tây Ban Nha, đã gián tiếp thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ đối với 2 thành viên tiềm năng mới của Bắc Âu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 28/6/2022.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Erdogan cho biết ông muốn xem kết quả của các cuộc đàm phán chuẩn bị được tổ chức tại Brussels trước khi quyết định xem Thụy Điển và Phần Lan có làm đủ các yêu cầu để Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ các phản đối việc kết nap Phần Lan và Thụy Điển vào NATO hay không.
"Chúng tôi sẽ xem họ [Phần Lan và Thụy Điển] đã đạt đến điểm nào", ông nói hôm thứ Hai trước khi bay đến Madrid để tham dự hội nghị thượng đỉnh.
"Chúng tôi không muốn những lời nói suông. Chúng tôi muốn có kết quả ", ông nói thêm.
"Lợi ích của liên minh"
Ngoài việc xem xét tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, Hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài ba ngày tại Madrid cũng sẽ thảo luận về cuộc chiến Ukraina-Nga và khái niệm chiến lược mới của NATO.
TT Erdogan dự kiến sẽ gặp Biden vào thứ Tư bên lề cuộc họp và tập trung vào việc đáp trả cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng.
Hai nhà lãnh đạo đã có một mối quan hệ lạnh nhạt kể từ khi TT Biden thắng cử do Hoa Kỳ cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nhân quyền.
(Nguồn: AL JAZEERA)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp