17/05/2022 08:47
Sau Phần Lan, Thụy Điển thông báo sẽ nộp đơn gia nhập NATO
Chính phủ Thụy Điển hôm thứ Hai (16/5) thông báo rằng, họ sẽ chính thức nộp đơn xin gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau hàng thập kỷ giữ thái độ trung lập trong lĩnh vực quân sự.
"Chính phủ đã quyết định thông báo cho NATO rằng, Thụy Điển muốn trở thành thành viên của liên minh quân sự này và của Thụy Điển tại NATO sẽ sớm thông báo cho tổ chức này", Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết.
Quyết định mang tính bước ngoặt được đưa ra sau khi đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển đã phá vỡ chính sách 73 năm "không liên kết" và tuyên bố hôm Chủ nhật rằng, họ sẽ trở lại tư cách thành viên NATO.
"Chúng ta đang rời một kỷ nguyên này và bắt đầu một kỷ nguyên khác", bà Andersson nói hôm thứ Hai sau khi quốc hội nước này cho thấy sự ủng hộ lớn đối với việc tham gia liên minh.
Trong số tám đảng trong quốc hội Thụy Điển, chỉ có hai đảng thiên tả với một số ít thành viên phản đối động thái này.
Thủ tướng Andersson cho biết, bà hy vọng sẽ "không mất quá một năm" để 30 thành viên của liên minh quân sự này phê chuẩn đơn tham gia của Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự dè dặt về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh và viện dẫn cái mà họ gọi là lo ngại "khủng bố" ở các nước Bắc Âu. Điều này ám chỉ các quốc gia này thường cấp phép tị nạn cho người Kurd đến từ Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ.
Thụy Điển hôm thứ Hai cho biết họ sẽ cử các nhà ngoại giao tới Ankara để đàm phán.
Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana nói hôm Chủ nhật rằng, liên minh sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ có một quy trình nộp đơn nhanh chóng.
"Họ sẽ gia tăng an ninh chính họ, cho an ninh của chúng tôi và cho cộng đồng xuyên Đại Tây Dương",ông nói.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin hôm Chủ nhật cũng đã công bố nộp đơn tham gia NATO, dự kiến quyết định này sẽ nhận được sự ủng hộ chính trị rộng rãi và được thông qua sau một phiên họp quốc hội kéo dài.
"Môi trường an ninh của chúng tôi đã thay đổi về cơ bản. Quốc gia duy nhất đe dọa an ninh châu Âu, và hiện đang công khai tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, là Nga", Thủ tướng Marin nói.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên Twitter rằng, quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan "cải thiện" an ninh của châu Âu và "có lợi cho khả năng an ninh và quốc phòng chung của chúng ta".
Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell, một thành viên của nhóm thượng nghị sỹ Hoa Kỳ thăm cả Phần Lan và Thụy Điển khi hai nước hoàn tất hồ sơ tham gia, cho biết ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ chấp thuận đơn của Thụy Điển "nhanh hơn so với các đơn xin gia nhập NATO trước đây" và Quốc hội có khả năng sẽ phê duyệt vào tháng 8.
Nga đã nhiều lần cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển về hậu quả nếu họ xin gia nhập NATO.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO "không có mối đe dọa trực tiếp nào" đối với Nga nhưng việc "mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tới các vùng lãnh thổ này chắc chắn sẽ kích động phản ứng của chúng tôi".
Thụy Điển và Phần Lan vẫn giữ thái độ trung lập trong suốt Chiến tranh Lạnh, nhưng đã thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với NATO sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Tytti Tuppurainen, Bộ trưởng Phần Lan về các vấn đề châu Âu, nói hôm thứ Hai rằng, Phần Lan sẽ không "để Nga đe dọa chúng tôi".
"Nga không thể đưa ra các quyết định thay cho quốc gia của chúng tôi", Tuppurainen nói và cho biết thêm rằng, sự hợp tác hiện tại của Phần Lan với NATO đã "gần gũi" như một quốc gia thành viên, và những phản đối của Điện Kremlin "không có gì mới".
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement