03/12/2023 07:38
Tác động của hạn hán ở Amazon có thể kéo dài đến năm 2026
Hạn hán đã làm cạn kiệt sông Amazon và một số nhánh sông, giết chết loài cá heo đang có nguy cơ tuyệt chủng và làm gián đoạn việc tiếp cận thực phẩm và thuốc men ở nhiều thành phố khác nhau.
Kéo dài đến 2026
Các chuyên gia cho biết hạn hán cũng có thể tăng gấp đôi tỷ lệ chết khô của những cây lớn nhất trong rừng nhiệt đới, giải phóng một lượng lớn carbon mà chúng chứa trong gỗ của mình.
Do biến đổi khí hậu, hạn hán bao trùm miền bắc Brazil, Guyana, Suriname, Guiana thuộc Pháp và một phần của Venezuela và Colombia, khiến sông Amazon và 4 nhánh lớn nhất của nó bị khô hạn xuống mức thấp nhất trong ít nhất nửa thế kỷ.
Hạn hán đã giết chết những loài cá heo sông đang có nguy cơ tuyệt chủng và gây ra những vụ lở bờ sông chết người. Với việc các con sông tạo thành xương sống giao thông xuyên khu vực Amazon, hạn hán đã làm gián đoạn khả năng tiếp cận thực phẩm và thuốc men ở hàng chục thành phố, làm giảm tới 10 triệu tấn so với dự báo ban đầu cho vụ đậu tương năm tới.
Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, được các nhà khoa học coi là bức tường thành chống lại biến đổi khí hậu vì thảm thực vật dày đặc ở đây hấp thụ CO2 và thải ra oxy.
Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva cảnh báo tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Cop28 của Liên hợp quốc hôm thứ Sáu: "Ngay cả khi chúng ta không đốn hạ thêm một cây nào nữa, Amazon vẫn có thể đạt đến điểm không thể quay trở lại".
Điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra khi các chuyên gia dự đoán một đợt hạn hán thậm chí còn dữ dội hơn vào năm tới.
Reuters đã phỏng vấn 9 nhà khoa học cho biết hạn hán bắt đầu từ tháng 4 có khả năng làm suy yếu mùa mưa hàng năm đang diễn ra và kéo dài cho đến mùa mưa tiếp theo vào cuối năm 2024.
Năm nhà khoa học trong số đó cho biết Amazon khó có thể phục hồi hoàn toàn trước đầu năm 2026, vì có thể phải mất hai mùa mưa để khôi phục độ ẩm đất bình thường của rừng.
Năm nhà nghiên cứu dự đoán sự phục hồi vào năm 2026 cho biết ảnh hưởng của hạn hán có thể kéo dài hơn nữa nếu El Nino kéo dài.
Hiện tượng xảy ra tự nhiên này làm thay đổi thời tiết toàn cầu cứ sau 2 đến 7 năm, làm ấm vùng nước ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ và kéo mưa theo hướng đó đồng thời làm giảm lượng mưa ở Amazon.
Bốn trong số các nhà khoa học cho biết rất khó dự đoán chính xác khi nào rừng nhiệt đới sẽ phục hồi sau đợt hạn hán này, do dự báo thời tiết dài hạn không chắc chắn.
Cú đúp gấp đôi
Các nhà khoa học cho biết hạn hán là do sự nóng lên ở vùng nhiệt đới Bắc Đại Tây Dương và ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ, hiện tượng ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ ở Bắc Đại Tây Dương tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8 và tháng 9, với nước ngoài khơi bờ biển Florida đạt nhiệt độ tương đượng bồn nước nóng khi lên tới 38,4 độ C (101 độ F).
Những vùng nước ấm hơn đó đã kéo dải mưa được gọi là Vùng hội tụ liên nhiệt đới tiến xa hơn về phía Bắc Mỹ và cách xa Amazon, khiến từ tháng 5 đến tháng 10 – mùa khô của rừng rậm, thậm chí còn khô hơn trong năm nay.
Trong khi đó, những cơn mưa thường tràn ngập Amazon bắt đầu từ tháng 11 đang bị giảm bớt do ảnh hưởng của El Nino.
Các nhà khoa học nói rằng việc thiếu mưa đang làm cạn kiệt lớp đất sâu bên dưới rừng Amazon và độ ẩm đó khó có thể phục hồi cho đến khi mưa lớn quay trở lại, vào khoảng tháng 11 năm sau.
Henrique Barbosa, nhà vật lý nghiên cứu các khu rừng nhiệt đới tại Đại học Maryland, Baltimore, cho biết: "Trong 15 năm qua, đây có lẽ là 'cơn hạn hán thế kỷ' thứ tư trên Amazon. Việc này tệ hơn nhiều so với những cái chúng ta có trước đây".
Tàn phá cấu trúc
Hạn hán đã tàn phá một khu vực rộng lớn – rộng hơn cả Tây Âu, vốn phụ thuộc vào các con sông để cung cấp lương thực, vận tải và thương mại.
Bang Amazonas của Brazil, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp công cộng vào tháng 9 và đã cung cấp nước uống cùng hơn 1.000 tấn gạo, đậu và các mặt hàng chủ lực khác bằng máy bay và thuyền nhỏ hơn có thể di chuyển ở vùng nước nông.
Bang đã triển khai máy bay trực thăng để đưa người bệnh đến bệnh viện và tổ chức học tập từ xa cho khoảng 7.000 học sinh không thể đến trường bằng đường sôngđược nữa.
Chính phủ liên bang Brazil đã cam kết chi 628 triệu reais (129 triệu USD) để cứu trợ, bao gồm vật tư y tế, quân tiếp viện để chống cháy rừng và nạo vét để giảm bớt giao thông bằng thuyền, đồng thời có kế hoạch nạo vét nhiều hơn vào năm tới.
Bộ trưởng Môi trường Amazonas - Eduardo Taveira cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô bang Manaus: "Vấn đề mà chúng tôi đang phải đối mặt hiện nay là thích ứng với những thay đổi khí hậu này và chi phí vẫn không thể tưởng tượng được".
Bên ngoài, khói từ đám cháy rừng che khuất đường chân trời. Thiệt hại kinh tế đối với Brazil, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, đang ngày càng gia tăng.
Ở Itacoatiara, gần nơi giao nhau của sông Amazon và Madeira, một phần của cảng trị giá 15 triệu USD đã sụp đổ vào tháng 10 do đất khô cằn, xốp, chỉ 5 năm sau khi khánh thành.
Cảng Manaus ghi nhận mực nước thấp nhất trong 121 năm, làm gián đoạn việc tiếp cận của tàu container trong hơn 50 ngày.
Các dây chuyền lắp ráp không hoạt động tại khu thương mại tự do Manaus, nơi Honda, LG và các công ty khác lắp ráp hàng tiêu dùng từ các linh kiện nhập khẩu. Nhà sản xuất điện tử Positivo Tecnologia đã cắt giảm dự báo doanh thu năm 2023 từ 15 đến 35%, cảnh báo việc giao hàng trong mùa Giáng sinh sẽ bị gián đoạn.
Các sà lan chở hơn 40% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Brazil tới các cảng phía bắc đã hoạt động ở nửa công suất.
Tại các quốc gia nông nghiệp, hạn hán đã buộc nhiều nhà sản xuất phải trồng một vụ trong năm nay thay vì hai vụ, làm giảm hàng triệu tấn so với dự báo về đậu nành và ngô cho năm tới.
Hạn hán nghiêm trọng và lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến độ ẩm sâu trong đất, nơi những cây lớn nhất đâm rễ.
Việc mất đi của những loài cây khổng lồ trong rừng này có thể đẩy khu rừng nhanh hơn đến điểm không thể quay trở lại, khiến phần lớn khu rừng bị chết.
Brando ước tính tỷ lệ tử vong của cây lớn thông thường có thể tăng gấp đôi lên 3% hoặc hơn trong những năm hạn hán khắc nghiệt, điều này có thể tác động rất lớn đến lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Nếu các điều kiện giống như hạn hán trở nên thường xuyên do biến đổi khí hậu, như một số mô hình khí hậu tầm xa cho thấy, thì quần thể sinh vật Amazon có thể mất 1/6 đến 1/2 diện tích, hoặc 1-3 triệu km2, theo mô phỏng máy tính do Barbosa điều hành.
Điều đó sẽ thải ra một lượng lớn CO2, góp phần gây ra biến đổi khí hậu và xóa sổ vô số loài thực vật và động vật chỉ có ở Amazon.
Barbosa nói: "Những tác động mà chúng ta đang chứng kiến trong năm nay, nếu chúng tiếp tục tồn tại thì đó sẽ là một bi kịch".
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement