01/11/2024 07:31
Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh, vì sao?
Quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng cao, nhưng cũng có một số nhà băng có lợi nhuận giảm mạnh.
Lợi nhuận ngàn tỷ đồng
Kết thúc 9 tháng hoạt động đầu năm 2024, tín dụng của ACB tăng gấp 1,5 lần bình quân ngành và lợi nhuận trước thuế đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.899 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng 133,7%; lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 đạt 8.818 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2024 đạt 22.842 tỷ đồng, tăng 33,5%; thu nhập lãi thuần đạt 26.900 tỷ đồng, tăng 33,9%; thu từ hoạt động dịch vụ đạt 8.300 tỷ đồng, tăng 17,1%; phí dịch vụ bảo hiểm đạt 594 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 9/2024, Techcombank có tổng tài sản 927.100 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm; tín dụng ngân hàng mẹ tăng 17,4%, lên 622.100 tỷ đồng.
Với SeABank, lợi nhuận trước thuế quý 3/2024 đạt 1.269 tỷ đồng, tăng 11%; lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 đạt 4.508 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng thu nhập hoạt động của SeABank là 9.190 tỷ đồng, tăng 39,6%, gồm 7.541 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và 1.650 tỷ đồng thu thuần ngoài lãi. Biên lãi ròng ở mức 3,94%.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của VIB trong quý 3/2024 đạt khoảng 1.995 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6.600 tỷ đồng, bằng 54,79% kế hoạch năm.
BIDV cho hay, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng tín dụng của ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu năm nay ước đạt 36.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 3/2024, chỉ tiêu này đạt 11.700 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế quý 3/2024 của Eximbank tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 tăng 11%, đạt hơn 1.900 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9/2024, Eximbank có tổng tài sản tăng 11% so với đầu năm và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng huy động tăng 9,1% so với đầu năm và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái; dư nợ tăng 15,1% so với đầu năm và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đều tăng qua các quý; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hàng quý dao động trong khoảng 12 -14% (cao hơn so với ngưỡng 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Nhìn chung, trong nhóm lợi nhuận ngàn tỷ, nhiều ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận do tín dụng khởi sắc trong quý 3/2024 khi tính đến hết tháng 9/2024, dư nợ nền kinh tế tăng 9% so với đầu năm. Tuy nhiên, PSG.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét, lợi nhuận ngành ngân hàng ngày càng có sự phân hóa rõ nét, nhất là khi phải cạnh tranh gay gắt giành thị phần tín dụng trong bối cảnh sức cầu vốn của doanh nghiệp chưa thể tăng cao.
Nhóm ngân hàng vừa và nhỏ chịu áp lực về chi phí
Trong khi các ngân hàng lớn thu về hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau 3 quý hoạt động đầu năm 2024, hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, thì ở nhóm nhà băng nhỏ và vừa, tình trạng lợi nhuận suy giảm diễn ra nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do trích lập dự phòng rủi ro và chi phí nhân viên tăng.
Saigonbank là ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về lợi nhuận trong quý 3/2024, với mức giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Theo Saigonbank, việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất khiến thu nhập lãi thuần trong tháng 9 giảm 3%, kéo theo lợi nhuận giảm 18%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng ở mức 2,2%, trích lập dự phòng thêm 20% so với năm trước.
Với BaoVietBank, ngân hàng có lợi nhuận quý 3/2024 giảm do tổng thu nhập hoạt động giảm gần 26%. Các hoạt động ngoài lãi như hoạt động dịch vụ giảm 62,5%, từ 403 tỷ đồng xuống 151 tỷ đồng. Một số khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, hoạt động kinh doanh khác cũng tác động đến lợi nhuận Ngân hàng.
Có gần 16% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận sẽ tăng trưởng âm trong năm 2024.
PGBank đạt lợi nhuận trước thuế 77 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, với động lực chính là thu nhập lãi thuần tăng 49%, lên 416 tỷ đồng. Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 344 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2024, PGBank có tổng tài sản 61.804 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm, trong đó dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,4%, đạt 36.894 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 6,6%, lên 38.099 tỷ đồng; nợ xấu ở mức 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 3,19%.
Trong khi đó, lợi nhuận quý 3/2024 của KienlongBank giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 đạt 761 tỷ đồng, tăng 19%.
Riêng quý 3/2024, phần lớn mảng thu nhập ngoài lãi tại KienlongBank có sự sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tổng thu nhập hoạt động tăng 44,9%, nhưng chi phí hoạt động tăng gần 80% cùng với chi phí dự phòng rủi ro tăng 50,7% nên lợi nhuận trước thuế vẫn giảm.
Tỷ lệ ngân hàng lo ngại lợi nhuận năm 2024 tăng trưởng âm gia tăng
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý IV/2024 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2024 có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Có gần 16% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận sẽ tăng trưởng âm trong năm 2024, cao hơn tỷ lệ 11% tại kỳ điều tra trước.
Về tình hình thanh khoản, các tổ chức cho rằng, quý 3/2024 duy trì trạng thái “tốt” và dự báo sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV.
Về chất lượng tài sản, các tổ chức tín dụng cho biết, trong quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống không như kỳ vọng “giảm nhẹ”, mà có xu hướng “tăng nhẹ”. Tuy nhiên, xu hướng này có biểu hiện thu hẹp so với quý II/2024 và các tổ chức tín dụng kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong quý IV/2024.
Theo FiinGroup, biên lãi ròng của ngành ngân hàng vào cuối năm 2024 có khả năng sẽ giữ nguyên hoặc có xu hướng giảm. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ 14 - 15% có khả năng đạt được sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận của ngành, nhưng một số nhà băng nhỏ vẫn khó có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán MB dự báo, sẽ có ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trung bình ngành hoặc tăng trưởng âm. Đồng thời, thu nhập ngoài lãi ngành ngân hàng được giới phân tích đánh giá còn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi vẫn dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự kiến sẽ không tăng trưởng cao như những quý trước, vì tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Về chất lượng tài sản, nợ xấu các ngân hàng niêm yết trong quý 3/2024 sẽ không tăng cao so với quý II, nhưng sang quý IV có nguy cơ tăng cao hơn. Đó cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng tăng trích lập dự phòng trong quý 3, ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp