Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nỗ lực xoá nợ trái phiếu

Ngân hàng

18/01/2024 08:38

Năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn lên tới 238.000 tỷ đồng. Trong đó, không ít công ty bất động sản gặp khó khăn cũng tìm cách trả nợ trái phiếu trước hạn.

Xoá nợ trái phiếu và 3 lý do chính

Trong lĩnh vực bất động sản, thống kê dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong năm 2023, có 35 công ty xoá sạch nợ trái phiếu, chủ yếu mua lại trước hạn, với tổng số tiền thanh toán cho các trái chủ hơn 20.000 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc, mã chứng khoán KBC) đã xoá toàn bộ 2.400 tỷ đồng nợ trái phiếu ra khỏi sổ sách. Cụ thể, Kinh Bắc trả nợ đúng hạn trái phiếu KBCH2123001 (đáo hạn ngày 22/2/2023), trị giá 400 tỷ đồng; mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu KBCH2123002 (đáo hạn ngày 3/6/2023), trị giá 1.000 tỷ đồng, hoàn tất thanh toán vào ngày 5/4/2023; mua trước hạn toàn bộ lô trái phiếu KBCH2123004 (đáo hạn ngày 11/11/2024), trị giá 1.000 tỷ đồng, hoàn tất thanh toán vào ngày 31/3/2023.

Về kết quả kinh doanh, thị trường bất động sản năm 2023 có nhiều khó khăn, nhưng Kinh Bắc duy trì hoạt động kinh doanh tích cực, nhờ mảng bất động sản công nghiệp. Tính đến hết tháng 9/2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 4.797,9 tỷ đồng, tăng 272,4% và lợi nhuận sau thuế 2.087 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nỗ lực xoá nợ trái phiếu- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn chủ yếu nhằm tiết giảm chi phí, nhất là nhóm bất động sản.

Trong quý III/2023, lợi nhuận của Kinh Bắc giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng tại các Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, với tổng diện tích 50 ha đã ký, tổng giá trị hợp đồng ký 1.700 tỷ đồng. Theo đó, quý IV/2023, doanh nghiệp có thể sẽ ghi nhận lợi nhuận ở mức cao, khi hoàn tất việc bàn giao đất tại các dự án nói trên.

Với Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương, chủ đầu tư dự án La Vida Residences tại Vũng Tàu, công ty này cũng đã thanh toán hết 1.200 tỷ đồng cho các trái chủ.

Theo công bố thông tin tài chính bán niên 2023 của Đầu tư Bất động sản Đông Dương (báo cáo mới nhất được công bố), Công ty ghi nhận 78,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ lãi 0,2 tỷ đồng. Với việc mạnh tay mua lại trái phiếu, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm từ mức 6,24 lần cuối tháng 6/2022 xuống 0,82 lần cuối tháng 6/2023.

Không ít doanh nghiệp trong tình trạng kinh doanh gặp khó khăn nhưng vẫn nhập cuộc đua xoá nợ trái phiếu.

Chẳng hạn, thua lỗ 1 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, nhưng Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Nice Star đã mua lại trước hạn toàn bộ 1.500 tỷ đồng lô trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất 12,5%/năm trong tháng 10/2023.

Công ty TNHH Đức Việt thua lỗ kéo dài (năm 2021 lỗ gần 164 tỷ đồng, năm 2022 lỗ hơn 111 tỷ đồng, nửa đầu năm 2023 lỗ 50 tỷ đồng), tính đến cuối tháng 6/2023 âm vốn chủ sở hữu 514 tỷ đồng, nhưng dành 812 tỷ đồng để thanh toán dứt điểm khoản vay trái phiếu. Đó là lô trái phiếu giá trị 1.100 tỷ đồng, lãi suất 9%/năm, kỳ hạn 11 năm, phát hành tháng 8/2017.

Tương tự, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản LC lỗ gần 100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng sau đó vẫn chi 1.000 tỷ đồng để xóa nợ trái phiếu, sớm 1 năm so với kế hoạch. Đây là lô trái phiếu phát hành tháng 9/2021, với mục đích thanh toán cho thỏa thuận đặt cọc về việc đảm bảo ký hợp đồng mua bán căn hộ khách sạn (condotel) được ký kết với Công ty TNHH Bất động sản NewVision.

Trong giai đoạn cuối năm 2023, một số doanh nghiệp đẩy mạnh việc hoàn tất nghĩa vụ nợ trái phiếu và mua lại trước hạn như Công ty TNHH Gateway Berkeley chi 1.000 tỷ đồng mua lại trước hạn 9 tháng lô trái phiếu mã GWB.BOND.2020, kỳ hạn 4 năm, đáo hạn tháng 7/2024, lãi suất 11%/năm. Công ty hiện không còn nợ trái phiếu.

Kết thúc năm 2023, tất cả các lô trái phiếu của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt, mã chứng khoán PDR) công bố trên HNX đều trong trạng thái “hủy toàn bộ”, sau khi thực hiện mua lại thêm 2 lô trái phiếu có tổng mệnh giá phát hành 800 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2023, Phát Đạt đã chi hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó gần 1.000 tỷ đồng mua lại trước hạn, thuộc 7 lô trái phiếu có tổng mệnh giá 2.225 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2022, Công ty gặp khủng hoảng khi đối diện tình trạng cổ phiếu bị bán giải chấp liên tục, do dùng cổ phiếu để đảm bảo cho các khoản nợ trái phiếu.

Trả lời Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt cho biết, Công ty dùng tiền của nhà đầu tư chuyên nghiệp nộp tiền trong đợt phát hành cổ phiếu để “đưa dư nợ trái phiếu về zero trước khi kết thúc năm 2023”.

Việc giảm dư nợ giúp các chỉ số của Công ty lành mạnh hơn, giảm bớt áp lực về tài chính để sẵn sàng cho các kế hoạch tiếp theo", ông Vũ chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia, có 3 lý do chính khiến doanh nghiệp bất động sản mua lại trái phiếu trước hạn. Thứ nhất, doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn để triển khai dự án, nhưng dự án chậm thực hiện, gặp vướng mắc. Điều này ảnh hưởng tới phương án sử dụng vốn và doanh nghiệp điều chỉnh lại phương án sử dụng tiền. Thứ hai, trong giai đoạn trước, lãi suất trái phiếu ở mức cao, nhưng hiện lãi suất trái phiếu cũng như lãi vay ngân hàng giảm nên doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn nhằm tiết giảm chi phí. Thứ ba, niềm tin trên thị trường trái phiếu chưa hoàn toàn phục hồi sau các sự kiện như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh... Vì vậy, có những doanh nghiệp quyết định trả nợ trái phiếu trước hạn và tạm thời không vay nợ trái phiếu dù đang có lãi suất thấp để đảm bảo danh tiếng, thuận lợi cho các đợt huy động vốn sau này.

Áp lực còn lớn

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn lập kỷ lục mới là 238.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022. Hoạt động mua lại trái phiếu có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư, nhưng áp lực đối với thị trường trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn.

Mặt bằng lãi suất trái phiếu những tháng gần đây giảm, trong khi lãi vay ngân hàng cũng giảm và dễ vay hơn trước.

Cụ thể, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 khoảng 310.131 tỷ đồng, trong đó quý I khoảng 44.800 tỷ đồng, quý II khoảng 83.200 tỷ đồng, quý III khoảng 72.400 tỷ đồng, quý IV khoảng 109.700 tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp bất động sản và các tổ chức tín dụng có tỷ lệ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong năm nay, lần lượt là 34,9% và 29,7%.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đánh giá, khả năng trả nợ của phần lớn công ty suy giảm do đòn bẩy cao và dòng tiền yếu. Trong đó, dòng tiền hoạt động giảm trong 9 tháng đầu năm 2023, do bán hàng sụt giảm và hàng tồn kho tiếp tục tăng.

VIS Rating lưu ý: “Tổng nguồn tiền mặt của các công ty (bất động sản) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Lượng trái phiếu đáo hạn lớn khoảng 114.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2023 - 2024 cũng sẽ làm gia tăng rủi ro tái cấp vốn”.

Trước tình trạng nghiệp phát hành trái phiếu tăng mua lại trước hạn, còn các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật và lưu ý nghĩa vụ/quyền lợi của chính mình. Trường hợp doanh nghiệp có khó khăn về tài chính, cần chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp...

Đối với các nhà đầu tư, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt. 

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro từ phía doanh nghiệp phát hành.

LAM PHONG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement