23/07/2024 15:30
Những vấn đề 'nóng' của thị trường toàn cầu
Nhà phân tích Tom Westbrook thuộc hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) mới đây đã đưa ra quan điểm tổng quan về thị trường châu Âu và toàn cầu.
Theo đó, ông Tom Westbrook cho rằng hầu hết các thị trường đã chuyển sự chú ý sang tập trung vào vấn đề lãi suất và báo cáo lợi nhuận, sau khi đánh giá quyết định rút khỏi cuộc tái tranh cử vào Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden.
Tại Mỹ, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới chỉ ảnh hưởng đến giá cả, còn tại châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 10 tới.
Số liệu về niềm tin người tiêu dùng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và doanh số bán nhà hiện tại của Mỹ, đều công bố ngày 23/7 theo giờ địa phương, được cho là khó có thể thay đổi triển vọng trên.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) không tính lương thực và năng lượng của Mỹ trong tháng 6/2024 – dự kiến được công bố ngày 26/7 – sẽ tăng 0,1% trong tháng thứ hai liên tiếp. Nếu kỳ vọng này là đúng thì lạm phát lõi của Mỹ trong ba tháng từ tháng 3-6/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2024, và ở dưới ngưỡng mục tiêu 2% của Fed.
Các chuyên gia dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II/2024 đạt 1,9%, sau khi chỉ đạt 1,4% trong ba tháng đầu năm. Đây sẽ là hai quý liên tiếp kinh tế Mỹ ghi nhận hoạt động chậm nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Điều này, kết hợp với một thị trường việc làm và tăng trưởng tiền lương vừa phải, tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách của Fed bắt đầu nới lỏng.
Fed sẽ họp vào ngày 30-31/7 tới, nhưng các nhà đầu tư đánh giá khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp này là rất thấp. Họ cho rằng thể chế nước Mỹ sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 9, với mức giảm 25 điểm cơ bản.
Chuyên trang về kinh tế Bloomberg Economics nhận định: "Dữ liệu về chỉ số PCE của tháng Sáu có thể sẽ là tin tức đáng khích lệ đối với Fed… Với việc thị trường lao động hạ nhiệt, tăng trưởng thu nhập cá nhân chậm lại và người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng hơn trong thói quen chi tiêu, chúng tôi nghĩ rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào tháng Chín".
Trong một phát biểu gần đây, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết Eurozone đang đạt nhiều tiến triển trong cuộc chiến chống lạm phát, song khu vực này vẫn đối mặt với những điều không chắc chắn và câu hỏi lớn về tương lai.
Tại cuộc họp ngày 18/7, ECB đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 3,75% đúng như dự báo của thị trường. Bên cạnh đó, ngân hàng này để ngỏ khả năng tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ hai tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Chín.
Trong ba tháng đầu năm nay, kinh tế Eurozone đã có dấu hiệu phục hồi, khi GDP trong khối tăng 0,3% so với quý trước đó và chấm dứt một năm trì trệ.
Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg của Đức, cho biết mức tăng trưởng vượt dự báo trên chủ yếu phản ánh sự suy giảm của cú sốc giá năng lượng và thực phẩm cùng sự phục hồi trong thương mại toàn cầu. Theo S&P Global, GDP của Eurozone sẽ tăng từ 0,7% trong năm nay lên 1,4% trong năm tới.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã cảnh báo về rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế tại Eurozone. Theo bà Lagarde, 2024 sẽ là một năm tăng trưởng chậm kèm theo bất ổn ngày càng tăng.
Hơn nữa, do các thị trường chứng khoán ổn định sau đợt bán tháo cổ phiếu của các công ty sản xuất chip. Giới giao dịch đang chờ đợi báo cáo thu nhập của Tesla và Alphabet, hai công ty hàng đầu trong nhóm "Magnificent Seven", dự kiến công bố sau giờ giao dịch, để đưa ra định hướng.
Lợi nhuận của Tesla dự kiến sẽ giảm, trong khi Alphabet dự kiến báo cáo tăng trưởng doanh thu hai chữ số quý thứ tư liên tiếp nhờ vào sự phục hồi của thị trường quảng cáo.
Ngày 22/7, "gã khổng lồ" công nghệ Google đã hủy bỏ kế hoạch xóa cookie theo dõi người dùng khỏi trình duyệt Chrome của mình, dưới áp lực từ các nhà quảng cáo sử dụng dữ liệu cookie để điều hướng mục tiêu quảng cáo.
Texas Instruments và Visa cũng sẽ công bố báo cáo lợi nhuận sau giờ giao dịch, trong khi Coca-Cola, General Electric, General Motors và UPS công bố báo cáo trước khi giao dịch bắt đầu.
Cổ phiếu của các công ty xa xỉ đã tăng giá sau khi Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất hôm 22/7, song lĩnh vực này đang phải chịu đựng hoạt động chi tiêu sụt giảm kéo dài tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Những cảnh báo lợi nhuận từ Burberry và Hugo Boss, cùng với doanh số bán hàng của Richemont giảm 27% trong quý này tại Trung Quốc đại lục trong tuần trước, đã phá vỡ hy vọng về nửa cuối năm tốt hơn.
Các thị trường châu Á đã ổn định trong một phiên giao dịch yên ắng, trong đó cổ phiếu của các nhà sản xuất chip "nối gót" sự phục hồi trên Phố Wall.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement