16/05/2022 08:11
Phần Lan tuyên bố nộp đơn gia nhập NATO, Thụy Điển có thể làm điều tương tự trong vài ngày tới
Chính phủ Phần Lan hôm Chủ nhật (15/5) đã chính thức thông báo rằng, họ sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi động thái này nhận được sự ủng hộ của đảng cầm quyền.
Quốc hội Phần Lan dự kiến sẽ thông qua quyết định này trong những ngày tới.
Quyết định này diễn ra trong bối cảnh Nga đang tấn công Ukrain, báo hiệu một sự thay đổi lập trường trung lập lâu nay của nước này.
Tổng thống Sauli Niinisto cho biết, ông nhất trí với chính phủ và đã tham khảo ý kiến của quốc hội trước khi công bố quyết định.
"Đây là một ngày lịch sử. Một kỷ nguyên mới đang mở ra", Tổng thống Niinisto phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Sanna Marin.
"Chúng tôi đã từng có chiến tranh với Nga, và chúng tôi không muốn tương lai đó cho chính mình, cho con cái chúng tôi, và đây là lý do tại sao hôm nay chúng tôi đưa ra quyết định này và sẽ không bao giờ có chiến tranh nữa", Thủ tướng Phần Lan nói.
Tiếp theo là Thụy Điển?
Các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển hôm Chủ nhật cũng được cho là sẽ tuyên bố ủng hộ gia nhập NATO.
Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển từ lâu đã chống lại tư cách thành viên NATO, nhưng cuộc tấn công của Nga đã gây ra một cuộc tranh luận trong xã hội Thụy Điển về việc gia nhập liên minh quốc phòng.
Thủ tướng Phần Lan Marin cho biết việc gia nhập NATO với Thụy Điển là rất quan trọng. "Điều quan trọng là chúng ta đang đi cùng một hướng. Điều quan trọng là chúng ta đang di chuyển cùng một tốc độ", bà nói.
Hôm Chủ nhật, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana cho biết, "Phần Lan và Thụy Điển đã là những đối tác thân thiết nhất của NATO".
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, Berlin muốn đẩy nhanh quá trình phê chuẩn nếu cả Thụy Điển và Phần Lan đều mong muốn tham gia liên minh quốc phòng này.
Thời gian phê chuẩn thường có thể kéo dài tới một năm.
Baerbock nói: "Nếu hai quốc gia này quyết định tham gia, họ có thể tham gia rất nhanh".
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO duy nhất đã bày tỏ sự phản đối việc hai nước Bắc Âu gia nhập khối.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển đặc biệt khoan hồng đối với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), tổ chức nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của EU.
Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, việc các thành viên NATO mới tương lai ủng hộ PKK là "không thể chấp nhận được và thái quá".
Một ngày sau, Cavusoglu kêu gọi Thụy Điển và Phần Lan ngừng hỗ trợ PKK, đưa ra các đảm bảo an ninh và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
TT Niinisto cho biết, ông "hơi bối rối" về những gì ông nói là sự thay đổi lập trường của Ankara.
"Điều chúng tôi cần bây giờ là một câu trả lời thật rõ ràng, tôi chuẩn bị có một cuộc thảo luận mới với Tổng thống Erdogan về những vấn đề mà ông ấy đã nêu ra", TT Niinisto nói.
Phó tổng thư ký NATO cho biết hôm Chủ nhật rằng, liên minh này tự tin rằng họ có thể có một sự đồng thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này.
Nga tuyên bố sẽ đáp trả
Nga đã tuyên bố sẽ trả đũa từng bước đối với việc mở rộng NATO.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Phần Lan cho biết ông đã nói với người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, về kế hoạch gia nhập liên minh phương Tây của Helsinki.
Theo tuyên bố của Điện Kremlin, ông Putin nói với Niinisto rằng Nga không gây ra mối đe dọa nào đối với Phần Lan, nhưng việc trở thành thành viên của NATO có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ.
TT Niinisto trước đó đã nói rằng "gia nhập NATO sẽ không chống lại bất kỳ ai."
Phần Lan có đường biên giới dài 1.300 km (800 dặm) với Nga.
Mặc dù Helsinki vẫn không liên kết quân sự trong 75 năm, nhưng dư luận Phần Lan đã thay đổi trong bối cảnh Ukraina đang xảy ra chiến tranh.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement