Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tăng cường bảo vệ môi trường trong thi công sân bay Long Thành

Chính sách - Hạ tầng

21/03/2024 07:26

Các đơn vị tham gia thực hiện dự án đang khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi do ảnh hưởng từ hoạt động thi công.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm bụi do thi công Dự án Sân bay Long Thành, tối 20/3, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, các đơn vị tham gia thực hiện dự án đang khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi do ảnh hưởng từ hoạt động thi công.

Theo đó, ACV đã có công văn gửi Liên danh nhà thầu thi công và Tư vấn giám sát về việc chấn chỉnh hoạt động di chuyển của các phương tiện xe máy, thiết bị và duy trì việc tưới dập bụi hệ thống đường công vụ trên công trường dự án. Dưới sự giám sát của Tổ an toàn - vệ sinh môi trường (thuộc Chủ đầu tư), các liên danh nhà thầu thi công dự án đã sử dụng đội xe với 35 xe bồn tưới nước chuyên dụng thực hiện tưới nước hạn chế bụi phát tán trên công trường (tần suất đảm bảo tối thiểu 5 lần/ngày).

Nhà thầu lập kế hoạch, lịch trình, tần suất tưới nước và phân chia phạm vi tưới nước cụ thể cho mỗi nhà thầu thành viên theo từng cung đường vận chuyển, khu vực hoạt động thi công. Tổ an toàn - vệ sinh môi trường và đơn vị Tư vấn giám sát tổ chức giám sát chặt chẽ lịch trình, tần suất, phạm vi tưới nước theo đúng kế hoạch; ACV yêu cầu nhà thầu gấp rút triển khai việc lắp đặt hệ thống định vị trên các xe tưới nước nhằm giám sát hoạt động tưới nước theo đúng kế hoạch, lịch trình.

Tăng cường bảo vệ môi trường trong thi công sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Cùng với đó, ACV đã chỉ đạo Tư vấn giám sát thực hiện giám sát chặt chẽ việc vận chuyển của các phương tiện thiết bị tham gia thi công đảm bảo theo đúng các tuyến đường công vụ. Đồng thời, nghiêm cấm các đơn vị thi công cho các phương tiện lưu thông ngoài tuyến đường công vụ và tuyệt đối không băng qua các khu vực đất trống khi không có hoạt động thi công. Các trường hợp vi phạm sẽ bị đình chỉ và không cấp phép hoạt động trên công trường.

Để bảo vệ mái taluy tại khu vực lưu giữ đất thừa 722 ha, ACV đã chỉ đạo các nhà thầu thi công thực hiện ngay việc trồng cỏ để giữ bề mặt đất và chống bụi, chống trôi tại các khu vực mái taluy, bề mặt san nền sau khi thi công xong đến cao độ hoàn thiện (khu vực 722 ha) theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Nhà thầu thi công sẽ hoàn thiện hạng mục trồng cỏ mái taluy khu vực 722 ha trong tháng 4/2024.

Dự án đã bố trí hệ thống các biển báo (biển báo hạn chế tốc độ, cảnh báo khu vực thi công, khu vực nguy hiểm…) để kiểm soát tốc độ di chuyển trong phạm vi công trường; yêu cầu các nhà thầu thi công thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các tài xế để nắm bắt quy định, nâng cao ý thức tham gia giao thông trong công trường, giám sát chặt chẽ, xử phạt các trường hợp vi phạm.

ACV đã triển khai hai cổng kiểm soát để quản lý các phương tiện ra vào công trường, yêu cầu các đơn vị triển khai xây dựng và hoàn thiện hai hệ thống trạm rửa xe tại vị trí các cổng nhằm đảm bảo phương tiện ra vào được rửa trôi bùn đất, tránh không để phát tán ra ngoài phạm vi công trường.

Tuy nhiên, ACV cho biết thêm, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt, giải pháp chống bụi bằng phun Polime không được áp dụng. Đồng thời, công nghệ này chưa được phổ biến ở Việt Nam để chủ đầu tư có cơ sở tham khảo áp dụng.

Mặt khác, với diện tích rộng lên đến hàng ngàn hecta và nhiều khu vực đang tiếp tục thi công các công trình kết cấu hạ tầng dự án thành phần 3 cũng như các khu vực thi công của các dự án thành phần khác, việc áp dụng công nghệ chống bụi bằng phun Polime dẫn đến chi phí thực hiện rất lớn. ACV sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng các giải pháp phù hợp khác, có hiệu quả kinh tế kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng phát tán bụi trên công trường.

Theo ACV, nguyên nhân khách quan gây ra hiện tượng phát tán bụi trong quá trình thi công do dự án được triển khai trên diện tích rộng lớn, từ tháng 1 đến tháng 3 gần như không có mưa, thời tiết nắng gắt, thổ nhưỡng và tính chất cơ lý của tầng đất tự nhiên khu vực triển khai dự án có yếu tố bất lợi để hình thành các cơn lốc bụi dẫn đến việc phát tán bụi ra ngoài phạm vi công trường.

Theo thiết kế, giai đoạn 1 thực hiện công tác san nền (đào, đắp, vận chuyển đất khoảng 115 triệu m3), qua đó bóc tách hoàn toàn 1.810 ha và khu bãi trữ 722 ha để chuẩn bị mặt bằng bàn giao thi công các hạng mục khác nhau của dự án. Việc bóc toàn bộ lớp phủ thảm thực vật để lộ lớp đất mặt giữa thời tiết nắng nóng. Lớp đất ở đây có đặc thù khi mưa rất nhão và lầy, khi khô hanh thì cứng và hình thành lớp đất mặt khô, dễ tơi và bốc bụi. Hiện tại, bề mặt mặt bằng xây dựng là đất trống nên rất dễ dẫn đến hiện tượng tốc bụi phơi nền trên diện rộng.

Các hạng mục công trình được khởi công ở các thời điểm khác nhau dẫn đến việc không thể cùng bàn giao mặt bằng và triển khai thi công đồng loạt tại công trường. Sau khi các bề mặt san nền đã hoàn thiện theo cao độ thiết kế, ACV đã triển khai ngay việc trồng cỏ giữ bề mặt đất và chống bụi cho các khu vực mái taluy đắp, các khu vực đất trống và dải bảo hiểm khu bay. Mục tiêu đến mùa mưa năm nay sẽ phủ kín cỏ các khu vực trên, hạn chế tối đa lượng bụi phát tán vào không khí.

Theo ACV, vào thời gian mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) lớp đất mặt rất nhão và lầy, gây nhiều khó khăn cho việc thi công. Do đó, tận dụng tối đa thời tiết mùa khô, Dự án cần đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các hạng mục xây dựng. Hiện nay, công trường có hơn 350 máy móc, trang thiết bị cùng gần 1.500 kỹ sư, công nhân tận dụng tối đa thời tiết, quyết liệt triển khai thi công nên khó tránh khỏi việc bụi đất hình thành và có sự phát tán.

P.V (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement