26/08/2022 07:59
Thị trường cà phê trong nước có dấu hiệu khởi sắc
Thị trường nông sản hôm nay 26/8 ghi nhận giá cà phê trong nước diễn biến tích cực, trong khi đó giá tiêu và giá cao su xu hưởng giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá cà phê trong nước diễn biến tích cực
Giá cà phê trong nước hôm nay vượt mốc 50.000 đồng/kg, hiện dao động trong khoảng 49.700 – 50.200 đồng/kg.
Tại Lâm Đồng có giá là 49.700 đồng/kg, Đắk Lắk: 50.200 đồng/kg, Gia Lai và Đắk Nông là 50.000 đồng/kg, Kon Tum là 50.100 đồng/kg.
Đối với thị trường cà phê thế giới, giá cà phê tại hai sàn giao dịch London và New York đảo chiều, giảm giá ở cả hai sàn sau khi tăng mạnh trong hôm trước. Tuy nhiên, vẫn đang giữ ở mức giá khá cao nếu so với những phiên giao dịch gần đây nhất.
Cụ thể, cà phê vối Robusta trên sàn London đang ở mức giá 2.328 USD/tấn kỳ hạn giao tháng 9/2022, giảm 12 USD/tấn so với giá hôm trước (2.340 USD/tấn); kỳ hạn giao tháng 11/2022 ở mức giá 2.323 USD/tấn, thấp hơn 25 USD/tấn so với giá mở cửa (mức 2.348 USD/tấn). Khối lượng giao dịch cao.
Còn ở sàn giao dịch New York, cà phê chè Arabica kỳ hạn giao tháng 9 giảm 1.00 cent/lb so với giá hôm trước, đang ở mức 241,95 cent/lb; kỳ hạn giao tháng tháng 12/2022 là 238,65 cent/lb, giảm 0,35 cent/lb so với giá hôm trước. Khối lượng giao dịch cao.
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính từ ngày 1/8 đến 15/8, nước ta đã xuất khẩu 48,8 nghìn tấn cà phê, tương đương kim ngạch xuất khẩu đạt 114 triệu USD. Luỹ kế từ đầu năm đạt 1,8 triệu tấn với trị giá 2,6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu tính đến ngày 15/8 đã tăng 18% lên mức 1,18 triệu tấn, tương đương trị giá 2,6 tỷ USD; tăng vọt 44% do giá nội địa tăng cao.
Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành cà phê nước ta, tuy nhiên cũng dấy lên lo ngại tồn kho giảm mạnh gây nên thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Theo Bloomberg, tồn kho cà phê của Việt Nam đang giảm dần và đây là dấu hiệu cho thấy giá mặt hàng này trên toàn cầu có thể còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Theo ước tính của một số thương nhân, tồn kho tính đến cuối tháng 9 có thể chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cà phê robusta của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ giảm khoảng 6% trong niên vụ 2022 - 2023 xuống 1,72 triệu tấn. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê.
Dự trữ ngày càng cạn kiệt trong khi triển vọng sản lượng trong niên vụ tiếp theo không được tích cực giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cà phê đang phục hồi sau đại dịch. Giá cà phê robusta đã tăng 17% tức mức thấp nhất 10 tháng hồi giữa tháng 7 do thị trường quan ngại nguồn cung từ Brazil và Châu Phi giảm.
Cà phê robusta, nguyên liệu chính để sản xuất cà phê hoà tan hoặc phối trộn với hạt cà phê arabica để pha espresso, dường như đang quay trở lại đà tăng giá. Thông thường, giá cà phê robusta rẻ hơn rất nhiều so với arabica, do đó trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay, nhu cầu cà phê robusta càng tăng cao.
Hàng tồn kho tại Việt Nam giảm mạnh do lượng cà phê xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm tăng 17% lên 1,13 triệu tấn, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan. Việc gia tăng xuất khẩu còn được hỗ trợ bởi nguồn cung container và tàu được cải thiện. Tuy nhiên, đà tăng xuất khẩu được cho là kho có thể duy trì do lượng hàng dự trữ ngày càng thu hẹp.
Giá tiêu trong nước suy giảm
Giá tiêu hôm nay 26/8 trong khoảng 67.000 - 70.500 đồng/kg. Thị trường trong nước liên tục suy giảm trước những thông tin tiêu cực về xuất khẩu, thị trường Trung Quốc chưa khởi sắc.
Giá tiêu tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông: 68.000 đồng/kg, Gia Lai: 67.000 đồng/kg, Đồng Nai: 67.500 đồng/kg, Bà Rịa - Vũng Tàu: 70.500 đồng/kg, Bình Phước: 69.000 đồng/kg.
Như vậy giá tiêu hôm nay đồng loạt giảm 500 đồng/kg ở các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua.
Theo báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 7/2022 đạt 19.013 tấn tiêu các loại, giảm 5.197 tấn, tức giảm 21,47 % so với tháng trước và giảm 7.217 tấn, tức giảm 27,51% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 80,12 triệu USD, giảm 19,95 triệu USD, tức giảm 19,94 % so với tháng trước và giảm 14,77 triệu USD, tức giảm 15,57 % so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về thị trường tuần trước (15 - 19/8/2022), Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho hay thị trường cho thấy chiều hướng khá tiêu cực khi không có quốc gia sản xuất nào ghi nhận sự gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do tuần trước Ấn Độ và Indonesia tổ chức kỷ niệm ngày độc lập.
Cụ thể, ở khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ ổn định. Sau 2 tuần ổn định, giá tiêu nội địa Sri Lanka giảm trong tuần trước.
Tại Đông Nam Á, sau khi tăng trong 2 tuần qua, tuần trước giá tiêu Indonesia ghi nhận sự ổn định khi vụ thu hoạch tiếp tục diễn ra tại Lampung. Trong khi đó giá tiêu giao dịch trong nước và quốc tế của Malaysia ổn định và không thay đổi. Thị trường cũng ghi nhận giá tiêu nội địa và quốc tế Việt Nam giảm trong tuần trước. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 7/2022 của Việt Nam đạt 4.214 USD/tấn, tăng 1,94 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 6/2022.
Thị trường cao su biến động trái chiều
Giá cao su biến động trái chiều tại thị trường châu Á. Giá cao su Nhật Bản hồi phục trở lại trong khi sàn Thượng Hải tiếp tục giảm.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023, ở mức 227,3 JPY/kg, tăng 0,3 JPY/kg, tương đương 0,53%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 60 CNY/tấn, ghi nhận ở mức 11.905 CNY/tấn, tương đương 0,50%.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm do số liệu kinh tế trong nước suy yếu, mặc dù thị trường Thượng Hải mạnh lên và giá dầu tăng đã hạn chế đà giảm.
Trên sàn Singapore, cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 0,1% xuống 146,7 US cent/kg.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), tháng 7, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu ước đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi nhu cầu toàn cầu dự kiến đạt 1,26 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước những lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, chính phủ nước này đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích sự phục hồi kinh tế.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc đã được cải thiện hơn trong tháng 7 nhờ sự trợ giúp của các chính sách khuyến khích của chính phủ và các biện pháp hạn chế Covid-19 được nới lỏng.
Trong những tháng gần đây, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc có xu hướng tăng trở lại. Tuy Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách Zero COVID, nhưng quốc gia này vẫn đang cần nhập khẩu lượng mủ cao su và cao su sơ chế rất lớn để phục vụ cho sản xuất các sản phẩm cao su.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 6 cho Trung Quốc với 123,48 triệu USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,1% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 5,8% của 6 tháng đầu năm 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường: Bờ Biển Ngà, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines,... Trong đó, trị giá cao su tự nhiên nhập khẩu từ Lào tăng mạnh nhất, tăng tới 973,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, Trung Quốc giảm nhập khẩu cao su tự nhiên từ một số thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Campuchia…,
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp