Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm tháng đầu năm

Chứng khoán

31/01/2024 19:27

Theo VBMA, tính đến ngày công bố thông tin 26/1/2024, chưa có đợt phát hành nào trong năm 2024. Trong tháng 12/2023, đã có 84 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị hơn 66.980 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 26/1/2024, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong năm 2024. Trong tháng 12/2023, có 84 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị hơn 66.980 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 7,4 %/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm.

Trong năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 336.040 tỷ đồng, với 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.070 tỷ đồng (chiếm 11% tổng giá trị phát hành) và 319 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 298.970 tỷ đồng (chiếm 89% tổng số).

Trong đó, nhóm ngành ngân hàng chiếm 57,6% tổng giá trị phát hành. Theo sau là bất động sản (chiếm 22,7%) và còn lại đến từ hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, xây dựng và khác.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm tháng đầu năm- Ảnh 1.

Theo VMBA, các doanh nghiệp đã mua lại 6.887 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong năm 2023 đạt 249.318 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 74,2% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 51,4% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 128.159 tỷ đồng).

Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 261.372 tỷ đồng. 38% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với gần 100.121 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 21%).

Sắp tới, sẽ có hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ đáng chú ý từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (BVBank) và Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa đã thông qua phương án phát hành trái phiếu trong quý I năm 2024 với tổng giá trị phát hành tối đa 500 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 3 năm. Lãi suất cố định 11 %/năm trong 2 kỳ đầu; ở các kỳ còn lại, lãi suất = tham chiếu + 3,85 %/năm.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (BVBank) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 5.600 tỷ đồng, dự kiến chia thành 6 đợt phát hành. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 8 năm và lãi suất cố định 8 %/năm, theo Dân Việt.

Theo ước tính của VnDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 là khoảng 207.000 tỷ đồng giảm 3% so với cùng kỳ (số liệu đã loại trừ các trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn và các trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn kỳ hạn theo công bố đến hết ngày 10/1/24).

Trong đó lớn nhất là nhóm bất động sản chiếm 59,3% tổng giá trị đáo hạn, theo sau là nhóm Tài chính – Ngân hàng chiếm 29,2% tổng giá trị đáo hạn. Nếu so với giá trị đáo hạn trong năm 2023, giá trị đáo hạn của nhóm bất động sản tăng 23,7%, của nhóm Tài chính – Ngân hàng tăng 69%.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm so với kỳ vọng, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm tới. Do đó, áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ vẫn là thách thức lớn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024.

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ trầm lắng trở lại, khi các điều khoản trong Nghị định 65 bao gồm: quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc chính thức có hiệu lực thi hành (các quy định này đã được ngưng thi hành đến hết ngày 31/12/2023).

Việc áp dụng các quy định này là cần thiết để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nhằm ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững trong dài hạn. Tuy vậy, Chính phủ nên nghiên cứu và ban hành một số chính sách hỗ trợ khác thay thế cho Nghị định 08 đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2024 để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bền vững, theo Vneconomy.

VnDirect kỳ vọng rằng với sự nỗ lực của cả nhà điều hành lẫn các chủ thể tham gia thị trường (đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành), thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể chứng kiến đà phục hồi rõ nét và bền vững từ cuối 2024.

AN LY (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement