21/06/2022 21:16
Singapore đối phó với lạm phát gia tăng như thế nào?
Singapore được biết đến với sự đa dạng của các món ăn đường phố và ẩm thực địa phương, nhưng nhiều người có thể không biết rằng nước này đang phải đối mặt với một thách thức dai dẳng về vấn đề an ninh lương thực.
Vấn đề ngày càng cấp bách đã trở thành tâm điểm chú ý của Singapore sau các lệnh cấm xuất khẩu lương thực gần đây - đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của nước láng giềng Malaysia, mà hơn 34% lượng thịt gà nhập khẩu của Singapore lại từ nguồn cung của nước này.
Là một quốc đảo nhỏ, Singapore thiếu tài nguyên thiên nhiên, nên dẫn đến nước này nhập khẩu hơn 90% lương thực từ hơn 170 quốc gia và khu vực. Với việc đất nước dễ bị tác động bởi nhiều sóng gió bên ngoài, chính phủ Singapore đã đưa ra sáng kiến "30 - 30" để sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng vào năm 2030.
Nhưng quốc gia này vẫn phải chịu tác động của lạm phát lương thực gia tăng. "Giá thực phẩm tăng 4,1% trong tháng 4 so với một năm trước đó, tăng từ 3,3% trong tháng 3", Cơ quan tiền tệ Singapore và Bộ Thương mại và Công nghiệp cho biết.
Tình hình toàn cầu
Đặc biệt, các chủ quầy hàng rong bắt đầu cảm thấy khó khăn khi họ phải chịu áp lực giữ giá để kéo khách. Remus Seow, chủ của Fukudon, một quầy hàng rong bán cơm Nhật Bản, là một ví dụ điển hình.
Trong 6 tháng qua, giá các nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn như dầu ăn, trứng và thịt, đã tăng từ 30% đến 45%. Seow gần đây đã tăng giá lần đầu tiên kể từ khi anh ấy mở quầy hàng của mình hai năm trước. "Nếu giá tiếp tục tăng, 20% đến 35% khách hàng có thể sẽ không mua lại quầy hàng của tôi nữa", anh ấy chia sẻ.
Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết giá lương thực toàn cầu tăng cao dự kiến sẽ tiếp tục góp phần gây ra lạm phát lương thực địa phương sau năm 2022. Giá lương thực toàn cầu đã bắt đầu tăng trong thời kỳ đại dịch, nhưng cuộc chiến ở Ukraina đã làm trầm trọng thêm những áp lực lạm phát.
Dil Rahut, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết tình trạng thiếu lương thực sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian ngắn và thậm chí có thể kéo dài trong một hoặc hai năm tới.
"Các quốc gia khác không thể nhanh chóng nhảy vào để lấp đầy khoảng trống mà Ukraina và Nga để lại vì phải mất ít nhất 1 năm để trồng nông sản tươi", ông Rahut nói.
Tương tự, Paul Teng, trợ giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cảnh báo rằng ngay cả khi chiến tranh kết thúc, giá lương thực sẽ không ngay lập tức trở lại mức giá trước đây.
"Đó là bởi vì các yếu tố như chi phí nhiên liệu tăng, thiếu lao động và chuỗi cung ứng bị gián đoạn sẽ làm gia tăng tình trạng thiếu lương thực hiện có, khiến giá cả tăng cao", ông Teng nói.
Ngân hàng Thế giới đã báo cáo rằng giá lương thực dự kiến sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay trước khi hạ nhiệt vào năm 2023.
Vấp ngã
"Tuy Singapore vẫn đang làm tương đối tốt trong việc duy trì an ninh lương thực, nhưng tương lai của nước này vẫn chưa rõ", ông Teng cho biết thêm.
Ông nói: “Singapore đã hạ thấp ngành nông nghiệp và nhập khẩu lương thực. Bây giờ chúng tôi phải thực hiện một vòng quay đầu và bắt đầu tăng tốc, nhưng điều này cần thời gian để có kết quả”.
Kế hoạch “30 - 30” nhằm cung cấp cho Singapore mức độ tự sản xuất đủ để nước này vượt qua thời kỳ khó khăn, nhưng điều đó sẽ không đủ để thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu. Đó là bởi vì chính phủ đã quyết định đầu tư nhiều hơn vào việc tăng tổng sản phẩm quốc nội của đất nước và thu nhập trung bình của hộ gia đình hơn là đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp.
“Miễn là bạn có tiền, và miễn là không bị gián đoạn chuỗi cung ứng, thì bạn luôn có thể mua thực phẩm ở đâu đó vì khối lượng chúng tôi cần (tương đối) không cao lắm", Teng nói. Nhưng mặc dù Singapore có thể đạt được mục tiêu về mặt kỹ thuật và công nghệ, hai vấn đề vẫn còn tồn tại - giá cả và thái độ của người tiêu dùng đối với “thực phẩm mới".
Teng cho biết người tiêu dùng đặc biệt thích mua “thực phẩm tự nhiên” và có thể không chấp nhận “thực phẩm mới” - như gà nuôi trong phòng thí nghiệm và các nguồn protein thay thế, mà đây lại là một phần quan trọng của mục tiêu “30-30”.
Nhưng Rahut cảnh báo rằng việc đạt được mục tiêu sẽ là “rất khó” vì thời hạn đã đến gần và Singapore vẫn chỉ sản xuất 10% nhu cầu dinh dưỡng của riêng mình. Người dân cũng sẽ vẫn mua các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu nếu chúng rẻ hơn các sản phẩm địa phương trừ khi chính phủ có thể trợ giá cho các sản phẩm này.
“Nhưng cách duy nhất là chính phủ phải đi trước và làm hết sức mình để duy trì giá cả, chất lượng và nhu cầu cần thiết của người dân. Và sau đó mọi người sẽ từ từ chấp nhận (sản phẩm địa phương)”, ông nói.
Rahut cũng gợi ý rằng việc tiếp thị các sản phẩm địa phương như thực phẩm chất lượng cao và bổ dưỡng có thể khuyến khích người tiêu dùng mua nó với giá cao hơn, giống như một số người sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm hữu cơ được bán trên thị trường.
Singapore có thể làm gì?
Cả ông Teng và ông Rahut cho biết, trong ngắn hạn, chính phủ có thể cung cấp mạng lưới an toàn cho những người dân chịu thiệt thòi, ví dụ như thông qua các khoản thanh toán bằng tiền mặt hoặc chứng từ.
Tuy nhiên, ông Teng nói thêm rằng một trong những điểm yếu của Singapore là mặc dù họ cố gắng đa dạng hóa hàng hóa nhập khẩu từ một nhóm quốc gia, họ vẫn chỉ dựa chủ yếu vào một hoặc hai quốc gia. Ví dụ, Singapore nhập khẩu 48% gà từ Brazil và 34% từ Malaysia vào năm 2021, Cơ quan Thực phẩm Singapore cho biết.
Teng cũng lưu ý rằng, hầu hết gà nhập khẩu từ Malaysia là gà sống, trong khi phần còn lại nhập khẩu từ Brazil và các nước khác là gà đông lạnh. Do đó, ở cấp độ chính sách, điều quan trọng là phải đa dạng hóa nhập khẩu đối với các loại sản phẩm khác nhau. Chẳng hạn như tìm thêm nguồn gà sống để nhập khẩu.
Chính phủ cũng có thể khuyến khích nhiều công ty Singapore phát triển thực phẩm ở nước ngoài và hình thành các thỏa thuận với các chính phủ khác để đảm bảo sản phẩm không bị cấm xuất khẩu, ông nói thêm.
“Giải pháp chung bây giờ là đảm bảo các nước sản xuất, các nước xuất khẩu có thặng dư lương thực, và có rất nhiều cách để chúng tôi có thể giúp các nước khác làm điều đó”, Teng nói.
Tương tự, Rahut nói thêm rằng vì Singapore là một quốc gia có công nghệ tiên tiến như vậy, nên họ có thể xem xét việc giúp các quốc gia khác cải thiện hệ thống sản xuất lương thực của họ.
“Điều đó sẽ không chỉ giúp Singapore ổn định giá lương thực và an ninh lương thực mà còn cả an ninh lương thực và giá lương thực toàn cầu”, Rahut nói.
(Nguồn: CNBC)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp