08/08/2022 08:27
Giá một số loại nông sản tăng nhẹ
Thị trường nông sản ngày 8/8 ghi nhận giá một số loại nông sản có xu hướng tăng nhẹ.
Thị trường cà phê không nhiều biến động
Giá cà phê hôm nay 8/8 dao động trong khoảng 44.400 - 44.900 đồng/kg.
Cụ thể, tại Lâm Đồng là 44.400 đồng/kg, Đắk Lắk: 44.900 đồng/kg, Đắk Nông: 44.700 đồng/kg, Gia Lai: 44.800 đồng/kg, Kon Tum: 44.800 đồng/kg.
Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 2 USD (0,1%), giao dịch tại 2.043 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 1 USD (0,05%), giao dịch tại 2.042 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 9/2022 quay đầu giảm mạnh 9,85 Cent (4,49%), giao dịch tại 209,45 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 9,35 Cent/lb (4,33%), giao dịch tại 206,4 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng rất mạnh.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 7/2022 đạt 125 nghìn tấn, trị giá 284 triệu USD, giảm 9,0% về lượng và giảm 9,9% về trị giá so với tháng 6/2022. Giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 7/2022 ước đạt mức 2.272 USD/tấn, giảm 1,0% so với tháng 6/2022.
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam thông tin thêm, sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê Robusta), thấp hơn so với 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021. Trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu.
Trong quý II/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Âu và châu Á giảm so với quý I/2022, nhưng xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ tăng 33,2%; châu Đại Dương tăng 12,1%; châu Phi tăng 11%, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
So với quý II/2021, xuất khẩu cà phê sang tất cả các châu lục tăng. Trong đó, tốc độ xuất khẩu sang châu Đại Dương tăng cao nhất (tăng 134,6%) và châu Á thấp nhất (tăng 8,2%).
Quý II/2022 so với quý I/2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường khu vực châu Âu giảm, ngoại trừ Nga. Đối với khu vực châu Á, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường giảm, ngoại trừ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.
Đối với khu vực châu Mỹ, xuất khẩu cà phê sang Mỹ và Canada tăng. So với quý II/2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Philippines, Thái Lan và Malaysia.
Quý II/2022 so với quý I/2022, xuất khẩu cà phê robusta và arabica giảm, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến và excelsa tăng. So với Quý II/2021, xuất khẩu cà phê robusta, arabica và cà phê chế biến tăng, nhưng xuất khẩu cà phê excelsa giảm.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê robusta tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,67 tỷ USD; arabica tăng 74,9%, đạt 179,37 triệu USD; cà phê chế biến tăng 9,5%, đạt 312,7 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu cà phê excelsa giảm 30,2%, đạt trên 2 triệu USD.
Giá tiêu tương đối ổn định
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định, giao dịch từ 71.500 - 74.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 71.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk: 72.500 đồng/kg; Bình Phước: 73.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 74.000 đồng/kg.
Hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường. Sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng trong thời gian tới.
Theo Vietnambiz, thị trường hồ tiêu toàn cầu đang khá trầm lắng do người mua và người bán vẫn tỏ ra thận trọng trong một thị trường bị chi phối bởi sự bất ổn kinh tế và lạm phát.
Động lực để giá hồ tiêu cuối năm nay ở mức cao hơn năm ngoái đang dần bị triệt tiêu. Thông thường giá cả chủ yếu phụ thuộc vào cung - cầu, năm nay nhu cầu giảm là yếu tố chính dẫn đến sự đi xuống của giá cả.
Đặc biệt là tại khu vực châu Á khi nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm đáng kể, trong khi nguồn cung vụ mùa mới từ Brazil và Indonesia đang tiếp tục bổ sung vào thị trường.
Theo các chuyên gia, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga – Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực.
Trong khi đó, những lo ngại về làn sóng Covid-19 mới trên toàn cầu cũng như chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hồ tiêu.
Điều này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Lạm phát tăng đang đẩy lãi suất lên cao khiến người mua càng phải thận trọng hơn. Nhà chế biến gia vị của Mỹ McCormick báo cáo rằng, lạm phát toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến tiêu thụ gia vị.
Giá cao su tăng nhẹ
Giá cao su hôm nay đảo chiều tăng nhẹ tại các sàn chủ chốt châu Á.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 8/2022 ghi nhận mức 240,1 JPY/kg, tăng 0,25%, tương đương 0,6 JPY/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 8, 10, 12 cũng tăng nhẹ.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 8/2022 đứng ở mức 12.100 nhân dân tệ/tấn, tăng 1,26%, tăng 150 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải hôm nay tăng ở tất cả các kỳ hạn tháng 9, 10, 11 và tháng 1/2023 với mức tăng mạnh hơn 1%.
Thị trường cao su dự báo vẫn bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt trên thế giới đã có biến động mạnh trong quý II/2022, giá có xu hướng tăng mạnh trong 15 ngày đầu tháng 4/2022, sau đó giảm đến hết tháng 5 và phục hồi trở lại trong tháng 6/2022.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng thị trường cao su tự nhiên dự kiến sẽ cải thiện hơn trong năm 2022. Trong tháng 6/2022, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 1,113 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi tiêu thụ đạt 1,206 triệu tấn, tăng 5,8% so với tháng 6/2021. Do đó nguồn cung thiếu hụt khoảng 93 nghìn tấn. ANRPC dự báo nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu trong các năm tới.
Trong quý II/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước tại một số tỉnh biến động mạnh, giá có xu hướng tăng mạnh trong tháng 4/2022, sau đó giảm trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022. Xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra trong tháng 7/2022.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý II/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 380,33 nghìn tấn, trị giá 646,38 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý II/2022 tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu tăng.
Về thị trường xuất khẩu: Trong quý II/2022, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 87,5% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Quý II/2022, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 335,25 nghìn tấn, trị giá 565,4 triệu USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 31,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung, trong quý II/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 256,09 nghìn tấn, trị giá 416,08 triệu USD, tăng 27,4% về lượng và tăng 26,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 64,4% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 28,06 nghìn tấn, trị giá 50,89 triệu USD, tăng 93% về lượng và tăng 91,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 7,9% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước trong quý II/2022.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp